Vi phạm luật pháp nước sở tại, sử dụng giấy tờ giả và đi mà không trở về… khiến cho tấm passport (hộ chiếu) Việt Nam hiện tại gần như chỉ có thể đi đến 51 điểm mà không cần xin visa (thị thực).
Vậy làm gì để có thể khiến tấm hộ chiếu công dân Việt Nam trở nên quyền lực hơn. Trách nhiệm của Nhà nước hay là công dân?
Ai khó đi nước ngoài?
Khi Kim Anh, 30 tuổi, về đến sân bay Tân Sơn Nhất sau chuyến thăm bạn trai ở Úc, chị nhận được một email thông báo… thị thực của mình chính thức bị hủy.
Đây là điều hoàn toàn bất ngờ vì cô gái này đã ở Úc gần 3 tháng, tức còn trong tầm thời hạn 3 tháng cho phép của tấm thị thực vốn dĩ có giá trị một năm.
Điều gì đã xảy ra? Thực tế, lúc nhập cảnh, người phụ nữ cư ngụ tại Lâm Đồng này khai sẽ ở Úc trong thời hạn khoảng 2-3 tuần.
Cho dù điều này không vi phạm thời gian lưu trú tối đa cho phép 3 tháng, nhưng cũng thường là căn cứ để các nước yêu cầu khắt khe hơn trong lần thứ hai quay lại, hoặc thậm chí hủy luôn visa như Kim Anh.
Trường hợp của Kim Anh dẫu sao cũng may vì đã đi được và trở về. Theo giải thích của Tú Uyên – nhân viên một công ty dịch vụ hỗ trợ thị thực ở TP.HCM, những trường hợp như Kim Anh phần lớn “vướng” vì lý do tuổi tác.
“Công dân trong độ tuổi lao động muốn xin thị thực đa phần khó hơn diện đã về hưu, đi thăm con cái ở nước ngoài”, Uyên nói.
Nhưng người về hưu cũng gặp không ít khó khăn. Tú Uyên cho biết từng gặp trường hợp một cặp vợ chồng lớn tuổi đã không thể xin thị thực vào nước Anh thăm con, dù chuẩn bị đủ giấy tờ.
Trong thư phản hồi, phía Anh đưa ra nhiều lý do cho thấy sự bất hợp lý trong quá trình trình bày về tài chính.
Cụ thể người chồng, vốn làm nghề sửa điện tự do nhưng nhờ một công ty người quen xác nhận hợp đồng để nộp cho Lãnh sự quán Anh. Phía Anh đặt dấu hỏi về chuyện hợp đồng không cung cấp rõ mức lương.
Ngoài ra, sổ tiết kiệm nộp trong hồ sơ của người đàn ông lại đứng tên vợ, nên phía lãnh sự quán xác định người chồng không có quyền đối với sổ tiết kiệm này.
“Hiện nay các nước có xu hướng siết chặt giấy tờ. Họ cũng xem xét các yếu tố mềm trong giấy tờ, ví dụ lương anh 5 triệu/tháng, liệu có bất hợp lý hay không khi anh trình bày mình có vài trăm triệu trong tài khoản tiết kiệm? Đây là điều nhiều người mắc phải, vì họ cứ nghĩ càng nhiều tiền trong tài khoản tiết kiệm thì càng tốt”, Uyên nói với Tuổi Trẻ.
Xin visa khó không phải là chuyện cá biệt và khó khăn không chừa một ai, ngay cả giới có hộ chiếu công vụ, cơ quan nhà nước, thậm chí là giới làm visa dịch vụ cũng lắm phen dở khóc dở cười.
Theo giám đốc một công ty dịch vụ xin visa qua Mỹ, khi tổ chức đoàn cho công ty mình đi qua Mỹ, các nhân viên phỏng vấn visa đậu, riêng vị giám đốc lại rớt mà không hiểu lý do.
