Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18-11-2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Luật gồm 9 chương với 68 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
Đã từ nhiều năm nay, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chống đối, nhằm làm mất ổn định chính trị – xã hội. Cụ thể là mỗi khi Nhà nước ban hành văn bản pháp luật mới về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, bọn chúng lại dấy lên chiến dịch xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam bóp nghẹt tự do tôn giáo. Chưa hết, chúng còn đòi tôn giáo phải độc lập và không chịu sự quản lý của Nhà nước. Thậm chí chúng còn lớn tiếng rêu rao rằng ở các nước tư bản, tôn giáo được tự do hoạt động, nhà nước không quản lý.
Trong một bài viết gần đây, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Minh Thư cho biết: Các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Tại các nước phát triển, tôn giáo cũng luôn phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước. Luật ngày 9-12-1905 của nước Cộng hòa Pháp, tại điều 26 quy định: Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn trật tự công cộng. Cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành lễ nghi tôn giáo. Điều 35 của luật này cũng nêu rõ: Giáo sĩ nào công khai bằng lời nói hoặc bằng văn bản kêu gọi, khước từ việc thi hành pháp luật của nhà nước sẽ bị phạt tù tới 2 năm…
Trong những năm qua, các tôn giáo ở nước ta phát triển nhanh về số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự, mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân tôn giáo, đồng đạo ở nước ngoài; mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân đều được chính quyền tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi. Tại điều 3 trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định rõ: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Không những thế, điều 4 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Luật cũng quy định rõ: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo… Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
Và trong nhiều năm qua, thực hiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đại đa số quần chúng tín đồ và chức sắc các tôn giáo đều phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nên tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Bình Phước, trong năm 2016, UBND tỉnh đã giải quyết 687 nhu cầu của các tổ chức tôn giáo, như: Chấp thuận thành lập, công nhận, phục hồi 71 cơ sở tôn giáo; củng cố tổ chức, nhân sự 4 trường hợp; phong phẩm, thuyên chuyển, bổ nhiệm 200 chức sắc; xây dựng, sửa chữa 116 trường hợp; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 96 trường hợp; cử 19 ứng sinh Công giáo và Tin lành nhập học…
Những thành quả của Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo là không thể phủ nhận. Thế nhưng các thế lực thù địch vẫn tìm cách vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền, đòi tôn giáo hoạt động không chịu sự quản lý của nhà nước… Vì các thế lực thù địch nhìn nhận tôn giáo như một “lực lượng chính trị” có thể “đối trọng” với Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các tổ chức phản động người Việt lưu vong cũng tích cực hậu thuẫn cả về vật chất lẫn tinh thần cho những phần tử bất mãn, cực đoan, quá khích nhằm phục vụ ý đồ sử dụng tôn giáo làm lực lượng thúc đẩy nhanh tiến trình “dân chủ hóa”, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Nói tóm lại, các thế lực thù địch và bọn phản động ở trong và ngoài nước chưa bao giờ ngơi nghỉ trong việc chống phá Nhà nước ta bằng mọi thủ đoạn. Chính vì thế, mỗi công dân Việt Nam, nhất là những người có đạo phải luôn luôn cảnh giác để có một cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”.
N.V