Đất nước là một đề tài phong phú vô tận của thơ ca Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử đã từng có nhiều áng thơ hay về đề tài này, nhưng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tìm được cách nói riêng để tác phẩm của mình tạo nên những rung động âm vang trong lòng người đọc.

Bài 6: Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi…  - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: thst.vn

Tác phẩm “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trích trọn vẹn chương V của bản trường ca Mặt đường khát vọng. Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu sự xuất hiện của đất nước với giọng điệu gợi không khí hồi tưởng về quá khứ, có những câu thơ dài ngắn đan xen. Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi/ Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa..” mẹ thường hay kể/ Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc…/ Đất Nước là nơi ta hò hẹn/ Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm/ Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”/ Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”.

Nhà thơ cảm nhận về đất nước ở một không gian địa lý rộng lớn. Qua đó chúng ta thấy được đất nước là những gì thật cụ thể, gần gũi và gắn bó thân thiết với mỗi con người Việt Nam.

Thời gian đằng đẵng/ Không gian mênh mông/ Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Đất là nơi Chim về/ Nước là nơi Rồng ở/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.

Đất nước trong chiều dài lịch sử được tác giả nhắc tới hình ảnh của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nơi đất nước là “Chim về” và “Rồng ở” để gợi nhớ về truyền thống của người Việt. Tác giả còn nhắc tới hình ảnh giỗ tổ Hùng Vương cũng để hướng về cội nguồn dân tộc ta. Nhà thơ ca ngợi tinh thần đoàn kết khi nhắc đến hai chữ “đồng bào”. Cho nên đất nước luôn tiềm tàng mối quan hệ máu thịt giữa các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai. Và con cháu mai sau. Tất cả đều ý thức sâu sắc về nguồn gốc tổ tiên, không bao giờ được quên cội nguồn dân tộc “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

Từ những cảm nhận đất nước trong không gian và thời gian rất đỗi tự hào, nhà thơ đã viết về những cảm xúc cá nhân trước đất nước. Đất nước bao gồm cộng đồng, dân tộc và trường tồn bất tử với bao thế hệ, bao lớp người Việt Nam. Đó là niềm tự hào thiêng liêng về đất nước khi đất nước gắn bó máu thịt với mỗi con người, với anh và em. Mối quan hệ giữa những cá nhân còn được gắn bó hài hòa hơn với cộng đồng dân tộc. Từ đó để tạo nên sức mạnh Việt Nam – sức mạnh của truyền thống đoàn kết “Khi chúng ra cầm tay mọi người/ Đất Nước vẹn tròn, to lớn”.

Tiếp đó là những lời nhắn nhủ ân tình với thế hệ trẻ. Giọng điệu của nhân vật trữ tình tha thiết, xúc động. Họ xác định đất nước là máu xương của mình, từ đó đặt ra nhiệm vụ phải biết gắn bó với đất nước, sẵn sàng san sẻ những khó khăn gian khổ. Cao hơn hết, thi sĩ đã kêu gọi thế hệ trẻ “Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời”. Họ sẵn sàng chiến đấu, cống hiến tuổi thanh xuân, sẵn sàng ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc để làm nên đất nước trường tồn muôn thuở “Mỗi thây rơi sẽ là một nhịp cầu/ Cho ta bước tới quãng đời cao rộng” (Hãy đứng dậy – Tố Hữu).

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu/ Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái/ Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại/ Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương…

Những câu thơ với giọng điệu dồn dập đã ca ngợi hình ảnh đất nước nhân dân khi nhìn vào không gian địa lý với những danh lam thắng cảnh, qua đó thấy được truyền thống đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam. Tác giả đã sử dụng rất nhiều tư liệu về văn hóa dân gian kết hợp với những câu thơ dài phù hợp với trường ca để thể hiện hình ảnh đất nước sinh động. Chính nhân dân bao đời đã làm nên đất nước, để chúng ta có quyền tự hào với lịch sử 4000 năm.

Để Đất Nước là Đất Nước nhân dân/ Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại/ Dạy anh biết “yêu em từ thở trong nôi”/ Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội/ Biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài lâu/ Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu/ Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát/ Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác/ Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…

Một cái nhìn đầy mới mẻ của nhà thơ khi định nghĩa đất nước nhân dân gắn với ca dao thần thoại vì kho tàng ca dao, thần thoại là lĩnh vực của văn học dân gian. Mà ca dao thần thoại là giá trị truyền thống sẽ sống mãi với thời gian, qua đó khẳng định sự trường tồn bất tử của đất nước. Giọng điệu của những câu thơ dài ngắn được kết hợp hài hòa, mang âm hưởng trường ca tạo nên hình ảnh đất nước sâu nặng.

Có thể nói rằng “Đất nước” đã góp thêm thành công cho dòng thi ca về tổ quốc Việt Nam. Nhờ những cảm xúc chân thành, sự trải nghiệm của bản thân mà tác giả đã nói lên những suy nghĩ chung của cả thể hệ, để từ đó ta cảm nhận đất nước không còn xa lạ, trừu tượng mà trở nên thân thiết nhưng vẫn rất đỗi thiêng liêng. Đọc “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không chỉ giúp chúng ta tìm về cội nguồn mà còn khơi dậy tinh thần dân tộc trong mỗi người con nước Việt.

Từ khóa : cội nguồn dân tộcđất nướcNguyễn Khoa Điềmtrường ca Mặt đường khát vọngViệt Nam Vang mãi giai điệu Tổ Quốc

Các tin liên quan đến bài viết