Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam kiến nghị cần giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đối với nhiên liệu bay, thay vì chỉ 30% như đề xuất của Bộ Tài chính.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không bị tác động nặng nề do dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2020.
Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, nếu được UBTVQH thông qua, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng đến hết 31/12/2020. Từ 1/1/2021, mức thuế này tiếp tục áp dụng theo quy định cũ trước đó.
Đánh giá về việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay tác động đến thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, nếu thực hiện phương án giảm 30%, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giảm 900 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít. Theo tính toán, số giảm thu ngân sách ước tính khoảng 87,33 tỷ đồng/tháng.
Hiện mỗi lít phải cõng 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường |
Đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết trên của Bộ Tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị giảm sâu hơn mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đối với nhiên liệu bay xuống còn ít nhất 900 đồng/lít, ít nhất cũng xuống mức 1.500 đồng/lít, tương đương 50% so với mức thuế hiện hành.
Mức giảm này thực ra còn thấp so với một số nước trong khu vực, như Trung Quốc và Australia miễn toàn bộ thuế tiêu thụ nhiên liệu; Ấn Độ tạm dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không; Thái Lan giảm tới 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu từ 6/2 tới 30/9/2020.
Hơn nữa, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho rằng, hiện Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai kích cầu du lịch, ngành hàng không cần tích cực tham gia và hỗ trợ bằng cách giảm giá vé máy bay và nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc giảm thuế sẽ hỗ trợ ngành hàng không thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.
Ngoài ra, thời hạn áp dụng mức thuế mới nên là 1 năm kể từ ngày ký và đề nghị UBTVQH sớm quyết định để có thể áp dụng từ 1/7/2020. Lý do là thời gian qua, các DN hàng không thua lỗ nặng nề, việc giảm thuế giúp các DN giảm nợ, từ đó cải thiện sự cân đối dòng tiền và thanh khoản của doanh nghiệp.
Hiện trung bình mỗi ngày, Vietnam Airlines phải nộp khoảng 6,5 tỷ đồng và Vietjet phải nộp 4,6 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.
PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, cho hay trong cơ cấu giá xăng, mỗi lít phải cõng 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường. Ngay cả khi giá dầu thô và xăng trên thế giới rất rẻ thì thuế nhập khẩu nhiên liệu, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường, trở thành gánh nặng với các hãng hàng không, bởi nhiên liệu thường chiếm tới 30-40% chi phí vận hành bay.
Nguồn: vietnamnet