Giành lại tự do, độc lập là khát vọng cháy bỏng của các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX. Hồ Chí Minh là một trong những người tượng trưng cho ý chí và khát vọng đó. Người đã nêu lên một chân lý nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.


Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc (Ảnh tư liệu)

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Trong lịch sử nhân loại, việc đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập không phải là đặc điểm riêng có của một dân tộc nào, song thật hiếm có một dân tộc như dân tộc Việt Nam, phải thường xuyên đấu tranh chống lại nhiều kẻ thù mạnh hơn gấp bội để giành lại quyền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

“Là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ trở thành dân tộc tự do, độc lập. Người đã nêu lên một chân lý nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(1).

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” – Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 17-7-1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn quyết liệt, là sự kế thừa, nối tiếp tinh thần và ý chí quyết giành “độc lập tự do” cho dân tộc đã từng được khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập (năm 1945) và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946). “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” – lời kêu gọi thiêng liêng, bất hủ của Bác là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, giá trị to lớn trong học thuyết Hồ Chí Minh và cũng chính là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Đồng thời, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì cuộc sống và hạnh phúc của mình.

Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, dân tộc ta đã “đánh cho Mỹ cút”; trang sử đánh giặc ngoại xâm của Việt Nam có thêm: người con gái biệt động Võ Thị Thắng trước đòn khảo tra dã man của quân thù vẫn nở nụ cười chiến thắng; Nguyễn Văn Trỗi trước giờ phút bị quân thù xử bắn, hai tay bị trói chặt mà đôi mắt vẫn sáng ngời niềm tin chiến thắng đã nhìn thẳng vào mặt quân thù hô vang ba lần: “Hồ Chí Minh muôn năm!”; Nguyễn Viết Xuân nhằm thẳng quân thù mà bắn; 10 cô gái Đồng Lộc ở tuổi thanh xuân đã hy sinh cho sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc…

Thừa thắng, quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong 55 ngày đêm tiến công, ta đã “đánh cho ngụy nhào”. Từ đây đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn mong muốn của Bác Hồ và làm sáng ngời hiện thực của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, chúng ta đã vào cuộc trường chinh xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” với công cuộc đổi mới theo sự chỉ dẫn của Bác Hồ: “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Đi theo chỉ dẫn đó, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tiềm lực đất nước và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” – giá trị thời đại sâu sắc

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng mang tầm chân lý, một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là quyền dân tộc, quyền con người, là xuất phát điểm đối với mọi dân tộc trên con đường đi tới phồn vinh và hạnh phúc. Dân tộc không thể phát triển, đất nước không thể phồn vinh, nhân dân không thể có cơm no, áo ấm và cuộc sống hạnh phúc nếu không có được độc lập, tự do. Ý nghĩa thời đại sâu sắc và lâu dài của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” chính là ở chỗ: Có độc lập, tự do thì có tất cả. Độc lập, tự do của dân tộc; quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc trong một đất nước độc lập, tự do là vô cùng quý giá và thiêng liêng, không thể xâm phạm.

Giành lấy và bảo vệ độc lập, tự do là yêu cầu sống còn của các dân tộc. Khi độc lập, tự do bị xâm phạm thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tư tưởng mang tính cách mạng sâu sắc và triệt để. Tính cách mạng sâu sắc, triệt để của tư tưởng thể hiện ở chỗ, dù tư tưởng được Người nói đến trong một thời điểm cụ thể của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng nó gắn bó rất chặt chẽ với cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, một sự nghiệp vĩ đại mà Người đã phấn đấu, hy sinh cả cuộc đời. Đấu tranh giành độc lập, tự do, vì độc lập, tự do đã thực sự nằm trong phạm trù của cách mạng vô sản.

Tính cách mạng sâu sắc, triệt để của tư tưởng còn thể hiện cụ thể ở nội dung rộng lớn của tư tưởng, bao hàm cả việc đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Độc lập, tự do chỉ có ý nghĩa và giá trị thực sự khi nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2). Người tìm thấy giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc trong mục tiêu và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, vì vậy, Người khẳng định “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”(3).

Như vậy, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” có nội hàm rộng lớn, giá trị to lớn và tính cách mạng sâu sắc. Nó không chỉ là độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là hạnh phúc của nhân dân; nó không chỉ được thể hiện trong đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược, mà còn thể hiện sâu đậm trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội ở Hồ Chí Minh không phải là những giáo điều cứng nhắc, xa lạ với lợi ích vật chất và tinh thần của con người, mà nó hết sức cụ thể và thiết thực. Người nói: “Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(4)…

Có thể gọi đó là chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh”, một quan niệm về chủ nghĩa xã hội phù hợp với quan niệm truyền thống của dân tộc Việt Nam và hợp với xu thế của thời đại hiện nay.

TTXVN

Từ khóa : chủ tịch hồ chí minhquảng trường ba đìnhTuyên ngôn Độc lập

Các tin liên quan đến bài viết