Vụ việc đang gây tranh cãi tại Pháp khi một nữ bị cáo nghi giết con gái xin được thẩm vấn trong tình trạng bị thôi miên. Đã từng có những vụ cảnh sát cho thẩm vấn điều tra trong điều kiện bị thôi miên.
Theo báo Pháp Le Parisien, luật pháp của Pháp không công nhận thôi miên trong việc điều tra tội phạm. Thế nhưng bà mẹ của bé Fiona (đã bị giết chết không tìm thấy xác vào tháng 5-2013) sẽ bị thẩm vấn trong tình trạng được thôi miên để tìm kiếm thi thể của bé.
Vụ việc này được xem là một trong những vụ án giết người bí ẩn nhất trong những năm gần đây ở Pháp.
Bà Cécile Bourgeon bị kết án 20 năm tù vào tháng 2 vừa qua vì “những cú đánh chết người” với con gái ruột của mình tên Fiona.
Hôm 5-5, nữ bị cáo nêu yêu cầu được thôi miên trong quá trình thẩm vấn mình để nhớ xem mình đã giấu xác con đi đâu.
Dù luật pháp không công nhận việc sử dụng thôi miên trong điều tra tội phạm nhưng đây không phải vụ việc đầu tiên.
Tìm biển số xe cướp
Theo đài France Info, hồi năm 1998, một cảnh sát viên ở thành phố Rennes đã được thôi miên để nhớ lại số trên biển số xe của bọn cướp.
Trong vụ đó một phụ nữ bị bọn cướp bắt làm con tin và một cảnh sát viên bị bắn trọng thương.
Một cảnh sát viên đã trông thấy bọn cướp chạy thoát trên chiếc Audi 80. Để giúp người này nhớ lại biển số xe của bọn cướp, thẩm phán đã cho mời ông Alban de Jong, một cựu cảnh sát chuyển nghề làm thôi miên – cảm xạ học (cũng nên biết thêm chi tiết là đến năm 2006, vị chuyên gia này bị kết án 3 năm tù, trong đó có 2 năm tù treo, vì tội tấn công tình dục 4 phụ nữ).
Thậm chí báo Libération khẳng định từ năm 1995, “chuyên gia” Alban de Jong đã được các thẩm phán mời tham gia điều tra đến cả 20 lần với mức độ 3-5 vụ việc mỗi năm.
Đáng để nói là trong vụ năm 1998 ở Rennes, viên cảnh sát đã được thôi miên dưới sự kiểm soát của viên thẩm phán và 2 sĩ quan cảnh sát tư pháp và ông ta đã nhớ một phần của dãy số và chữ trên biển số.
Báo Libération cho biết nhờ đó nhóm cướp đã bị bắt sau đó và bị kết án.
Nhưng đến phiên tòa cấp tối cao sau đó, kết quả từ buổi thẩm vấn trong tình trạng thôi miên viên cảnh sát đã bị ban hình sự bác bỏ.
Trong thông tư ban hành ngày 12-12-2000, ban hình sự cho rằng “thôi miên không phải là phương thức bị cấm đoán ở Pháp nhưng đến nay vẫn còn là một phương thức ở giai đoạn thử nghiệm; vậy nên thẩm phán điều tra có quyền sử dụng mọi hình thức tìm kiếm sự thật trong điều tra nhưng hình thức đó phải tuân thủ theo qui định của luật pháp liên quan chứng cứ”.
Thẩm vấn gã chồng giết vợ rồi chặt khúc
Vào tháng 4-1999, một người đi săn phát hiện thân mình một phụ nữ trong rừng ở tình trạng bị phân hủy nặng.
Theo báo Le Parisien, người phụ nữ 32 tuổi đó bị báo mất tích khỏi nhà ở thị trấn Laudun (vùng Gard) từ ngày 16-2, sau buổi chạy bộ thể dục.
Vào ngày hôm đó, ông Laurent Fournier, chồng cô này, là một quân nhân đang học nghiệp vụ ở thủ đô Paris.
Ông ta có bằng chứng ngoại phạm và cuộc điều tra vì thế giậm chân tại chỗ xuống 6 tháng.
Thế rồi ông ta chấp nhận được cho thôi miên để tìm chứng cứ trong tư cách là nhân chứng của vụ việc đang được điều tra.
