Khắp phố phường Hà Nội những ngày này có hàng loạt điểm bán giải cứu rau củ quả từ Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện vùng ven Hà Nội.

Không thể mãi giải cứu nông sản - Ảnh 1.

Nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội phải nhổ củ cải mang đi đổ

Hàng ngàn tấn nông sản như su hào, cà chua, bắp cải, cải bẹ xanh, cà rốt, củ cải trắng… được nông dân các địa phương chở về thủ đô bán, mong vớt vát lại phần nào mùa vụ thất bát.

Giá nông sản rớt thảm

Tiêu thụ nông sản nhiều năm qua vốn bấp bênh, vụ được giá, vụ mất giá. Nay dịch COVID-19 bùng phát khiến mùa thu hoạch nông sản năm nay của nông dân thua nặng hơn.

Nông sản rớt giá thê thảm, một cân cà chua bán lẻ giữa phố Hà Nội chỉ 5.000 đồng, một cây bắp cải giá 3.500 đồng… Giá bán nông sản rẻ như cho nhưng hàng ngàn nông dân vẫn kiên trì bám trụ vỉa hè Hà Nội để gỡ gạc chút vốn liếng.

Ông Lê Văn Vượng, ở xóm 5, xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) buồn rầu dọn dẹp đống cà chua trên cánh đồng. Ông Vượng cho hay vụ này ông trồng 7.200m2 cà chua. Đầu vụ, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 18.000 đồng/kg.

Nhưng vào thời điểm này, mỗi cân cà chua chỉ có giá 1.000 đồng; thương lái chỉ chọn quả to, đẹp, số còn lại ông cho người ta hái về cho lợn ăn. Ước tính hai mẫu cà chua của ông Vượng phải bỏ đi hơn chục tấn quả.

Vậy mà ông Vượng vẫn tự an ủi: “Có người đến hái còn tốt, mình đỡ mất tiền thuê người dọn vườn”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng – nông dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt – cho hay người trồng cà chua “thua” một, người trồng củ cải trắng “thua” gấp ba lần. Cứ mỗi sào củ cải trắng, người nông dân phải bỏ chi phí khoảng 3 triệu đồng. Không bán được, phải nhổ bỏ, lại mất thêm tiền thuê người nhổ và bốc lên xe chở ra sông Hồng đổ.

“Vào thời điểm này mấy năm trước, thương lái đã đến thu mua hết sạch củ cải trắng trên bãi, giá bình quân cũng được năm đến tám nghìn đồng 1 kilôgam. Giờ cánh đồng củ cải đã trổ hoa, chỉ vài hôm nữa là xốp, xuống nước, không còn ai mua nữa”, ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Đàm Văn Đua – giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt), thị trường tiêu thụ chính của vùng chuyên canh rau củ Mê Linh là các bếp ăn tập thể, các chợ đầu mối và nhiều siêu thị khác ở Hà Nội. Nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày, các bếp ăn tập thể đóng cửa, nhu cầu của các chợ đầu mối cũng giảm mạnh nên rau củ của bà con bị ế.

Không thể mãi giải cứu nông sản - Ảnh 2.

Một gia đình ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) thu gom cải xanh mang đi đổ bỏ vì quá ngày 

Hơn 20 năm gắn bó với cánh đồng rau màu xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, ông Vượng không giấu được nỗi buồn người trồng rau.

Ông cho hay nông dân trồng rau củ tại Mê Linh cứ có lãi một, hai vụ thì bị một vụ rớt giá. Là nông dân, ông Vượng thừa nhận không thể bỏ ruộng, bỏ bãi vì không làm ruộng vợ chồng ông cũng chưa biết làm gì.

Chuyện được mùa rớt giá không chỉ có tại các vựa rau củ của vùng Đồng bằng sông Hồng. Ở vùng trồng cam Tuyên Quang, cách Hà Nội chừng 150km, những năm qua người dân ào ạt trồng cam sành.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tuyên Quang, tỉnh này có khoảng 8.600ha cam sành, sản lượng hơn 90.000 tấn/năm. Những năm trước, giá cam sành vào khoảng 8.000 – 10.000 đồng/kg, người trồng cam thu được 100 – 150 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, giá cam ở vùng này rớt thê thảm, có thời điểm người trồng cam chỉ bán được 4.000 đồng/kg.

