Với quan điểm phát triển kinh tế nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới. Với những bước đi vững chắc, chương trình OCOP lần thứ I tỉnh Bình Phước đã có 22 sản phẩm của 6 doanh nghiệp, 1 cơ sở và 2 hộ sản xuất, kinh doanh được công nhận, cấp giấy chứng nhận và xếp hạng từ 3 sao trở lên. Đó là tiền đề vững chắc để doanh nghiệp, cơ sở và các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiến sâu vào các thị trường khó tính.
Chắt chiu dòng mật ngọt
Những ngày sau tết, khi mùa hoa điều, cao su nở rộ cũng là thời điểm vàng để từng đàn ong đi “làm mật”. Từ nguyên liệu thô này, qua các công đoạn chế biến, mang đến cho mọi người dòng mật ngọt tự nhiên thơm ngon, mang đặc trưng của núi rừng Bình Phước. Bén duyên với nghề nuôi và khai thác ong lấy mật hơn 20 năm nay, anh Vũ Tiến Hoàng, chủ cơ sở Mật ong Sông Bé, phường Tiến Thành (TP. Đồng Xoài) đã và đang từng bước đưa thương hiệu mật ong ở Bình Phước vươn xa, đến với thị trường khu vực và toàn quốc.
Anh Hoàng chia sẻ: Trước đây, giá trị mật ong xuất khẩu rất cao. Thời gian về sau do khủng hoảng thừa, mật ong xuất khẩu khó khăn, nhiều rào cản nên tôi nghĩ đến thị trường nội địa. Trong khi đó, Bình Phước là địa phương có số lượng mật ong nhiều và chất lượng tốt nhưng chưa khai thác sâu về thương hiệu. Do đó, 3 năm trước, tôi nảy ra ý tưởng cho ra đời sản phẩm mật ong thương hiệu Mật ong Sông Bé trên địa bàn Bình Phước.
Nhân viên Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo giới thiệu cho khách hàng sản phẩm tại cửa hàng
Không chỉ xây dựng thương hiệu trên cơ sở thu mua như nhiều đơn vị khác, chất lượng Mật ong Sông Bé luôn được người tiêu dùng đánh giá cao bởi trực tiếp chiết xuất từ chính sản phẩm tự khai thác. Cơ sở Mật ong Sông Bé có 2 trại nuôi và khai thác, mỗi trại khoảng 300-400 thùng ong. Trong những ngày khai thác cao điểm, mỗi đợt từ 7-10 ngày sẽ thu về 1,5-2 tấn mật. Và để dòng mật ong chất lượng này đến tận tay người tiêu dùng, những hộ sản xuất ong mật như anh Hoàng không chọn cách bán lẻ, mà chuyển hướng xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm vươn xa hơn. Do đó, anh Hoàng đã đầu tư trang thiết bị hiện đại từ khâu lưu trữ, tinh lọc mật đến bao bì, mẫu mã… Đến nay, thương hiệu Mật ong Sông Bé đã thâm nhập sâu vào các thị trường nội địa ở 7 tỉnh khu vực miền Tây và 2 tỉnh Tây Ninh, Ninh Thuận. Các sản phẩm của Mật ong Sông Bé sẵn sàng “đọ sức” với các nhãn hiệu có từ trước trong thị trường nội địa.
Vươn xa cùng OCOP
Trong 22 sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2020, không thể thiếu hạt điều rang muối vỏ lụa Gia Bảo của Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo. Hạt điều Gia Bảo có thâm niên hơn 10 năm và đang vươn mình ở tầm cao toàn quốc, quốc tế. Ngoài những danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các năm từ 2015 đến nay, vừa qua, hạt điều Gia Bảo được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là lợi thế để hạt điều Gia Bảo tiếp tục vươn xa.
Chị Nguyễn Thị Hà Vy, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo chia sẻ: Chứng nhận sản phẩm OCOP là lợi thế của công ty, là bước tiến trong quá trình phát triển thương hiệu hạt điều Bà Tư (một tên gọi khác của hạt điều Gia Bảo), đưa sản phẩm đến nhiều tỉnh, thành. Khi đạt chứng nhận OCOP thì sẽ tiếp cận được nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ hơn, bởi thị trường hiện tại rất quan tâm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng…
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh xác định và đăng ký phát triển 18 sản phẩm thế mạnh của địa phương để tham gia chương trình OCOP và phấn đấu có từ 8-10 sản phẩm đạt hạng 4, 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong chương trình này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng… |
Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến thương hiệu của sản phẩm thì việc được công nhận sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap hay OCOP là lợi thế lớn. Bà Lê Thị Duyên, người tiêu dùng thường xuyên của hạt điều Bà Tư chia sẻ: Dịp tết, tôi mua hạt điều làm quà cho người thân ở quê và ngày thường thì mua về ăn. Nói chung mẫu mã ở đây rất đẹp, hàng chất lượng tốt; hạt điều thơm giòn, không bị sâu, rang vị vừa ăn hợp khẩu vị của tôi.
Hạt điều Gia Bảo chọn 100% hạt điều Bình Phước để có được vị bùi béo, ngậy thơm. Đặc biệt từ tháng 9-2019, khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho hạt điều Bình Phước, cùng với những bí quyết trong cách rang đã góp sức cho hạt điều Gia Bảo “cất cánh” không chỉ ở thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản và Mỹ với doanh thu hàng tỷ đồng. Hạt điều Gia Bảo đã và đang tự khẳng định vị thế bằng chính thương hiệu chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Tường, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước khẳng định: Để đồng hành với doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh phát triển cũng như mở rộng thị trường, bên cạnh hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ để đáp ứng chất lượng, mẫu mã sản phẩm thì việc xúc tiến thương mại đã được trung tâm triển khai đồng bộ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trong nước cũng như khu vực và hoạt động xúc tiến thương mại khác mà các sản phẩm là địa bàn doanh nghiệp đó tương đồng với sản phẩm công nghiệp của Bình Phước có thế mạnh.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị là những mục tiêu chương trình OCOP hướng tới. Chương trình cũng góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn phù hợp, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp vùng nông thôn.
Theo Báo Bình Phước