Trong dịch, đóng góp của doanh nghiệp và cách ứng xử với doanh nhân lộ rõ. Long An là tỉnh rất sớm nới lỏng đi lại nhưng nay đã hoàn toàn là “vùng xanh”. Trả lời Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN VĂN ĐƯỢC – bí thư Tỉnh ủy Long An – cho biết cách làm:

Khôi phục sản xuất kinh doanh: Đảm bảo vị thế, quyền lợi của doanh nhân - Ảnh 1.

Long An đã áp dụng kế hoạch khôi phục sản xuất, cho nhiều doanh nghiệp (DN) bắt đầu hoạt động từ ngày 15-9 sau hơn hai tháng bó hẹp trong phương án “3 tại chỗ”.

Long An đã triển khai nhanh việc tiêm chủng vắc xin với các thứ tự: cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, người trên 65 tuổi… Công nhân được tiêm sớm, nhờ đó mà nay đã có 40% tổng DN của tỉnh hoạt động lại.

Phải lắng nghe DN

* Là tỉnh thuộc dạng đầu tiên áp dụng “thẻ xanh COVID”, ông có bị áp lực nào không? Để bùng phát dịch phải chịu trách nhiệm, kinh tế khó khăn thì dễ có lý do. Ông có lo không khi chỉ đạo nới phòng dịch sớm?

– Nói áp lực thì cũng có thể nói là có, mà cũng có thể nói không (cười). Trên thực tế, chúng tôi luôn đẩy “mục tiêu kép” của Chính phủ làm điều tối thượng. Câu hỏi quyết định là làm sao để mở cửa kinh tế mà không để dịch bùng phát.

Vì dịch bùng phát thì không thể phát triển kinh tế. Nhưng nếu không phát triển kinh tế thì không thể chống dịch bền vững. Chính những trăn trở đó mới là động lực thôi thúc lớn nhất. Long An được Chính phủ ủng hộ mạnh mẽ phân bổ vắc xin, và đó là thuận lợi rất lớn.

Hiện tại các lĩnh vực sản xuất đã khôi phục được khoảng 72%, và chúng tôi tin đến cuối tháng 10 này, các DN tại Long An có thể khôi phục việc làm ăn kinh tế.

* Trong đại dịch, nhiều DN bị tổn thương vì rất nhiều nơi đóng cửa cái rụp. Ông có nghĩ các biện pháp chống dịch cần tham khảo nhanh ý kiến doanh nhân, tiểu thương?

– Chúng tôi luôn phải đối thoại và lắng nghe.

Sau khi thận trọng mở cửa từng bước trong hai tuần đầu, Long An áp dụng kế hoạch sản xuất mới, gần như “mở toang” cho tất cả các DN những điều kiện thuận lợi nhất trong tình hình hiện nay để quay lại sản xuất. Kế hoạch sản xuất áp dụng từ đầu tháng 10 này chính là kết quả của rất nhiều buổi đối thoại.

* DN từng rất tâm tư việc phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch. Ông có hiểu nỗi lòng này?

– Chúng tôi đối thoại thường xuyên và chúng tôi hiểu. Tôi từng giải thích rõ cho DN chỉ khi cố tình làm lây lan dịch mới chịu trách nhiệm, chứ tỉnh không dồn hết trách nhiệm cho họ.

Khi nghe DN khó khăn với quy định như phải có chỗ cách ly, phải tự xử lý F0… chúng tôi đã lập tức đưa phương án tỉnh cùng phối hợp với chủ các khu công nghiệp xây dựng khu điều trị COVID-19 chung của các DN trong từng khu. Đây là việc cùng chống dịch, chứ không đẩy trách nhiệm cho DN.

* Có DN lo nhiều nơi chống dịch thực chất là để đảm bảo an toàn cho lãnh đạo, “giữ ghế” là trước hết, trên hết. Giả sử có điều này ở Long An, ông sẽ xử lý sao?

– Ở Long An, quan điểm “DN là động lực, là chủ thể của sự phát triển” đã từng được khẳng định từ nhiệm kỳ trước và đến nay chúng tôi tiếp tục nâng cao, trở thành một tư duy xuyên suốt trong cả hệ thống các cấp. Tuy nhiên, không phải điều gì cũng có thể triển khai thông suốt từ trên xuống dưới một cách nhanh chóng.

Phải từng bước, từng bước. Và trong quá trình lãnh đạo, chúng tôi luôn lắng nghe, luôn cầu thị các phản ảnh từ phía DN. Nếu có vấn đề gì trong hệ thống của chúng tôi gây cản trở, gây khó khăn cho DN thì ngay lập tức chúng tôi sẽ chấn chỉnh kịp thời.

Khôi phục sản xuất kinh doanh: Đảm bảo vị thế, quyền lợi của doanh nhân - Ảnh 2.

Ông NGUYỄN VĂN ĐƯỢC – bí thư Tỉnh ủy Long An

Sẽ xách cặp cùng DN đi kiến nghị

* Ông có thấy chống dịch thời gian qua có gì phải rút kinh nghiệm, nhất là những quyền lợi liên quan DN?