Anh Nông Duy Kết – một người trồng cam ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang – cho hay giá cam quá rẻ, nhiều vườn ở núi cao mất công thuê người cắt, vận chuyển xa không bán chính vụ mà để sau tết chờ giá lên. Nhưng để quá vụ gặp mưa rét, cam rụng hết, nông dân trắng tay.

Giáp ranh với vùng trồng cam Tuyên Quang là vùng cam Hà Giang có diện tích hơn 6.000ha, trong đó 5.700ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 70.000 tấn. Nhưng theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Giang, đến thời điểm hiện tại cam Hà Giang mới thu hoạch khoảng trên 10.000 tấn. Tình hình thu hoạch cam rất chậm, giá bán rẻ, người trồng cam ở tỉnh này như ngồi trên đống lửa khi cam chín quá rụng đầy gốc cây.

Cần hỗ trợ nông dân tìm thị trường

PGS.TS Đào Thế Anh, phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cho rằng tiêu thụ nông sản theo thị trường nên những đơn vị sản xuất phải có kế hoạch thị trường, không ai làm thay được. Nhưng muốn xây dựng kế hoạch thị trường, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản thì trước tiên người nông dân phải tham gia các hợp tác xã để có quy mô sản xuất đủ lớn.

Các vùng trồng nông sản cần thúc đẩy việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới để giải quyết vấn đề thị trường. Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đang nghiên cứu về kết nối chuỗi giá trị nông nghiệp để hỗ trợ nông dân.

“Chính phủ đã ban hành nghị định 98/2018/NĐ-CP khuyến khích các hợp tác xã kết nối với các kênh thị trường khác nhau. Một là liên kết với doanh nghiệp chế biến, hai là liên kết với kênh phân phối chính thống như hệ thống siêu thị, kể cả bán đi Trung Quốc cũng cần chuyển dần sang thương mại chính ngạch. Để hạn chế ùn ứ nông sản mỗi vụ thu hoạch, các hợp tác xã phải tổ chức nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng, có hợp đồng rõ ràng để tránh bị ép giá”, PGS.TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.

Một chuyên gia về nông nghiệp cũng cho rằng bên cạnh tác động từ dịch bệnh thì hầu hết các vùng nông sản chờ giải cứu thời gian qua chưa chủ động làm thị trường. Nông dân chỉ chờ thương lái đến mua, chưa chủ động tìm kiếm thị trường. Chẳng hạn như vùng rau Mê Linh hay chuyện tiêu thụ thanh long, dưa hấu… ở các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang…

Không thể mãi giải cứu nông sản - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Vượng bên cánh đồng cà chua chín rũ, không người mua 

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, kinh nghiệm của các hợp tác xã nông sản làm tốt hiện nay là đa dạng hóa kênh tiêu thụ, không bao giờ phụ thuộc vào một kênh để tránh bị ngắt quãng. Ví dụ, các hợp tác xã xuất khẩu nông sản nên có thêm kênh tiêu thụ trong nước tại hệ thống siêu thị để giảm thiểu rủi ro thị trường.

Tại Nhật Bản, các hợp tác xã sản xuất nông sản không bao giờ bán cho một mối khách hàng mà bán cho siêu thị, bán tại chỗ, bán cho quán ăn, nhà hàng để bảo đảm tiêu thụ nông sản.

“Đa dạng thị trường, trồng nông sản theo tiêu chuẩn và sử dụng công nghệ thông tin để bán nông sản trực tuyến sẽ là lối ra cho nông sản trong tương lai”, PGS.TS Đào Thế Anh khẳng định.

Bên cạnh đó, theo ông Anh, cần đầu tư các kho bảo quản nông sản, đa dạng công nghệ chế biến nông sản vì đa số các vùng rau hiện nay bán sản phẩm tươi nên rất rủi ro.

Ví dụ, thời gian qua Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã giúp Hợp tác xã Đức Chính (Hải Dương) có thể bảo quản nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong 6 tháng, dù chưa đáp ứng hết nhu cầu bảo quản nông sản cả vùng nhưng bước đầu giúp nông dân giảm thiệt hại.

Ngoài ra, việc tạo sự hợp tác, kết nối giữa hợp tác xã trồng nông sản với các doanh nghiệp chế biến để dần hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất trong nông nghiệp sẽ đảm bảo đầu ra ổn định hơn.

Một lãnh đạo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết năm 2021, trong khuôn khổ xây dựng nông thôn mới, bộ này đã lồng ghép nội dung đào tạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho hợp tác xã, giúp các hợp tác xã nâng cao năng lực.

