Sáng 24-10, các kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIV bước vào phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách. Nhiều đại biểu cho rằng quý III-2017 vừa qua, mặc dù tăng trưởng đạt mức cao (7,46%) nhưng phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) FDI như Samsung hay Formosa… Điều này phản ánh nhiều khía cạnh về sức khỏe nội tại của nền kinh tế quốc gia.

Lo ông lớn hắt hơi, sổ mũi

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay năm nay “tăng trưởng không dựa vào dầu thô, khai khoáng và tín dụng” vì công nghiệp khai khoáng chín tháng đầu năm giảm hơn 8%, còn sản lượng dầu thô giảm khoảng 3 triệu tấn…

Theo Phó Thủ tướng, vừa qua công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh và là động lực tăng trưởng của quý III và chín tháng đầu năm 2017 (trong đó riêng Samsung tăng 45% vì ra đời sản phẩm mới). “Công nghiệp chế tạo không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng” – Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng cho biết thêm sắp tới tăng trưởng phải “chờ vào một số dự án lớn nữa”. Năm nay, ngoài tăng trưởng của Samsung thì có 1,7 triệu tấn thép của Formosa. Năm sau Formosa hoạt động hết công suất thì có gần 7 triệu tấn thép.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tăng trưởng quý III đạt cao như thế là do có một số yếu tố đột biến mà chủ yếu là dựa vào tăng trưởng của các DN FDI. Theo Chủ tịch QH, điều này cho thấy sức khỏe nội tại của nền kinh tế, DN trong nước còn yếu.

Lo vì tăng trưởng phụ thuộc các ông lớn FDI - ảnh 1ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định xuất khẩu vẫn dựa vào những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Ảnh: TTXVN

Theo bà Ngân, sự phụ thuộc này khiến nền kinh tế khó phát triển bền vững vì đang phụ thuộc vào một vài DN, một vài sản phẩm cụ thể. “Tôi nhớ ngày xưa tại tỉnh Hải Dương, nguồn thu lớn nhất của tỉnh này trông vào DN ô tô Ford. Cho nên khi “ông” này “hắt hơi, sổ mũi” cái là ngân sách tỉnh có vấn đề luôn. Hay năm trước, một sản phẩm của Samsung bị lỗi một chút lập tức ảnh hưởng ngay đến chỉ tiêu xuất khẩu của chúng ta và nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh nói riêng, cả nước nói chung” – bà Ngân dẫn chứng.

Nội lực nền kinh tế mới là quan trọng

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng nói: “Nội lực nền kinh tế của đất nước mới là quan trọng. Đầu tư nước ngoài chỉ bổ sung cho nội lực kinh tế phát triển. Xưa nay chúng ta nói là chủ trương nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ chính là chỗ này. Nếu không thì ông Samsung rút đi rồi thì chả còn gì của mình”.

Theo ông Vượng, để phát huy được nội lực nền kinh tế thì phải có cơ chế, chính sách, phải tạo điều kiện để người dân, DN góp nguồn lực vào đầu tư phát triển. “Phải có cơ chế đột phá để huy động được nguồn vốn chung sức.  Nguồn vốn trong dân (vàng, ngoại tệ, tiền đồng – PV) hiện lớn lắm” – ông Vượng nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định xuất khẩu vẫn dựa vào những DN lớn, đặc biệt là DN FDI. Ông dẫn chứng: “Về vấn đề này, chúng ta có bài học cụ thể về phát triển công nghiệp ô tô trong 20 năm qua. Chúng ta đặt mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa cho ngành công nghiệp ô tô lên tới 30%-40% nhưng thực tế đạt được có vài phần trăm thôi”.

Đại biểu Nghĩa cho rằng “muốn nội địa hóa phải đào tạo được nhân lực, phải sản xuất được bộ phận nào đó, chứ giờ như Toyota rút đi thì chúng ta còn lại gì?”.

Chỉ góp “lao động giá rẻ”, sao có hàng “made in Việt Nam”

Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa bày tỏ lo lắng khi đóng góp của DN Việt vào chuỗi cung ứng với DN FDI chỉ tính bằng lao động giá rẻ, tiền lương thấp nên thực tế “không được hưởng bao nhiêu FDI cả”. Do đó cần phải tính toán thế nào để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, tạo ra những “sản phẩm của Việt Nam”.

TRỌNG PHÚ – NAM GIANG

Theo Plo.vn

Từ khóa : Doanh Nghiệp FDIformosakinh tế xã hộiKỳ họp thứ 4Phiên Thảo LuậnPhụ ThuộcQuốc hội khóa XIVSamsung

Các tin liên quan đến bài viết