Hiện nhiều đơn vị sản xuất khẩu trang đang phải kêu cứu. Khẩu trang hạ giá liên tục nhưng bán không ai mua, sản phẩm tồn kho chất đống.
Nhiều doanh nghiệp cho biết khó sống sót bởi nguồn cung khẩu trang trong nước dư thừa, xuất khẩu khó khăn do thiếu chứng nhận chất lượng. Trong khi đó khẩu trang kém chất lượng lại được bán tràn lan. Thậm chí khẩu trang Trung Quốc cũng được nhập về số lượng lớn.
Hàng tồn chật kho
Nhiều phương án đưa ra để giải quyết khẩu trang tồn như giảm giá bán xuống chỉ còn 25.000 – 50.000 đồng/hộp, xuất khẩu…
Thế nhưng theo ông Trần Văn Long – tổng giám đốc Công ty CP y tế Ecommed (TP.HCM), đơn vị vẫn chịu thua lỗ trong nhiều tháng qua do lượng khẩu trang tồn hiện lên đến hàng chục triệu chiếc.
“Quy mô sản xuất lớn, khẩu trang trong nước dư thừa, xuất khẩu gặp khó do cạnh tranh với hàng Trung Quốc càng gây cho chúng tôi khó khăn hơn” – ông Long nhận định.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty 28 (TP.HCM) cho biết đơn vị đã ngưng sản xuất khẩu trang nhiều tháng qua.
Theo vị đại diện này, dù đã hạ giá bán nhưng trong thời gian dài lượng hàng xuất bán khá khiêm tốn, nên hiện đơn vị tồn khoảng 1,5 – 1,7 triệu cái khẩu trang.
Cũng phải ngưng sản xuất khẩu trang 3 tháng nay do đối tác không lấy hàng và Công ty Quang Thịnh (TP.HCM) đang tính đến việc đóng cửa. Theo ông Tôn Thất Thịnh – giám đốc đơn vị này, hiện công ty tồn khoảng 1,5 triệu cái khẩu trang N95 và khoảng 150.000 – 200.000 cái khẩu trang vải các loại do khách đặt may nhưng không lấy.
“Với giá vốn 4.000 – 5.000 đồng/cái, chỉ riêng lượng khẩu trang N95 tồn đọng hiện trị giá hơn 6,5 tỉ đồng đã khiến đơn vị gặp khó” – ông Thịnh thông tin.
Dù đơn vị có tiếng trong lĩnh vực sản xuất khẩu trang với đơn hàng xuất khẩu lớn, nhưng Công ty Tầm Nhìn Mới (TP.HCM) hiện cũng gặp khó khăn.
Theo đại diện đơn vị này, giá thành sản xuất giảm nên giá bán khẩu trang hiện được đơn vị giảm bình quân 40-50% so với năm 2020. Tuy nhiên, so với năm ngoái, hiện sản lượng khẩu trang xuất khẩu giảm khoảng 50%, nội địa giảm 30%.
Cụ thể, năm ngoái đơn vị xuất khẩu khoảng 1 triệu chiếc khẩu trang/tháng thì hiện còn khoảng 600.000 cái.
Đại diện hệ thống Saigon Co.op cũng cho biết nếu dịch COVID-19 không diễn biến phức tạp, hiện lượng khẩu trang được đơn vị dự trữ có thể đủ cung cấp cho thị trường trong khoảng 4-5 tháng tới.
Tương tự, đại diện Vinmart khẳng định do nguồn khẩu trang dự trữ đủ cung cấp đến hết quý 2-2021 nên hiện không mua vào.
Ngăn hàng kém chất lượng
Theo ông Thịnh, thời điểm ổn định, giá bán sỉ khẩu trang y tế khoảng 700.000 đồng/thùng 50 hộp, nhưng đợt dịch COVID-19 cao điểm đầu tiên vào đầu năm 2020, có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/thùng, sau đó giảm dần còn 4-6 triệu đợt dịch 2 và 1-3 triệu đợt 3.
“Lúc cao điểm, nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang dễ dàng lãi hàng chục tỉ đồng mỗi tháng. Nhưng đợt 2, đặc biệt đợt dịch lần 3, khi nguồn cung khẩu trang quá nhiều, giá thành sản xuất tăng cao khiến nhiều đơn vị không bán được, thua lỗ nặng” – ông Thịnh nhận định.