Giới làm dịch vụ thị thực hiện nay tổng kết rằng các yếu tố quan trọng nhất thường ảnh hưởng lớn lên kết quả xin thị thực là lịch sử du lịch, năng lực tài chính, mức lương, tình trạng hôn nhân…
Công việc tất nhiên rất quan trọng, nhưng đối với một số nước như Úc hay châu Âu, lương thấp là những điểm trừ khi xin thị thực. Người độc thân hay đã ly hôn khi xin thị thực thường phải đứng trước cửa hẹp.
Cán bộ nhà nước cũng rớt visa
Những câu chuyện trên phản ánh đúng thực tế rằng hộ chiếu Việt Nam đang khá “yếu” trên bảng xếp hạng những hộ chiếu quyền lực trên thế giới. Người Việt Nam cầm hộ chiếu phổ thông hiện nay chỉ có thể đi đến 51 điểm trên thế giới mà không cần xin thị thực.
“Thực tế công dân Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn khi xin thị thực ra nước ngoài”, người đại diện của Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với Tuổi Trẻ.
Theo vị này, thậm chí nhiều đoàn cán bộ nhà nước (thuộc các bộ, ngành, địa phương) đi công tác tới các nước chưa ký hiệp định miễn thị thực như Đức, Phần Lan, Úc, Canada và một số quốc gia khác thuộc khối Schengen cũng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục visa, có đoàn phải hủy chuyến công tác vì chưa xong thủ tục visa mặc dù hồ sơ nộp trước đó cả nửa tháng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia cho rằng có nhiều vấn đề tồn đọng khi người Việt Nam du lịch nước ngoài, trong đó hai điểm tiêu cực chủ yếu là vi phạm pháp luật ở nước sở tại và sử dụng giấy tờ không hợp lệ hoặc bị làm giả.
Mặt khác, theo vị này, “độ tin cậy của hộ chiếu Việt Nam còn chưa cao do chưa áp dụng hộ chiếu điện tử”. Việc phát triển hộ chiếu điện tử sẽ giúp chuẩn hóa chất lượng thông tin trên hộ chiếu theo kịp với tiêu chuẩn quốc tế cũng như thông tin, giấy tờ… từ đó tạo độ tin cậy cao cho giấy tờ đi lại quốc tế của công dân và hỗ trợ xin visa tốt hơn.
Tháng 10-2017, lúc đó tôi đang làm việc cho một công ty ở Bangkok và lên kế hoạch nghỉ phép đi du lịch Nhật Bản 10 ngày. Nộp hồ sơ đến Đại sứ quán Nhật Bản ở Bangkok đúng như yêu cầu, tài khoản ngân hàng có 150 triệu và cả thư giới thiệu của công ty nhờ đại sứ quán hỗ trợ cấp visa cho tôi vì tôi không có ý định ở lại Nhật.
Một tuần sau, tôi bị từ chối visa nhưng không được biết lý do. Tôi nghĩ mãi cũng không hiểu tại sao mình rớt visa. Có lẽ nào vì tôi đang làm việc ở nước ngoài, lại đi du lịch tự túc một mình nên họ nghĩ tôi có thể ở lại tìm việc tại Nhật?
Dịp Tết Nguyên đán, tôi xin visa đi Pháp du lịch. Theo hướng dẫn về thủ tục trên website, tôi tự chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm đơn xin nghỉ phép với cơ quan, hành trình du lịch, sổ đỏ, sổ tiết kiệm. Hồ sơ của tôi không thiếu gì, thật 100% và điều kiện tài chính có thể nói là vượt yêu cầu, nhưng rốt cuộc bị từ chối và mất gần 10 triệu tiền phí đã đóng. Quyết tâm thử lại lần nữa, lúc này qua dịch vụ xin visa bao đậu, nhưng cũng không thành công. Lý do từ chối, phía Pháp đánh dấu vào ô có nội dung cho rằng họ không thấy tôi có ý định quay về Việt Nam.
