Theo nghị quyết 84 vừa được ban hành, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến du lịch quốc gia, trước mắt tập trung thu hút khách từ các quốc gia đã được kiểm soát dịch bệnh.
Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý chung của các doanh nghiệp lữ hành là rất nóng lòng đón khách quốc tế nhưng đón thế nào vẫn cần một quy trình thống nhất.
Chủ động “du lịch an toàn”
Ông Ngô Minh Đức – chủ tịch Tập đoàn HG – cho biết đã chuyển một phần nhân sự từng phụ trách khách quốc tế sang mảng nội địa vì chưa biết khi nào thị trường nước ngoài hoạt động. “Mảng nội địa chỉ là một phần hoạt động của doanh nghiệp, các đường bay quốc tế, dịch vụ du lịch cao cấp… vẫn chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Chừng nào nhóm khách này chưa có thì doanh nghiệp vẫn hoạt động lình xình” – ông Đức nói.
Vị chủ tịch này đang hi vọng từ tháng 7 một số đường bay quốc tế có thể mở lại, trước mắt với những nơi đã kiểm soát dịch hiệu quả như Hàn Quốc, Đài Loan… Lúc đó, thị trường mới có sinh khí, các bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp mới thực sự hoạt động đúng công suất. “Hiện chúng tôi vẫn ngóng thị trường quốc tế được mở trở lại” – ông chủ tịch HG nói.
Ông Don Lam – chủ tịch VincaCapital – đã đề xuất mô hình “Du lịch an toàn” để khởi động lại thị trường khách du lịch quốc tế. Theo đó, khách sẽ được xét nghiệm COVID-19 trước khi lên máy bay vào VN và chỉ đến những điểm du lịch được chỉ định, biệt lập. Ở VN, địa điểm được ông Don Lam gợi ý là Phú Quốc, một số villa nghỉ dưỡng ở các đảo.
Tại đây, hằng ngày du khách vẫn tham gia các hoạt động ngoài trời như tắm nắng, nghỉ ngơi, chơi thể thao dưới nước trên những bãi biển đẹp và được kiểm tra COVID-19 định kỳ trong suốt kỳ nghỉ. Nhân viên ở các khu nghỉ dưỡng này đều được tập huấn về an toàn phòng dịch với quy trình cung ứng thực phẩm, vệ sinh phòng riêng.
Ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch biệt lập, tức đưa du khách đến những khu nghỉ dưỡng trên những chuyến bay thuê bao (charter) được nhiều chuyên gia ủng hộ và thực tế nhiều nước cũng đã triển khai.
Ông Phạm Hà – CEO của Công ty Luxury – cũng đồng tình du lịch biệt lập là cách duy nhất để đưa khách quốc tế trở lại VN sớm nhất. Hình thức du lịch này có thể phù hợp với một vài địa phương phát triển du lịch biển, đảo nhưng nếu mở được sản phẩm mới thì có thêm nhiều doanh nghiệp được cứu.
Theo ông Hà, việc có thêm nhiều sáng kiến thúc đẩy mở cửa thị trường vừa đảm bảo an toàn là rất cần thiết vì nhu cầu đi du lịch của người dân các nước cũng đang rất cao. Ông Phạm Hà gợi ý và cho biết đã nhận được sự quan tâm của khách quốc tế cho tour khởi hành trong tháng 9 và tháng 10 từ lúc này.
Khó phục hồi nhanh
Theo bà Trần Thị Việt Hương – giám đốc Trung tâm Điều hành hướng dẫn viên VN, trung tâm có hơn 300 hướng dẫn viên và đến nay số hướng dẫn viên được dẫn tour trở lại đi làm sau dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn 90% hướng dẫn viên vẫn đang thất nghiệp, phải mưu sinh bằng nhiều nghề. “Trong nước, các đoàn chưa có nhiều. Vé máy bay hãng hàng không bán cho khách đoàn vẫn cao, tổ chức tour là lỗ. Du lịch vẫn đang khó toàn diện” – bà Hương nói.
Bà K.Hà – giám đốc một công ty về thương mại, du lịch – cho biết hiện nay công ty vẫn đang mở cửa. Công ty của bà từng trải qua các đợt dịch SARS và các đợt bùng phát dịch cúm gà nên bà đã có kinh nghiệm trong việc chờ đợi sự phục hồi trong ngành, thế nhưng dịch COVID-19, theo bà, thực sự là cú đòn không dễ gắng gượng. Bà Hà cho rằng hiện người dân vẫn lo ngại dịch bùng phát nên hầu hết chỉ đặt chỗ ở trước, không đăng ký tour “thành ra hầu hết các công ty lữ hành đều chưa có khách”.