Trong khi đó, chuyển từ may mặc sang sản xuất khẩu trang với hi vọng “vớ bẫm”, nhưng ông Minh – giám đốc một công ty tại TP.HCM – lại nhận trái đắng.
Theo ông Minh, khoảng 95-100% máy móc và nguyên liệu đơn vị phải nhập từ Trung Quốc với giá cao. Cụ thể, giá máy sản xuất khẩu trang y tế bình thường chỉ 700 – 800 triệu, nhưng lúc đơn vị mua vào trên dưới 2 tỉ đồng.
Riêng mặt hàng vải để sản xuất khẩu trang thường chỉ 30 – 40 triệu đồng/tấn, nhưng năm 2020, doanh nghiệp phải mua với giá 150 – 200 triệu đồng/tấn.
“Chi phí sản xuất tăng cao nên dù lượng khẩu trang bị tồn đọng không lớn nhưng đơn vị vẫn thua lỗ vì bán dưới giá thành sản xuất” – ông Minh than.
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Phạm Xuân Hồng – chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM – cho biết trong năm 2020, khoảng 30% số lượng doanh nghiệp may mặc chuyển qua sản xuất khẩu trang theo yêu cầu đối tác, hoặc xu hướng thị trường khi đơn hàng may mặc giảm mạnh. Và hiện mặt hàng này đang tồn kho khá lớn.
“Các doanh nghiệp nên xem xét hạ giá thành sản phẩm, liên kết với các công ty dược, khu công nghiệp, đơn vị bán lẻ như siêu thị mới có thể bán ra lượng lớn, nhanh thu hồi vốn” – ông Hồng gợi ý.
Còn theo ông Trần Văn Long, để ổn định thị trường khẩu trang, cơ quan chức năng cần tăng hoạt động thanh tra kiểm tra đối với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. Bởi hiện nay có rất nhiều loại khẩu trang kém chất lượng trên thị trường.
“Có doanh nghiệp đem sản phẩm tốt đi đăng ký nhưng khi sản xuất lại đưa nguyên liệu kém chất lượng vào. Cần thanh tra đột xuất nhà máy, cắt mẫu kháng khuẩn đang được dùng sản xuất về kiểm tra” – ông Long kiến nghị.
Có ý kiến về vấn đề trên, ông Trần Hữu Linh – tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường – cho rằng đơn vị sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra, giám sát mặt hàng này, đặc biệt những địa phương ở biên giới bởi tình hình dịch COVID-19 vẫn phức tạp.
Còn đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết để khẩu trang sản xuất trong nước đạt chất lượng, cơ quan chức năng cần tăng thanh tra kiểm tra phần gốc – nguồn nguyên vật liệu dùng sản xuất mặt hàng này, đặc biệt nguồn nhập từ Trung Quốc hiện chiếm đa số.
Cần mua khẩu trang có thương hiệu
Theo ông Trần Văn Long, người tiêu dùng cần chọn mua khẩu trang ở những nơi bán có thương hiệu. Thường khi sản phẩm đạt chất lượng đều được nhà sản xuất đăng lên các sàn giao dịch, thông tin phương tiện truyền thông.
Khẩu trang có lớp than hoạt tính lọc là loại lọc khí thải độc hại, còn khẩu trang kháng khuẩn lọc vi khuẩn và bụi, người tiêu dùng nên phân biệt để tránh mua nhầm.
Không cạnh tranh nổi với Hàn Quốc, Trung Quốc
Ông Phạm Văn Việt – tổng giám đốc Công ty TNHH VitaJean – cho biết các doanh nghiệp từng tham gia sản xuất khẩu trang đã trở về ngành hàng cốt lõi là sản xuất hàng may mặc thông thường khi các đơn hàng dần ổn định trở lại.
Theo ông Việt, bản thân VitaJean cũng tham gia sản xuất khẩu trang và có xuất khẩu đi vài thị trường nhưng cũng chỉ vỏn vẹn trong 6 tháng.
“Thời điểm hiện tại sản xuất khẩu trang để đạt chuẩn xuất khẩu không còn đầu ra vì doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc về giá, mẫu mã lẫn công nghệ” – ông Việt chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng cho hay hiện số doanh nghiệp xem khẩu trang là ngành sản xuất chính với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc vẫn còn duy trì sản xuất là rất hiếm, trong khi số doanh nghiệp làm theo thời vụ thì đã “rụng cánh” từ lâu.
