Trong khi Trung Quốc không còn nhiều mặt hàng của Mỹ để áp đặt thuế trả đũa, nước này có thể dùng nhiều biện pháp về lâu dài để đối phó với Mỹ một cách hiệu quả.

Mỹ thách thức Trung Quốc

“Chiến tranh thương mại tốt và dễ thắng”, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố hồi tháng 3. Vì căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, rõ ràng là “thắng” sẽ còn kèm theo nhiều rủi ro về lâu dài trong lĩnh vực an ninh.

Do đó, một số người cho rằng một cuộc xung đột thương mại toàn diện có thể khiến an ninh toàn cầu nói chung và lợi ích quốc gia Mỹ lâm nguy.

Không cần áp thuế, TQ có thể dùng những cách này đối phó Mỹ
Mỹ muốn cạnh tranh chứ không muốn làm đối tác với Trung Quốc

Về phía Trung Quốc, nếu nước này ít đầu tư hơn vào mối quan hệ kinh tế với Mỹ, chính sách đối ngoại có thể gặp thách thức lớn hơn nhiều. Đối với Mỹ, hậu quả của việc tách rời hoàn toàn với Trung Quốc về kinh tế có thể gây cơn đau đầu hơn cho Mỹ.

Lý do bề nổi của cuộc chiến tranh thương mại là do Mỹ bị thâm hụt nặng với Trung Quốc, nhưng căng thẳng giữa hai bên bắt nguồn không phải từ con số thâm hụt mà là cạnh tranh địa chính trị và công nghệ cao.

Mỹ coi sự tiến bộ của Trung Quốc về mặt công nghệ và vai trò ngày càng chủ động của nước này trên quốc tế là một thách thức với lợi ích quốc gia.

Kết quả là việc Mỹ áp thuế cao hơn với hàng hóa Trung Quốc đều nhằm vào các chiến lược tham vọng của Trung Quốc: “Made in China 2025” và “Vành đai và Con đường”. Hai chiến lược này có tiềm năng biến đổi kinh tế toàn cầu và bức tranh địa chính trị. Do đó, cuộc xung đột thuế của Mỹ và Trung Quốc phải được nhìn nhận trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và bức tranh lớn hơn về kinh tế.

Giấc mộng Trung Hoa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh vào cuộc “chấn hưng vĩ đại đất nước Trung Quốc”. Nó gắn kết chặn chẽ với không chỉ “Made in China 2025” (hướng nội) mà còn cả “Vành đai và Con đường” (hướng ngoại).

Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Peter Navarro đã cảnh báo rằng việc Trung Quốc đầu tư vào công nghệ chiến lược cuối cùng có thể đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng nhất cho nền công nghiệp quốc phòng và sản xuất của Mỹ. Ông cho rằng thuế sẽ tạo ra một đường phòng vệ quan trọng chống lại các biện pháp thương mại xâm lấn mà Trung Quốc đã sử dụng để gây hại cho các ngành của Mỹ.

Ngoài xung đột thương mại, có một số nhân tố buộc hai cường quốc hàng đầu thế giới phải hợp tác nhiều mặt để đảm bảo thịnh vượng, ổn định và hòa bình toàn cầu. Trái lại, sự không tin tưởng lẫn nhau và đối kháng do cuộc chiến thương mại này gây ra có thể khiến hai bên xảy ra sự cố ngoài mong muốn.

Các lựa chọn của Trung Quốc

Tranh cãi thương mại leo thang hiện nay có thể khiến Trung Quốc tìm cách thay đổi trật tự thế giới thời hậu chiến đang tồn tại hiện nay và thực hiện các biện pháp chủ động hơn để đưa ra một nền tảng quản trị toàn cầu thay thế.

Không cần áp thuế, TQ có thể dùng những cách này đối phó Mỹ
Trung Quốc kêu gọi theo đuổi hợp tác vì lợi ích chung tại hội nghị thượng đỉnh SCO

Thực ra, nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang xây dựng một nền tảng mới như vậy rồi, xét những gì mà nước này đã thực hiện như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC)…

Về lâu dài, Trung Quốc có xu hướng xây dựng các tổ chức quốc tế độc quyền để làm công cụ thay thế cho Liên hợp quốc vốn bị phương Tây thống lĩnh và các thể chế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Bằng cách đó, Trung Quốc có thể chủ động chia rẽ Mỹ và đồng minh lâu năm bằng cách cho thế giới thấy rằng Mỹ là một nước không nhất quán và không đáng tin cậy trong trật tự thế giới, đồng thời khẳng định Trung Quốc phù hợp hơn trong điều chỉnh một hệ thống thích nghi với hiện thực địa chính trị đương đại.

Triều Tiên cũng là một biện pháp mà Trung Quốc có thể gây sức ép với Mỹ. Theo nhận định của Asia Times, về vấn đề Bán đảo Triều Tiên – nơi các cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều làm dấu lên hi vọng hòa bình, niềm hi vọng đó có thể lụi tắt nếu Trung Quốc làm suy yếu chiến dịch gây sức ép tối đa mà Mỹ áp dụng với Triều Tiên.

Không cần áp thuế, TQ có thể dùng những cách này đối phó Mỹ
Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng với Triều Tiên. 

Khi hai nước đang trong chiến tranh thương mại, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông nhận thấy rằng Trung Quốc đã không còn thực thi các biện pháp trừng phạt đa phương với Triều Tiên mạnh như trước kia.

Ngoài ra, khi cử quan chức cấp cao là Lật Chiến Thư, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, tới Triều Tiên dự lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh, Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp tới Mỹ về tầm ảnh hưởng của mình với Triều Tiên.

Trong tương lai, Trung Quốc có thể từ chối tham gia bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ trong trừng phạt Iran. Thậm chí Trung Quốc còn có thể tiến xa hơn khi thúc đẩy quan hệ năng lực và tăng cường bán vũ khí cho Iran.

Ngoài ra, Trung Quốc đang mở rộng nguy mô và chiều sâu liên minh với Nga. Nước này đã tham gia cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga trong 40 năm qua mà nhiều chuyên gia cho là thách thức với mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông và Đông Âu.

Tờ Asia Times còn cho rằng Trung Quốc cũng có thể sử dụng Đài Loan để gây sức ép với Mỹ – quốc gia không có mong muốn tham gia vào một xung đột vũ trang với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhìn chung, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc so với Mỹ đã tăng mạnh trong 10 năm qua. Sức mạnh quân sự Trung Quốc cũng gia tăng tương ứng. Do đó, chắc chắn Trung Quốc có năng lực và ý chí để đấu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại mở rộng, nhất là trong các lĩnh vực an ninh mà Mỹ ở thế nhạy cảm.

Tổng thống Mỹ Trump có thể muốn tăng cường chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhưng những hậu quả về mặt an ninh có thể sẽ khiến ông phải chùn bước.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : cạnh tranhchiến tranh thương mạiMỹtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết