Thay đổi tư duy, đặt hàng kịch bản, không khuyến khích trao giải những tác phẩm dựng lại… là kế sách của những người mê đắm và khát khao vực dậy sân khấu Thủ đô.
Sân khấu Thủ đô vắng bóng những tác phẩm sân khấu về đề tài hiện đại, vắng bóng hình ảnh một Hà Nội năng động với biết bao đổi thay. Sân khấu Thủ đô đã và đang thể hiện sự tụt hậu của mình khi chạy theo xu hướng hoài cổ hướng tới những đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại, nước ngoài và “gặm nhấm” các kịch bản cũ. Làm thế nào để sân khấu không tụt hậu?…
Làm sân khấu nghiêm túc, cẩn trọng, vì nghệ thuật
Nhà văn Nguyễn Hiếu, hội viên Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng sự thật đáng buồn này không phải vì tác giả đang sống ở Hà Nội yếu kém, hoặc thiếu hụt tình yêu với thành phố mình đang sống. Nhưng dù viết về Hà Nội hay, hấp dẫn đến đâu mà đút ngăn kéo thì đến kiệt tác cũng chỉ bằng thừa.
Tôi cho rằng các nhà hát, các đoàn kịch của Hà Nội sống trên đất Hà Nội không thờ ơ với Hà Nội nhưng sự dũng cảm để dám dựng những kịch bản Hà Nội có đề tài đương đại đầy sức thu hút với người xem xong lại bị liệt vào đề tài nhạy cảm thì tốt nhất ta tìm kịch bản kém một chút nhưng an toàn. Ngoài ra, tôi cũng không cho rằng những người quản lý, lãnh đạo sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung của Hà Nội là những người ở tỉnh khác nên thiếu một tình yêu đau đáu với Hà Nội để văn nghệ Thủ đô ngày càng thiếu hụt, trống vắng chất Hà Thành”, nhà văn Nguyễn Hiếu bày tỏ.
Cảnh trong vở ‘Mảnh đất lắm người nhiều ma’ của Nhà hát Kịch Hà Nội. |
Là một người Hà Nội viết văn, viết kịch, tác giả Nguyễn Hiếu vui khi thấy Hội Sân khấu Hà Nội quan tâm tới chủ đề Sân khấu Hà Nội với cuộc sống hôm nay. Bởi theo ông, có thể xem đây là một định hướng mang chất chỉ đạo nghệ thuật thực sự. Tức là các nhà quản lý, lãnh đạo văn nghệ nói chung và sân khấu nói riêng đã nhìn ra sự thiếu hụt hơi thở cuộc sống hôm nay trên sân khấu Thủ đô.
“Riêng tôi lại nghĩ, với sân khấu Hà Nội cụm từ ‘sân khấu hôm nay’ là đúng nhưng chưa chính xác và chuẩn lắm. Bởi lẽ, sân khấu Hà Nội ngoài việc phản ảnh cuộc sống hôm nay còn cần lấy ‘cuộc sống Hà Nội hôm nay’ làm trọng tâm, đặt lên hàng đầu. Dù là Thủ đô của cả nước nhưng vẫn là một thành phố, một địa phương, cần biểu dương cái gì, cần phê phán cái gì của Hà Nội để tạo nên bản sắc riêng.
Nếu không coi trọng bản sắc Hà Nội sân khấu Hà Nội cũng sẽ nhạt nhòa, bị lẫn với địa phương này, thành phố khác. Bài học làm sân khấu của Hải Phòng, TP.HCM chúng ta nên học. Vai trò chỉ đạo nghệ thuật từ vĩ mô đến cụ thể các đơn vị hạ tầng nên lấy tiêu chuẩn chất Hà thành để định ra phương hướng chỉ đạo nghệ thuật của mình”, tác giả Nguyễn Hiếu đưa ra giải pháp.
