Thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, hầu hết các khu tái định canh, định cư trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Nhiều hộ trong các khu tái định canh, định cư đã có của ăn, của để và biết cách tích lũy làm giàu. Dự án tái định canh, định cư ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú là một điển hình.

Trẻ em ấp Thạch Màng được nuôi dạy chu đáo

Khu tái định canh, định cư ấp Thạch Màng được triển khai năm 2011 là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh và huyện Đồng Phú. Đây là nơi sinh cơ, lập nghiệp của 318 hộ dân, chủ yếu đến từ 2 ấp Thuận Thành và Thuận Tiến thuộc xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, trong đó có 100 hộ đồng bào S’tiêng.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

“Xã Tân Lợi còn nhiều khó khăn do tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (hơn 50% số dân). Sau khi tiếp nhận thêm 318 hộ từ nơi khác đến, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể xã càng nặng nề hơn. Tuy nhiên, xác định đây là dự án trọng điểm đã được tỉnh và huyện Đồng Phú phân công trách nhiệm, đồng thời thể hiện sự gánh vác, chia sẻ với khó khăn của các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất nên từ khi triển khai thực hiện, cả hệ thống chính trị xã cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất là tạo mọi thuận lợi để cuộc sống của người dân phải hơn nơi ở cũ” – ông Bùi Văn Tất, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi khẳng định.

Từ sự quan tâm vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền và sự hỗ trợ, đầu tư ban đầu của nhà nước về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, mỗi hộ còn được cấp 1 căn nhà tình thương trị giá 25 triệu đồng, khoảng 1 ha đất tái định canh. Và từ nguồn vốn của huyện Đồng Phú 31 con bò giống cũng đã được cấp cho những hộ nghèo nhất. Người dân còn được tham gia lớp học nghề cạo mủ cao su, được hỗ trợ nước sạch sinh hoạt và cây giống… nên đến nay, diện mạo khu tái định canh, định cư ấp Thạch Màng đã có nhiều khởi sắc.

Sự năng động, sáng tạo của ban ấp và từng hộ dân là đòn bẩy

So với nơi ở cũ tại xã Thuận Lợi thì nơi ở mới đã và đang mở ra tương lai tươi sáng hơn cho gia đình tôi.

Chị Y Thị Huệ, ấp Thạch Màng

Ngoài vai trò, chức năng của Ban điều hành, Ban công tác mặt trận ấp, Tổ an ninh tự quản ấp Thạch Màng cũng đã có những đóng góp thiết thực. Là người con của đồng bào S’tiêng, từ khi đến đây lập nghiệp, chị Y Thị Huệ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng, nói đi đôi với làm và đã nhận được sự tín nhiệm cao của bà con trong khu tái định canh, định cư. Tất cả chủ trương, chính sách đã được quán triệt với tư cách là Tổ phó Tổ an ninh tự quản, kiêm Chi hội phó Chi hội phụ nữ, Chi hội nông dân ấp, chị Huệ đều kịp thời phổ biến, triển khai đến từng hộ dân. Chính vì thế, tình hình an ninh trật tự tại khu tái định canh, định cư trong hơn 5 năm qua luôn đảm bảo tốt. Các hộ dân ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Từ tài sản có được là 1 căn nhà tình thương và 9,2 sào đất được nhà nước cấp, vợ chồng chị Huệ đã trồng cao su và điều. 12 cây mít Thái được Trạm Khuyến nông huyện Đồng Phú hỗ trợ, nay đã đơm hoa, kết trái. Là một trong những hộ được ưu tiên cấp 1 con bò giống, chị Huệ chăm sóc tốt nên đến nay bò mẹ đã sinh 1 bê con. Vợ chồng chị Huệ nuôi thêm gà đẻ và tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi cạo mủ cao su thuê, mỗi tháng cũng có thêm từ 4-5 triệu đồng. Đến khu tái định canh, định cư ấp Thạch Màng, ấn tượng nhất với tôi là cách vượt khó, làm giàu của gia đình anh Võ Văn Hoàng. Năm 2012, gia đình anh rời ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi về đây lập nghiệp và được nhà nước cấp 1 căn nhà tình thương, gần 8 sào đất, một số giống cây trồng như bao hộ khác. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, bằng sự năng động, nhạy bén, sáng tạo, vợ chồng anh Hoàng vừa nuôi 4 con nhỏ học hành vừa tích lũy làm giàu.

Cách đây hơn 4 năm, chỉ với một chiếc xe lôi, vợ chồng anh Hoàng vừa đi cạo mủ cao su thuê vừa tranh thủ ra chợ Đồng Xoài mua hàng hóa về bán lại cho người dân trong khu tái định canh, định cư để tăng thêm thu nhập. Đến nay, vợ chồng anh Hoàng đã sở hữu 2 chiếc xe ôtô. Trong đó, chiếc ôtô con được anh dùng để chở vợ con đi lại, giao tiếp làm ăn, còn xe tải nhỏ chuyên vận chuyển hàng hóa. Thấy được sự cần thiết phải chuyển đổi cây trồng để nâng cao năng suất, sản lượng, gần 8 sào điều giống cũ đã trồng hơn 3 năm được anh mạnh dạn thay thế bằng giống điều ghép được hơn 1 năm nay. Dù đã có của ăn, của để nhưng anh Hoàng chia sẻ: “Tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày, kết hợp mua bán tạp hóa và đi cạo mủ cao su thuê vẫn là công việc đã, đang và sẽ được vợ chồng tôi duy trì đều đặn”.

Sau hơn 5 năm triển khai, khu tái định canh, định cư ấp Thạch Màng đã có nhiều đổi thay. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây có bước chuyển mình. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Tất cho rằng: Những việc đã làm được cho khu tái định canh, định cư vẫn còn khiêm tốn. Thời gian tới, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập cho người dân sẽ được chính quyền quan tâm, chú trọng nhiều hơn”.

Chia tay người dân trong khu tái định canh, định cư ấp Thạch Màng, tấm gương vượt khó vươn lên phát triển kinh tế của gia đình anh Hoàng đọng mãi trong tôi. Những gì anh Hoàng suy nghĩ và hành động như một lời nhắn nhủ: Một khi có sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước những thứ cần thiết ngay từ ban đầu để người dân an cư lạc nghiệp, thì mỗi gia đình và từng thành viên trong các hộ tái định canh, định cư phải tự biết cách vun vén mà vươn lên, chứ không thể cứ mãi trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước và cộng đồng xã hội. Có như vậy mỗi hộ dân mới đứng vững được trên chính đôi chân của mình để ổn định cuộc sống, hướng về tương lai tươi sáng.

Quốc Phong

Từ khóa : cạo mũ cao suđồng phúhọc nghềThạch Màng

Các tin liên quan đến bài viết