Một số bạn bè chia sẻ rằng có thể vì tôi là nữ, độc thân, dưới 30, nên bộ phận cấp visa nghi ngờ tôi có thể trốn ở lại. Một người bạn của tôi, cũng tuổi dưới 30, độc thân, là nữ, nên bị rớt.
Tôi đã đi Nhật, Hàn, Đài Loan và nhiều nước châu Á khác. Trong 2 năm qua, tôi đi Nhật ba lần và nhận thấy việc xét visa vào Nhật ngày càng khó, tỉ lệ rớt cao hơn.
Dĩ nhiên, tôi hiểu vì đã có nhiều người được cấp visa nhưng phá vỡ cam kết, trốn ở lại, thậm chí làm những việc xấu nên các nước mới xét visa khó đến thế với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tôi mong những người xin visa đi nước ngoài nên có ý thức tôn trọng pháp luật để không ảnh hưởng đến những người khác.
Để tấm hộ chiếu người Việt quyền lực hơn
Để tấm hộ chiếu của Việt Nam quyền lực hơn, cần phải tập trung cải thiện một số vấn đề.
Đầu tiên là đàm phán cấp chính phủ, Việt Nam cần mở rộng đàm phán, trao đổi với các nước những thỏa thuận, hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông. Nhưng việc chấp thuận miễn visa sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của nước sở tại, và cũng tùy vào giai đoạn phát triển của quốc gia đó.
Ngoài ra, khi Việt Nam chủ động miễn thị thực đơn phương cho một số nước, vô tình ta cũng mất đi một đòn bẩy, một lá bài trên bàn đàm phán bởi những nước đã được hưởng cơ chế ưu đãi này sẽ không có động lực để đàm phán trên cơ sở có đi có lại.
Do đó, một trong các hướng xử lý có thể xét đến là luật pháp Việt Nam nên bổ sung thêm quy định về điều kiện miễn visa đơn phương cho công dân nước khác trên cơ sở nước đó cũng áp dụng các biện pháp thuận lợi tương ứng về thị thực cho công dân Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm công cụ đàm phán hiệu quả hơn.
Thứ hai, cũng xét trên nhu cầu phát triển kinh tế và du lịch, để hộ chiếu Việt Nam quyền lực hơn thì “quyền lực mềm” của đất nước cũng cần tăng cường và phát triển tương ứng, người Việt Nam cũng cần cho thấy nhu cầu du lịch và đầu tư tương xứng.
Mỗi năm có gần 10 triệu lượt người Việt Nam ra nước ngoài. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với 28,7 triệu người Hàn Quốc đi nước ngoài năm 2018, chiếm hơn một nửa dân số, trong khi tỉ lệ này ở Việt Nam chỉ chừng 10%. Việc du khách Hàn Quốc đi du lịch và làm việc nhiều chính là lý do các nước, ngay cả Việt Nam, nhìn thấy tiềm năng và sẵn sàng miễn thị thực.
Về kinh tế, có thể thấy các nước có visa quyền lực nhất cũng đa số là các nước giàu nhất, có nhiều công ty đa quốc gia (ngoại trừ Trung Quốc). Mức độ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài càng cao, cơ hội để công dân các quốc gia ấy được tự do đi lại càng lớn.
Điểm thứ ba nằm ở nỗ lực của cơ quan chức năng và bản thân người dân khi đi nước ngoài. Việc thắt chặt quản lý, tăng cường tuyên truyền ý thức và thông tin cho công dân Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi sử dụng giấy tờ giả hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại.
Ví dụ gần đây, Cục Lãnh sự phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản dịch cẩm nang dành cho người nước ngoài muốn lao động và cư trú tại Nhật.
Về phần mình, người dân cần tìm hiểu kỹ điểm đến, có cách cư xử chuẩn mực, tôn trọng văn hóa, tập quán, pháp luật nước đến.
Nguồn: tuoitre.vn