Chị Hoàng – quản lý nhà hàng ở một khách sạn Q.1, TP.HCM – cho biết từ khi sau dịch, nhà hàng cũng chỉ có thể đón khoảng 40% nhân viên trở lại làm việc. Dịch COVID-19 thực sự là cơn địa chấn đối với ngành ẩm thực VN, gây nhiều tác động tiêu cực về kinh tế cho ngành dịch vụ ăn uống tại VN và người lao động đang làm việc trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi đang khôi phục từ từ nhưng hậu dịch nên mọi thứ đều khó, tiệc buffet chưa thể mở lại. Khách của nhà hàng trước đây chủ yếu là du khách quốc tế, khách doanh nghiệp đến TP hội họp… nhưng cả hai nhóm này đều chưa sẵn sàng. Chúng tôi dự kiến đến tháng 9 tình hình mới về như cũ, lúc đó mới bắt đầu nghĩ đến tuyển lại nhân viên” – chị Hoàng nói.
Huế triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch
Du khách chèo súp ở phá Tam Giang, sản phẩm du lịch mới ở Huế
Sáng 31-5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 với chủ đề “Kết nối lữ hành – Huế, điểm đến an toàn và thân thiện” nhằm phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế từ đây đến hết năm 2020.
Tại diễn đàn, ông Phan Thiên Định – phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế – cho biết từ nay đến cuối năm, tỉnh này sẽ giảm giá 50% vé tham quan các địa điểm di tích cố đô Huế, riêng trong 6 ngày diễn ra Festival Huế 2020 sẽ miễn phí vé tham quan di tích.
Theo Hiệp hội Du lịch Huế, các cơ sở lưu trú tại Huế đã cam kết giảm từ 20 – 50% giá phòng trong giai đoạn kích cầu du lịch. Cụ thể giảm 20% cho đêm thứ nhất, 30% đêm thứ 2 và 50% đêm thứ ba. Các công ty vận chuyển cũng cam kết giảm giá 20 – 30% trong mùa hè 2020.
Ông Định cho biết bên cạnh dòng sản phẩm du lịch di sản, tỉnh sẽ đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… “Đặc biệt sản phẩm du lịch Huế – kinh đô ẩm thực, Huế – kinh đô áo dài sẽ được tập trung đầu tư, đưa vào khai thác phục vụ du khách ngay trong dịp Festival Huế sắp tới. Huế cũng phối hợp các đơn vị tổ chức các hoạt động thể thao lớn vào cuối năm nhằm thu hút khách du lịch nội địa” – ông Định thông tin.
Ông Trần Đoàn Thế Duy – phó tổng giám đốc thường trực Công ty du lịch Vietravel – cho rằng sản phẩm Huế cần đa dạng hơn ngoài di sản. Huế cần khai thác du lịch rừng, biển và đầm phá. Ông Duy mong lãnh đạo tỉnh sớm quy hoạch, đầu tư các bãi biển đẹp, tận dụng nguồn lực từ phá Tam Giang… Để níu khách ở lại, cần đầu tư dịch vụ giải trí, mua sắm; du lịch về đêm phải nâng chất. Huế cần xây mới chợ đêm ẩm thực, con đường ẩm thực…
Mong trời sáng trở lại!
Theo Sở Du lịch TP.HCM, ước tính trong quý 1-2020, tại 25 cơ sở lưu trú trên địa bàn có đến 19.587 người phải tạm ngừng việc, 830 người nghỉ việc, số còn lại vẫn đang làm việc nhưng được phân công nghỉ luân phiên, năng suất thấp…
Thống kê của Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM cho biết số người mất việc làm trong thời gian cao điểm dịch bệnh từ đầu tháng 4 đến nay là khoảng 640.000 người. Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết TP.HCM có khoảng 25% doanh nghiệp phải điều chỉnh, thu hẹp sản xuất do dịch bệnh, ảnh hưởng nặng nề đến việc làm của người lao động.
Theo ghi nhận, hiện nay ngay cả những người làm việc trực tiếp trong các công ty du lịch – lữ hành cũng phải chấp nhận mất việc ít nhất đến hết năm, chọn bán hàng online để cải thiện thu nhập. Trên một diễn đàn dành cho nghề khách sạn với hàng trăm ngàn thành viên, bài đăng được ghim ngay đầu trang có tựa đề “Gói cứu trợ “dân ngành” – Topic mua bán”, để người làm nghề khách sạn cùng nhau bán buôn online đủ thứ loại sản phẩm từ món ăn cho đến trái cây, mỹ phẩm.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – ĐH Fullbright Việt Nam, tác động của dịch COVID-19 bắt đầu rõ hơn từ sau tháng 4.
Nguồn: tuoitre.vn