“Chuyên gia” Alban de Jong lại được mời vào việc trong cuộc thẩm vấn có thôi miên kéo dài 6 giờ.
Luật sư Philippe Expert – người bảo vệ cho quân nhân Fournier, kể lại trên nhật báo Le Parisien rằng thân chủ mình đã đưa ra những chứng cứ đáng sợ liên quan người vợ đã chết và vụ giết người.
“Ông ấy xưng hô ở ngôi vị thứ ba trong tình trạng lên đồng, như thể nói về một người khác”, luật sư Expert có ý tố cáo buổi thẩm vấn thôi miên.
Fournier thú nhận đã siết cổ vợ đến chết vì cô ta từ chối phá thai.
Vài tuần sau đó, vào tháng 12-2000, quân nhân Fournier bị tạm giam.
Trong cuộc thẩm vấn chính thức không lâu sau đó, Fournier chối tội.
Ông ta bị ngồi tù một năm rồi được trả tự do vì tòa phúc thẩm Lyon sau đó hủy toàn bộ kết quả điều tra kiểu thôi miên.
Tòa Lyon dựa trên một thông tư của Tòa án cấp tối cao ban hành năm 2001, cho rằng các điều kiện trong cuộc thẩm vấn quân nhân Fournier đã vi phạm luật về tìm kiếm chứng cứ.
Nay luật sư của Fournier cho biết họ đã tiến hành thủ tục đòi bồi thường sau vụ việc.
Tìm kiếm tên giết người hàng loạt ở Perpignan
Cũng có những vụ việc điều tra mà cách thôi miên cũng không đem lại hiệu quả gì.
Ngày 26-6-1998, người ta tìm thấy một thi thể không đầu, không bàn tay trong tình trạng phân hủy nặng ở khu đất trống bên đường quốc lộ, gần thành phố Perpignan (vùng Pyrénées-Orientales).
Danh tính nạn nhân được xác định sau đó: đó là cô Marie-Hélène Gonzalez, 22 tuổi được thông báo mất tích 10 ngày trước đó.
Cô trở thành nạn nhân thứ ba trong hồ sơ được đặt tên “những phụ nữ mất tích ở ga Perpignan”, trong đó có cô Tatiana Andujar, mà thi thể đến nay vẫn chưa tìm thấy được, và cô Mokhtaria Chaïb, với thi thể được phát hiện ngày 21-12-1997.
Cuộc điều tra qui mô được tiến hành nhưng phải đến 17 năm sau mới bắt được hung thủ là Jacques Rançon.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, tên này bị kết án tù chung thân, vì tội hãm hiếp và giết hại Mokhtaria Chaïb và Marie-Hélène Gonzalez cùng với mưu toan hãm hiếp và sát hại 2 phụ nữ khác.
Ông Gilles Soulié, cựu sĩ quan chỉ huy cuộc điều tra, đã khai trước tòa rằng trong quá trình điều tra, cảnh sát đã “sử dụng mọi phương cách vào thời điểm đó” để truy tìm hung thủ.
“Chúng tôi thậm chí đã phải thẩm vấn nhân chứng trong tình trạng bị thôi miên”, sĩ quan Soulié thừa nhận.
Như trong cuộc điều tra liên quan cái chết của cô Marie-Hélène Gonzalez, cảnh sát đã thẩm vấn có thôi miên 2 nhân chứng.
Một nhân chứng nam kể có gặp một cô gái tóc nâu giống như mô tả về nạn nhân tại khu vực nhà ga Perpignan ngày 16-6-1998. Ông ta nói đã thấy cô gái leo lên chiếc xe hơi màu sáng. Điều tra kỹ lưỡng của cảnh sát sau đó cho thấy vụ việc là có nhưng xảy ra trước đó 10 ngày!
Rồi một nhân chứng nữ kể trong tình trạng bị thôi miên rằng có thấy một cô gái giống mô tả về Marie-Hélène Gonzalez đứng xin đi nhờ xe vào một tối tháng 6 và có chiếc Volkswagen Golf màu trắng dừng lại. Cảnh sát tìm ra có đến 105 chiếc xe theo hiệu đó và với màu đó trong vùng; các chủ xe được liên hệ nhưng không đem lại kết quả gì.
Nguồn: tuoitre.vn