Mới đây, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), bộ đã hỗ trợ đào tạo một số hợp tác xã đầu tàu, thành lập hiệp hội doanh nghiệp bao gồm các hợp tác xã và các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ liên kết với nhau để vượt qua khó khăn.

Đây cũng là kinh nghiệm nhiều nước đã làm. Các hộ nông dân cùng tham gia hợp tác xã, các hợp tác xã cùng tham gia một hiệp hội ngành hàng để cùng tìm kiếm thị trường.

* Ông Lê Minh Hoan (thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):

Phải xóa tình trạng mua mùa, bán mùa

Cần xóa tình trạng mua mùa, bán mùa như hiện nay. Muốn vậy phải có thông tin minh bạch trong thị trường mua bán nông sản, từ đó mới có thể biết được lĩnh vực nào trồng bao nhiêu, sản lượng bao nhiêu là đủ. Thị trường nông sản hiện nay rối quá. Không phải chỉ COVID-19 làm cho nông sản ùn ứ mà cứ lâu lâu lại có một đợt ùn ứ dưa hấu, thanh long, hành tím… Rất bất cập!

* PGS.TS Đào Thế Anh (phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam):

Hợp tác xã làm tốt, nông dân bớt lo

Các hợp tác xã cần phải giúp nông dân lên kế hoạch thị trường, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Thậm chí, các hợp tác xã còn có thể điều tiết thời vụ rau quả, rải vụ theo thời gian cho phù hợp. Từ đó tránh tình trạng tất cả đều sản xuất, thu hoạch cùng một lúc, dẫn đến ùn ứ hàng, không bán được. Nếu bà con nông dân tham gia và các hợp tác xã làm tốt điều này thì sẽ khắc phục được tình trạng tồn đọng, giải cứu nông sản như bấy lâu nay.

Chậm chuyển đổi, nông dân thua thiệt

h7dđ 1(read-only)

Củ cải đã tới thời kỳ thu hoạch tại thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) vẫn chưa được thương lái thu mua 

Cần tập trung vào những loại nông sản chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân, cân bằng được cung cầu về nông sản. Vai trò của Nhà nước với nông nghiệp không phải lo tăng cung mà lo tăng cầu tiêu thụ.

TS Đặng Kim Sơn

Đó là đúc kết của TS Đặng Kim Sơn – nguyên viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

TS Đặng Kim Sơn chia sẻ: Ngành nông nghiệp hiện vẫn giữ nguyên kết cấu sản xuất cũ của nhiều năm trước đây. Người nông dân chỉ có một cách duy nhất là sản xuất càng nhiều, hàng hóa càng rẻ để bù đắp lại, nên sản xuất thừa nông sản là hệ quả tất yếu.

Hơn nữa, tình trạng thừa, ùn ứ dẫn đến phải giải cứu nông sản những năm qua còn do kết cấu sản xuất của ngành nông nghiệp không thay đổi kịp, giá trị gia tăng nông nghiệp chậm chuyển đổi. Trong khi đời sống đô thị thay đổi nhanh chóng, nhu cầu tiêu thụ nông sản thay đổi thì ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn chậm chuyển đổi nên không theo kịp nhu cầu xã hội.

Ruộng lúa, ruộng ngô, ruộng rau màu vẫn phương thức sản xuất cũ, trong khi chỉ tiêu thụ được một phần các loại nông sản tại đô thị vì cư dân đô thị không còn ăn nhiều ngô, nhiều gạo như trước nữa.

Người dân đô thị có nhu cầu cao hơn về các loại nông sản như trái cây, hoa thì khu vực nông thôn chỉ đáp ứng được một phần, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thừa nông sản nhưng người nông dân vẫn khó khăn, họ chật vật để sản xuất ra những loại nông sản giá rẻ.

Hàng chục năm qua người nông dân cứ loay hoay thay đổi. Nhưng thực tế họ có mỗi một cách là thay đổi theo kiểu trồng cây nọ, nuôi con kia, do họ không đủ khả năng thay đổi khoa học công nghệ trong sản xuất, thay đổi được cơ sở hạ tầng sản xuất, trình độ lao động, trang thiết bị sản xuất.

