Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2019, Việt Nam được xem là một địa điểm hấp dẫn đầu tư hàng đầu trên thế giới, lần đầu tiên vượt Trung Quốc và nhiều nước khác.
Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển bứt phá đi lên. Chính phủ đang nỗ lực, cộng đồng doanh nghiệp cũng đồng loạt hưởng ứng. Cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu có thể giúp nền kinh tế vươn lên.
Chiều 3/12, hai vị đồng chủ Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF): Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc và ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) có cuộc trao đổi với báo chí trước thềm diễn đàn.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2018 diễn ra ngày 4/12 tại Hà Nội có chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế dịch chuyển thương mại toàn cầu”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết. Đây là vấn đề khá mới mẻ so với các diễn đàn trước.
Theo chương trình dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu tại Diễn đàn.
VBF cuối kỳ 2018 có 3 phiên, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: nguồn lực cho cơ sở hạ tầng; những yêu cầu cho thời kỳ nền kinh tế số hay còn gọi là thời kỳ công nghiệp 4.0; và việc khắc phục những trở ngại đối với doanh nghiệp.
Thương mại thế giới thay đổi mạnh. Việt Nam có cơ hội để bứt phá. |
Các nhóm công tác sẽ tập trung vào các vấn đề như: “Cải cách hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và hợp đồng mua bán điện có khả năng thanh toán – xây dựng sơ đồ điện VIII mang tính khả thi”; “Tài chính cho thị trường”; “Tín dụng chất lượng cao – nguồn lực quan trọng để đổi mới”; “Kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ công nghiệp 4.0”; “Nông nghiệp chính xác và cách thức quảng bá sản phẩm trên thị trường thế giới”; “Dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn cần những cách tiếp cận mới”, “Tăng cường khả năng cạnh tranh và giảm gánh nặng quan liêu để tận dụng các Hiệp định Tự do Thương mại và các cơ hội thương mại khác”; “Minh bạch về thuế và hải quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển”,…
Cũng giống như các diễn đàn trước, cuối mỗi phiên đều có phản hồi từ phía Chính phủ Việt Nam.
Một trong những vấn đề được đề cập nhiều tại VBF lần này tiếp tục cải cách thế chế, môi trường kinh doanh, nhất là giấy phép con.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2019, Việt Nam được xem là một địa điểm hấp dẫn đầu tư hàng đầu trên thế giới, lần đầu tiên vượt Trung Quốc và nhiều nước khác. Môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang được cải thiện và theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn.
Mặc dù vậy, để đạt được kết quả cao thì cần phải giải quyết một số vấn đề tồn tại như: vấn đề thực thi cải cách môi trường kinh doanh, nạn giấy phép con, vấn đề chất lượng nhân lực cần được nâng cao, vấn đề nâng cấp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả các khu vực kinh tế hộ gia đình… để nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển và vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
Một vấn đề cũng sẽ được đề cập đến là vấn đề nghị định hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng làm sao không để tạo ra sự cản trở đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là vấn đề kinh tế xuyên biên giới thời kỳ công nghiệp 4.0.
Vấn đề tăng cường tính kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam cũng sẽ được đề cập. Tính kết nội giữa hai khối doanh nghiệp này vẫn còn rất thấp, thậm chí còn thua kém sự kết nối của hai thành phần này ở cả Lào và Campuchia.
Nguồn: vietnamnet