Cũng theo ông Hồng, hiện “không doanh nghiệp nào còn muốn nhắc đến việc sản xuất khẩu trang nữa”.
Thứ nhất là không có đầu ra. Thứ hai là không cạnh tranh được. Thứ ba không có tương lai. Cuối cùng đơn hàng may mặc đang dần có trở lại thì “quay về sản xuất mặt hàng truyền thống vẫn tốt hơn”.
Ngành y tế chỉ quản lý khẩu trang y tế
Đó là trả lời của lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế).
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 27-4, đại diện Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cho biết năm 2010 đơn vị này đã biên soạn và được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và công nghệ đã công bố Bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) 8389 về các loại khẩu trang y tế thông thường, khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn và khẩu trang y tế phòng nhiễm hóa chất.
Với mỗi loại khẩu trang này, khẩu trang y tế sẽ gồm có lớp vải, lớp vi lọc, thanh nẹp mũi và dây đeo. Tùy từng loại và mục đích sử dụng của khẩu trang, các lớp vải và vật liệu này sẽ có tiêu chuẩn kèm theo riêng, ngành y tế chỉ quản lý khẩu trang y tế.
“Hiện nay chỉ các loại khẩu trang công bố là khẩu trang y tế, được công bố chất lượng tại sở y tế tỉnh thành nơi cơ sở sản xuất đặt trụ sở mới thuộc sự quản lý của ngành y tế.
Các loại khẩu trang khác cũng có hình thức tương tự khẩu trang y tế nhưng không công bố chất lượng, nhãn không ghi là khẩu trang y tế sẽ quản lý tương tự như các hàng hóa thông thường khác” – vị đại diện trên nói thêm.
Qua khảo sát trên thị trường, hiện có hàng trăm loại khẩu trang có hình thức tương tự khẩu trang y tế, bao bì ghi là khẩu trang 3 lớp và được tiệt trùng.
Tuy nhiên so về cảm quan, các loại khẩu trang không công bố là khẩu trang y tế mỏng hơn, không có lớp vi lọc như tiêu chuẩn của khẩu trang y tế hoặc như các khẩu trang tiêu chuẩn cao hơn được xuất khẩu đi Mỹ, EU…
Đại diện Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cũng nhận xét hiện giá khẩu trang đã trở lại mức như trước khi có dịch COVID-19. Đa số nguyên liệu sản xuất khẩu trang sử dụng hiện nay là nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, một phần từ Đài Loan và Hàn Quốc.
Phải xem là ngành sản xuất có điều kiện
Trên các trang mạng và chợ sỉ, hiện có hàng trăm thương hiệu khẩu trang đến từ Trung Quốc như N90, 3M9, N95, 3M…
Thậm chí có hàng chục loại khẩu trang cho trẻ em có giá “thượng vàng hạ cám” nhưng phần lớn có giá rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng/hộp và còn giảm giá từ 30 – 50%.
Có ý kiến về những mặt hàng trôi nổi trên, đại diện một đơn vị sản xuất khẩu trang tại TP.HCM cho rằng quy định sản xuất khẩu trang tại Việt Nam hiện quá dễ dàng. Đó cũng là lý do khiến chất lượng sản phẩm này phập phù.
Cụ thể, hầu như doanh nghiệp chỉ cần có giấy tờ giống như giấy phép kinh doanh các lĩnh vực khác là có thể sản xuất khẩu trang.
“Cần yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng khẩu trang khi đăng ký sản xuất. Giấy này phải có thông tin cụ thể về mức độ kháng khuẩn, kháng được loại vi khuẩn nào, lọc được hạt bụi nào… thì doanh nghiệp mới được tham gia vào lĩnh vực này”, vị này kiến nghị.
Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan – trưởng Ban an toàn thực phẩm TP.HCM, thời gian qua hoạt động sản xuất khẩu trang diễn ra kiểu trăm hoa đua nở, hàng kém chất lượng vì thế không ít.
Do đó, cần siết việc kiểm định chất lượng đối với sản phẩm này, phải xem sản xuất khẩu trang là ngành sản xuất có điều kiện, tương tự như sản xuất dược.
Nguồn: tuoitre.vn