Người nông dân mỗi khi gặp vụ nông sản giá rẻ lại nghĩ mình trồng chưa đúng cây, nuôi chưa đúng con, nếu trồng cây khác hoặc nuôi con khác sẽ hay hơn, năng suất cao hơn. Vì vậy, nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn trồng xong chặt, cứ cây nào trồng ít, con nào nuôi ít, giá cao thì đua nhau nhảy vào nuôi trồng.

Đến khi quy mô sản lượng lớn, giá bán giảm, rớt giá lại chặt đi để trồng cây khác, nuôi con khác. Vòng luẩn quẩn này phá hoại ghê gớm sức sản xuất trong nông nghiệp.

Ở ta, một số nơi lãnh đạo đi đâu có thói quen thúc địa phương phải sản xuất cái gì, trồng cây gì, nuôi con gì, nhưng việc làm gì, sản xuất gì lại do thị trường quyết định. Ngược lại, họ chưa quan tâm đúng mức tới việc bán hàng, tạo đầu ra hàng hóa, giúp người dân và doanh nghiệp bán được hàng.

Chính sách hỗ trợ với nông nghiệp vẫn nặng về hỗ trợ đầu vào, lo cho nông dân từ giống cây trồng, nước tưới, đủ thứ đầu vào khác để họ sản xuất – điều này giờ doanh nghiệp tư nhân làm tốt hơn Nhà nước. Cái doanh nghiệp không làm được là tạo lập thị trường tiêu thụ nông sản thì Nhà nước chưa chú trọng đúng mức.

Ở Đài Loan, khi bắt đầu công nghiệp hóa thì 80% nông sản của họ được chế biến. Việt Nam đến nay hơn 90% nông sản thô mang ra tiêu thụ bởi ta không chú trọng tới chế biến nông sản. Tại tất cả các nước xuất khẩu nông sản lớn đều có hạ tầng vùng nông sản như cảng biển, đường sá rất hiện đại. Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là 2 vùng trồng cây lương thực, cây công nghiệp lớn nhất cả nước thì hạ tầng lạc hậu nhất.

Cần tập trung phát triển vùng nông nghiệp trọng điểm, hướng công nghiệp và dịch vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng tầm nông nghiệp, như vậy ngành nông nghiệp sẽ thay đổi. Thừa cung nông sản trong nông nghiệp suy cho cùng là biểu hiện của mô hình tăng trưởng còn bất cập, giải cứu nông sản chỉ là biểu hiện của thừa cung.

Sau đại dịch COVID-19, nhiều nước đều nghĩ tới việc xây dựng, định hình lại cơ cấu kinh tế, chuỗi cung ứng, sản xuất để hạn chế phụ thuộc nhau, tránh bị tác động từ bên ngoài. Đây là lúc Việt Nam cần tính toán lại chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung nâng cao giá trị nông sản, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung, đánh giá đúng vai trò của thị trường trong nước, hạn chế lệ thuộc vào bên ngoài.

BẢO NGỌC – VŨ TUẤN ghi

* Ông Lê Văn Bảnh (nguyên cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT):

Ứng dụng công nghệ để nâng chất lượng

Thị trường xuất khẩu nông sản đã được mở rộng nhưng hàng hóa nông sản có đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt thị trường khó tính, là vấn đề cần cải thiện. Nếu chúng ta tập trung làm cánh đồng lớn, sản xuất nông sản có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kiểm soát tồn dư hóa chất ở mức cho phép thì nông sản xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn. Đồng thời cần cải thiện khâu logistics để bảo đảm việc vận chuyển nông sản xuất khẩu thuận lợi.

Về chất lượng nông sản, cần ứng dụng công nghệ để nâng chất lượng các loại nông sản bản địa cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Chúng ta xuất khẩu khoảng 3-4 tỉ USD rau củ quả một năm nhưng cũng nhập rau quả của nước ngoài về nhiều.

Ngoài ra, cần đầu tư cho kho lạnh để bảo quản nông sản tươi, đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu nông sản để nâng giá trị gia tăng trong xuất khẩu nông sản. Hiện nông sản trong nước vẫn chủ yếu là xuất thô.

Chẳng hạn Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu, cà phê số 1 thế giới nhưng tỉ lệ chế biến đạt chuẩn xong mới xuất khẩu rất thấp. Tỉ lệ tiêu, cà phê chế biến xuất khẩu chỉ 8-10% sản lượng; hơn 90% sản lượng tiêu, cà phê xuất khẩu hiện nay là xuất thô, giá trị thấp.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19giải cứuHà Nộinông sảnthị trường

Các tin liên quan đến bài viết