– Như tôi đã nói, kế hoạch phục hồi sản xuất mới đây chính là điều mà chúng tôi đã rút kinh nghiệm vào đó. Khi đối thoại và lắng nghe, cùng chia sẻ, chúng ta sẽ được DN đồng lòng chia sẻ. Cùng đồng lòng thì khó khăn nào cũng vượt qua.

* Trong một lần đối thoại với DN gần đây, ông từng nói thời gian này là cơ hội để chấn chỉnh một số thứ?

– Ví dụ như vấn đề trật tự đô thị tại các cửa ngõ khu, cụm công nghiệp. Mình luôn muốn có một hình ảnh trật tự, thương mại dịch vụ phải hiện đại. Nhưng một phần lịch sử để lại và thói quen của người dân đã dẫn đến các khu chợ tự phát, tạo ra nhiều hình ảnh lộn xộn, nhếch nhác.

Nhân mùa dịch này, chúng tôi cũng sẽ tính toán để khi mở cửa các chợ truyền thống trở lại, chúng tôi sẽ tổ chức làm sao để các chợ tự phát này không trở lại được, mà thay vào đó là những phương án thương mại, dịch vụ sạch đẹp, hiện đại hơn.

* Trong ngày kỷ niệm doanh nhân vào năm nay, theo ông, làm sao để đảm bảo vị thế doanh nhân không “dưới cơ” cán bộ các cấp?

– Chúng tôi xin cam kết với các DN rằng: tính công tâm, công khai, minh bạch sẽ được tăng cường; tính kỷ luật, kỷ cương sẽ siết chặt và công tác kiểm tra, giám sát sẽ thực hiện thường xuyên.

Chúng tôi luôn thực hiện phương châm “trong thành công của DN có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của DN có trách nhiệm của chính quyền”.

Khi có khó khăn ngoài tầm của chúng tôi, chúng tôi vẫn sẽ xách cặp cùng DN kiến nghị, tháo gỡ từ trung ương.

Anh M. (giám đốc nhân sự một công ty với hơn 3.000 lao động tại huyện Cần Giuộc, Long An):

Đừng để DN không kịp trở tay

Mấy tháng qua là thời gian cực kỳ khó khăn của DN. Tôi làm giám đốc nhân sự và hầu như không có ngày nào nghỉ ngơi chỉ để lo tổ chức lao động phù hợp với các quy định. Nhiều văn bản ra tức thời với hàng loạt tiêu chí rất khó thực hiện, cần nhiều thủ tục rất nhiêu khê.

Đúng là so với các tỉnh khác, Long An có tiến bộ khi lãnh đạo chịu đối thoại rất nhiều lần với DN. Điều DN vui nhất là thay đổi việc kiểm tra DN trước mới cho phép sản xuất sang hậu kiểm. Điều này xem như đã phá rào để DN tự chủ động sản xuất lại.

Dù so với các tỉnh xung quanh, Long An đang tiên phong tạo điều kiện tốt nhất cho DN nhưng tôi nghĩ tỉnh nên thoáng hơn nữa, chủ động hơn nữa.

Ví dụ như việc mà chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần là hay ra văn bản thay đổi đột ngột, quy định áp dụng tức thời khiến DN không kịp trở tay. Hay các thủ tục giấy tờ liên quan đến các tiêu chí phòng dịch, đảm bảo an toàn sản xuất nên bỏ bớt.

Chỉ cần yêu cầu khi lỡ phát sinh dịch bệnh thì DN phối hợp cùng chính quyền cùng nhau xử lý nhanh gọn. Nhà nước phòng dịch trong các cơ quan, trụ sở như thế nào thì nên để DN cũng được làm như vậy. Như thế sẽ bớt cho DN thêm rất nhiều việc.

Ông Trần Việt Anh (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Mong là đối tác, không phải đối tượng

Doanh nghiệp – doanh nhân mong muốn được là đối tác chống dịch cùng với chính quyền, nhưng chúng tôi lại bị xem là đối tượng kiểm soát. Doanh nhân cũng có vai trò quan trọng trong công tác xã hội, nếu không có cộng đồng doanh nhân thì công tác an sinh xã hội rất khó.

Chúng tôi mong muốn các địa phương, đoàn thể, bộ ban ngành nên cùng với doanh nhân trong phòng chống dịch, cho chúng tôi tham gia vào các ban an toàn về dịch. Doanh nghiệp có lực lượng lao động rất lớn, sẽ không ai hiểu được lao động bằng doanh nhân.

Doanh nghiệp có thể tiếp cận và bàn bạc với hệ thống chống dịch để triển khai lực lượng lao động rất nhanh. Nếu cùng phối hợp để doanh nhân tham gia cuộc chiến này, thường xuyên tham vấn, trao đổi từ khi có dịch đến nay thì việc người lao động đột ngột, ồ ạt trở về quê sẽ giảm đi.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19doanh nghiệpdoanh nhânLong AnÔng NGUYỄN VĂN ĐƯỢC

Các tin liên quan đến bài viết