NSND Thanh Trầm cho hay, đã đến lúc thay đổi tư duy làm sân khấu. “Những kịch bản sân khấu của các tác giả những năm trước và giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới đã đề cập trúng những vấn đề của thời đại, những bức xúc, tâm trạng của con người. Song hành với đó là một thái độ làm sân khấu nghiêm túc, cẩn trọng, vì nghệ thuật… Bởi thế sân khấu được coi là thánh đường của nghệ thuật. Người xem đến với sân khấu để được thỏa mãn những khát khao, ước vọng. Ngoài nhiều yếu tố tạo nên những kịch bản hay của các tác giả tài năng, bao trùm và xuyên suốt chính là tầm tư tưởng và tính nhân văn của tác phẩm, cho dù kịch bản đề cập đến nhiều mặt trái của xã hội.
Sân khấu Thủ đô năm nào cũng tổ chức những trại viết rất rôm rả nhưng kịch bản hay vẫn còn ở phía trước! Để có những kịch bản hay, có tầm về đề tài hiện đại cho sân khấu Thủ đô, điều quan trọng cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu. Trước hết tư duy về những vấn đề liên quan đến kịch bản sân khấu, phải biết chọn lọc và thẩm định được những người viết có khả năng để đầu tư, bồi dưỡng. Mỗi nhà hát, đoàn nghệ thuật nên chú trọng tạo dựng riêng cho mình một vài tác giả sân khấu phù hợp với quan điểm, hướng đi của mình để đầu tư và sinh lời… Hãy đối xử bình đẳng với một kịch bản, không phân biệt của tác giả tên tuổi hay mới vào nghề, bởi tiêu chí cao nhất là kịch bản hay”, NSND Thanh Trần nêu quan điểm.
Nuôi dưỡng thế hệ khán giả trẻ
NSND Quốc Chiêm cho rằng, quan trọng nhất phải có chiến lược đặt hàng sáng tác những tác phẩm sân khấu có chất lượng, đầu tư có chiều sâu nghệ thuật để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao phục vụ nhu cầu thưởng thức của đông đảo công chúng, góp phần hình thành nhân cách, bồi đắp xây dựng đạo đức con người trong cuộc sống hôm nay.
Một cảnh trong vở cải lương ‘Huyền thoại Thánh mẫu’ của Nhà hát Cải lương Hà Nội. |
NSND Quốc Chiêm cũng cho rằng, đối tượng khán giả là học sinh, sinh viên cần được chú trọng. “Phải tăng cường các hoạt động giao lưu với khán giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên có một chương trình “Nghệ thuật sân khấu với sinh viên” để khán giả trẻ hiểu những giá trị nhân văn của tác phẩm sân khấu, để có nhận thức giá trị nghệ thuật và ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Ngoài ra cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, tác giả, họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo… góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật. Chăm sóc các tài năng văn học, nghệ thuật, tăng cường mở rộng các hoạt động sân khấu không chuyên, đưa nghệ thuật sân khấu thấm sâu vào đời sống xã hội, để những giá trị của nghệ thuật sân khấu có thể thâm nhập lan tỏa trong cuộc sống của mỗi người dân, góp phần hình thành nhân cách con người trong xã hội qua những hoạt cảnh và vở diễn sân khấu”, NSND Quốc Chiêm chia sẻ.
Đạo diễn Hoàng Thanh Du nêu quan điểm, cần thiết nên tổ chức trại viết kịch bản sân khấu 2 lần/năm với chủ đề rõ ràng. Nếu là chủ đề về Hà Nội chỉ chấp nhận kịch bản viết về Hà Nội mà thôi, TP.HCM lâu nay đã làm thế và hiệu quả.
Đạo diễn Hoàng Thanh Du cũng hiến kế nên in thành sách các kịch bản chọn lọc tốt trong các trại sáng tác để giới thiệu và phát hành tới đơn vị nghệ thuật của Hà Nội. Những kịch bản hay cần được khuyến khích, phân tích vì sao nó hay, kịch bản dở cần đưa ra rút kinh nghiệm chỉ đúng, trúng vì sao nó dở. Những vở dựng lại xin không trao thưởng.
Nguồn: vietnamnet