Xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo cơ chế thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Đó là yêu cầu của Quốc hội với ngành ngân hàng.
Một trong những nội dung làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 trước khi bế mạc chiều nay 24-11 là thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Mua, bán hàng phải dùng hoá đơn
Đối với lĩnh vực tài chính của bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Quốc hội yêu cầu thực hiện quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ, bảo đảm huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế, gian lận thương mại.
Để phòng chống chuyển giá, Quốc hội yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp ngay từ khâu đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư đến xuất bán hàng hóa, sản phẩm, rà soát, đổi mới công tác thu thuế đối với hộ kinh doanh.
Quốc hội cũng yêu cầu sớm ban hành nghị định về hóa đơn điện tử, thực hiện nghiêm việc sử dụng hóa đơn trong mua, bán hàng hóa, xử lý nghiêm việc không chấp hành pháp luật trong sử dụng hóa đơn.
Ngành tài chính cũng phải xử lý hiệu quả tình trạng nợ đọng thuế, giảm tỉ lệ nợ đọng qua từng năm, sớm báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý.
Chuyển hóa vàng, ngoại tệ vào sản xuất, kinh doanh
Đối với lĩnh vực ngân hàng của Thống đốc Lê Minh Hưng, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngành ngân hàng cũng phải triển khai có hiệu quả các hoạt động cho vay hỗ trợ ngư dân, nhà ở xã hội, hỗ trợ học sinh, sinh viên; kiểm soát hoạt động cho vay các dự án giao thông theo hình thức BOT theo hướng vừa bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, vừa tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế.
Để xử lý căn bản và thực chất nợ xấu, Quốc hội nhấn mạnh tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo cơ chế thị trường, trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Xây dựng quy tắc ứng xử mạng xã hội
Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (TTTT) của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu sớm ban hành và triển khai đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Bộ TTTT cũng phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Không để xảy ra oan, sai
Đối với công tác của ngành toà án mà chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình là người đăng đàn trả lời chất vấn, Quốc hội đề nghị có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, trong đó có việc xét xử các vụ án hình sự.
“Bảo đảm không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, có giải pháp để tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này”, nghị quyết nêu rõ.
Các cơ quan tư pháp khác như Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an thì được yêu cầu nâng cao chất lượng điều tra, kiểm sát và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng.
Nguồn: tuoitre.vn