Nhiều giáo viên trên cả nước đang rất ngóng đợi những sự thay đổi ở chùm thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. 

Những mong ngóng này càng nhiều hơn sau khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Chia sẻ với VietNamNet, các giáo viên đã kiến nghị một số điểm cần sửa đổi của chùm thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập.

Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS & THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho hay, chùm thông tư này quy định về việc sử dụng chứng chỉ để xếp hạng chức danh nghề nghiệp, song có rất nhiều điểm bất cập.

“Điều thứ nhất cần làm rõ đó là trong các loại chứng chỉ mà viên chức giáo dục phải có, loại nào dùng để thăng hạng bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ nào để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chứng chỉ nào bắt buộc phải có, chứng chỉ nào khuyến khích có…”, thầy Hiển nói.

Thứ hai, theo thầy Hiển, cần đưa ra lí do thuyết phục bởi hầu hết cán bộ, giáo viên bỏ tiền túi phải tham gia các lớp học, khóa học chứng chỉ.

“Vậy phải chăng, trong quá trình đào tạo giáo viên, các chứng chỉ sư phạm và nghiệp vụ sư phạm, tiếng Anh, tin học của trường đại học sư phạm cấp là không đạt yêu cầu? Tại sao phải học chứng chỉ mới vừa tốn kém, vừa lãng phí mà không hề có ý nghĩa thực tế. Đó là chưa nói đến câu chuyện chất lượng các khóa học đến đâu”.

Thứ ba, theo thầy Hiển, cần sửa đổi việc xếp hạng đạo đức theo từng hạng giáo viên.

“Rõ ràng, trong Quyết định số 16/2008/QĐ-BGĐTđã nói rất cụ thể về đạo đức nhà giáo, từ phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống tác phong, giữ gìn và bảo vệ đạo đức nhà giáo. Thế nhưng, tại các Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập thì lại có các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp ở mỗi hạng. Đây liệu có phải là sự chồng chéo, hơn nữa gây rối rắm, trùng lặp giữa các văn bản. Chưa kể, đạo đức sao lại có thể xếp hạng theo các mức độ 1,2,3”, thầy Hiển nói.

Kiến nghị sửa quy định bổ nhiệm và xếp hạng giáo viên

Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, chùm thông tư cần rút gọn các tiêu chí và các chỉ số của từng tiêu chí theo hướng có những tiêu chí chung cho các hạng chức danh.

“Ví dụ tiêu chí đạo đức nghề nghiệp. Hiện, mỗi hạng có một tiêu chí đạo đức là không phù hợp. Cần thay đổi theo hướng chỉ cần một tiêu chí đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng”, thầy Tuấn Anh nói.

Theo thầy Tuấn Anh, hiện, các tiêu chí khác cũng rất rườm rà và không sát với thực tế. “Nếu chiếu theo Thông tư 03, hạng III có 24 chỉ số, hạng II có 32 chỉ số, hạng I có 39 chỉ số. Việc đưa ra nhiều chỉ số như vậy sẽ rất khó cho các cơ sở giáo dục trong quá trình xét duyệt. Đặc biệt nhiều chỉ số không định lượng mà chỉ định tính, sẽ khó có minh chứng thuyết phục”, thầy Tuấn Anh phân tích.

Mặt khác, theo thầy Tuấn Anh, khi Nghị định 89 có hiệu lực, thì chỉ cần 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để có thể xếp vào các hạng.

“Dù Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 101 đã được Chính phủ ban hành nhưng đến ngày 10/12/2021 mới có hiệu lực. Trong khi đó, hiện nay, nhiều địa phương đang phát thông tin nhắc giáo viên đi học để kịp thời bổ nhiệm vào các hạng theo quy định của chùm thông tư 01, 02, 03, 04 (dù trên danh nghĩa là tự nguyện).

Như vậy, nếu không kịp thời có các văn bản hướng dẫn, thì khi Nghị định 89 có hiệu lực, cơ bản giáo viên học xong các chứng chỉ”.

Thầy Tuấn Anh cũng kiến nghị, việc yêu cầu có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ nên quy định đối với những trường hợp được tuyển dụng sau khi Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGD ĐT-BNV có hiệu lực. Các trường hợp đã tuyển dụng trước đó chỉ yêu cầu có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khi xét thăng lên hạng mới. Ví dụ từ hạng II lên hạng I. Các trường hợp trụ hạng thì không cần chứng chỉ.

Kiến nghị sửa quy định bổ nhiệm và xếp hạng giáo viên

Trước đó, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, ngay khi Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được sửa đổi, Bộ GD-ĐT sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, với đề xuất của Bộ Nội vụ trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì không phải là sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Chính vì vậy, hiện, nhiều thầy cô giáo trên cả nước đang rất ngóng đợi chùm thông tư sửa đổi về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Trả lời Báo VietNamNet vào tháng 3/2021, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (trước đây) và các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (thay thế các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức 2010 và Nghị định số 101 của Chính phủ.

Vị này cũng cho hay, ngành giáo dục cũng nỗ lực trong việc đề nghị được thay các chứng chỉ này bằng các chứng chỉ chuyên ngành nhưng đây là quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 101 thì không thể làm khác được.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chứng chỉgiáo viênhạng giáo viênLương Giáo Viên

Các tin liên quan đến bài viết