Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình và đề xuất chính sách hỗ trợ nông dân trồng điều bị thiệt hại do sâu bệnh tấn công, ngày 21-9 vừa qua. Đồng chí yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ, giúp nông dân khôi phục vườn điều và ngành nông nghiệp phải nhanh chóng thực hiện các giải pháp kỹ thuật để cứu cây điều.

Niên vụ 2016-2017, năng suất, sản lượng điều toàn tỉnh giảm 37,74% so với niên vụ 2015-2016. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến phức tạp, khi cây điều đang ra hoa, đậu trái thì gặp mưa trái mùa kéo dài dẫn đến sâu bệnh tấn công gây thiệt hại nặng. Từ nguyên nhân khách quan cộng với sự chủ quan không thăm vườn thường xuyên của nông dân và không có dự báo sớm từ ngành chức năng nên tình hình sâu bệnh kéo dài. Đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ đã có 46.596 ha điều bị nhiễm bệnh, trong đó 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập thiệt hại nặng nhất.

CÂY ĐIỀU CHƯA ĐƯỢC QUAN TÂM ĐÚNG MỨC

Đến hết năm 2016, diện tích điều toàn tỉnh là 173.849 ha. Điều còn là cây trồng chủ lực của tỉnh khi chiếm 32,7% diện tích cây lâu năm và chiếm đến 30,03% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Về cơ cấu kinh tế – xã hội, kim ngạch xuất khẩu điều năm 2016 đạt 500 triệu USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đóng góp gần 25% trong tổng GDP của ngành nông nghiệp. Có 50 ngàn lao động được giải quyết việc làm, góp phần ổn định cuộc sống cho 71.612 hộ trồng điều trong tỉnh.

Đoàn kiểm tra tình hình sâu bệnh phá hoại trên cây điều tại hộ ông Trần Văn định, ấp 2, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài (ảnh lớn). Sâu đục nõn phá hoại chồi non

trên cây điều (ảnh nhỏ)Vị thế và vai trò của cây điều quan trọng là vậy song sự quan tâm dành cho cây trồng này lại chưa xứng tầm. Trong số 46.596 ha điều bị nhiễm bệnh có đến 32.000 ha nông dân canh tác theo lối quảng canh, tập trung tại huyện Bù Đăng. Tư duy điều là cây xóa đói giảm nghèo vẫn còn tồn tại trong tâm thức người trồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nông dân vẫn cho rằng, cây điều có khả năng sinh trưởng tốt nên không cần bón phân, xịt thuốc, cải tạo vườn. Thậm chí đồng bào bỏ mặc không thăm vườn, chỉ đợi đến mùa vụ thì thu. Làm theo cách này, nếu thời tiết thuận lợi thì “nhờ trời” mà có thu hoạch, còn bất lợi cũng “do trời”. Hơn nữa diện tích điều bị bệnh đa số đã già cỗi. Khi ngành nông nghiệp đi khảo sát nhận thấy không phải vườn điều nào cũng khắc phục được mà phải thực hiện biện pháp tái canh.

Bên cạnh đó, một số vườn điều cho thuê nên chủ vườn không nắm rõ tình hình dịch bệnh. Hộ ông Trần Văn Định ở ấp 2, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài có 1 ha điều. Vụ vừa qua ông cho thuê. Đến khi phát hiện sâu bệnh tấn công vườn điều thì khả năng cứu chữa rất ít. 1 ha điều của ông bị bệnh khô cành cháy lá ở mức độ nặng cộng với sâu đục thân phá hoại từ gốc. Bệnh đã lây sang những vườn bên cạnh dẫn đến diện tích điều thiệt hại rộng. Theo hướng dẫn của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã, ngay bây giờ gia đình bắt tay vào chăm sóc thì vụ 2017-2018 khả năng có thu đạt khoảng 30% so với năm được mùa.

Việc dự báo tình hình trên cây trồng cho nông dân hết sức quan trọng, nhưng “ngành nông nghiệp chưa sát sao tình hình, chưa quan tâm đúng mức đến cây điều” – đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận xét. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, ngoài mời những chuyên gia, kỹ sư đầu ngành tuyên truyền, tập huấn thì hãy tạo điều kiện cho nông dân, hướng dẫn nông dân bằng kinh nghiệm thực tế. Ở Bình Phước, nông dân thành công từ cây điều không ít, ngành cần tìm hiểu và nhân rộng mô hình hiệu quả để nhiều nông dân học tập.

Một việc ngành nông nghiệp cần làm nữa theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy là tổng kiểm tra các đại lý, cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nông dân mua thuốc bảo vệ thực vật như mua thuốc tây. Nghĩa là sau khi được người mua mô tả bệnh trên cây trồng thì người bán thuốc “kê toa” luôn. Việc bán và sử dụng thuốc không đúng với khuyến cáo vô hình trung người nông dân tự tay “chặt” cây trồng của mình.

Trong đợt khảo sát tại các tỉnh có diện tích điều để báo cáo tình hình với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Hiến, Phó văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam nhận xét: Là thủ phủ, nhưng năng suất điều của Bình Phước còn thấp do đầu tư thâm canh ít. Điều là cây chủ lực song chủ yếu được trồng ở vùng đất xấu. Vườn điều già cỗi nhiều dẫn đến khó phục hồi khi bị dịch bệnh. Thời tiết cực đoan cũng khó giữ và nâng cao năng suất cây điều.

CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC

Trước tình hình mất mùa do sâu bệnh niên vụ 2016-2017 và có nguy cơ tiếp tục xảy ra trong niên vụ 2017-2018, Tỉnh ủy đã có Công văn số 1540-CV/TU chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị xã về việc triển khai hỗ trợ nông dân trồng điều năm 2017. Trong tuần làm việc thứ 38, các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều đi thực tế tìm hiểu tình hình sâu bệnh tại các huyện bị thiệt hại nặng do sâu bệnh phá hoại để tham mưu tỉnh có chính sách hỗ trợ nông dân kịp thời.

Phương pháp xử lý sâu bệnh hiện nay là tuyên truyền vận động nông dân tỉa bỏ cành xấu để tránh lây lan bệnh và phun thuốc diệt tận gốc nguồn lây bệnh kết hợp bón phân cho gốc và phân bón lá để cây nhanh phục hồi. Trạm trồng trọt – bảo vệ thực vật và nông dân thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh và ngành chức năng phải có dự báo sớm cho người trồng điều trong từng giai đoạn.

Ông NGUYỄN NHƯ HIẾN Phó văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam

Ngành nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai các đội hình hỗ trợ người trồng điều tại 2 địa bàn trọng điểm là Bù Đăng và Bù Gia Mập. Đến ngày 12-9, các tổ hỗ trợ đã ra quân giúp nông dân 5 xã của huyện Bù Gia Mập thu dọn vườn được 22 ha và đang tiếp tục triển khai, tập huấn tại vườn cho nông dân. Ngày 5-9, Hội Nông dân tỉnh thành lập một đội tình nguyện do Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân làm đội trưởng. Đội có nhiệm vụ phối hợp với hội nông dân các huyện, thị xã nắm tình hình và tổ chức các hoạt động hỗ trợ những hộ có vườn điều bị thiệt hại, hằng tuần báo cáo kết quả về Thường trực hội. Công việc cụ thể của các đội ở xã, huyện là cắt tỉa, dọn vườn, phun thuốc trừ bệnh giúp nông dân. Ban Dân tộc tỉnh đã thống kê số hộ mất mùa điều và hộ có nguy cơ đói giáp hạt để tỉnh có chính sách hỗ trợ.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, các huyện, thị xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và tập trung mọi giải pháp cứu cây điều. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, UBND các xã còn phối hợp với trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật tập huấn chữa bệnh, khuyến cáo nông dân đầu tư thâm canh tại vườn điều.

Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình và đề xuất chính sách hỗ trợ nông dân trồng điều, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã thống nhất hộ nào khó khăn do mất mùa điều sẽ được hỗ trợ, không để đồng bào bị mất mùa mà đói giáp hạt. Ngoài ra còn hỗ trợ thuốc và phân bón giúp phục hồi cây điều bị thiệt hại cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. UBND tỉnh chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh khoanh, giãn nợ. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ưu tiên nguồn vốn cho nông dân vay khắc phục vườn điều, tiến tới cải tạo, thay giống mới. Ngoài ngân sách tỉnh, Hội điều và các doanh nghiệp chế biến điều chung tay giúp nông dân vượt qua khó khăn. Đối với diện tích nông dân tái canh thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo sẽ được cấp giống từng phần. Ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, đoàn thể vào cuộc hỗ trợ người trồng điều; tăng cường công tác truyền thông để nông dân nhận thức điều là loại cây hàng hóa xuất khẩu tiến tới xây dựng chuỗi giá trị.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : dịch bệnhsâu bệnh cây điềutổng GDP

Các tin liên quan đến bài viết