Ngôi làng kỳ lạ này được xây dựng nằm sâu dưới lòng đất và đã tồn tại hơn 4.000 năm nay.
Lịch sử hơn 4.000 năm
Ngôi làng đặc biệt này nằm ở trung tâm tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và đã từng có khoảng 10.000 gia đình sinh sống nơi đây. Theo thống kê mới nhất của truyền thông Trung Quốc, hiện chỉ còn khoảng 3.000 người sống ở ngôi làng này, số còn lại đã chuyển lên mặt đất để có một cuộc sống hiện đại hơn.
Ngôi làng đặc biệt nhìn từ trên cao. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo lịch sử ghi chép, những ngôi làng như vậy đã có cách đây khoảng 4.000 năm và được phổ biến rộng rãi vào thời nhà Minh và nhà Thanh.
Mỗi ngôi làng đều được xây dựng theo lối kiến trúc riêng. Ảnh: GETTY IMAGES
Những ngôi nhà đặc biệt này thường được xây dựng trong lòng đất ở độ sâu 6-7 m, đa số trong đó là những căn nhà hình vuông có cạnh 10-12 m. Mỗi ngôi nhà này đều có một đường hầm khá sâu để kết nối với thế giới bên ngoài qua một sân chung.
Nhìn từ trên cao, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những sân sinh hoạt chung của nhiều ngôi làng, là nơi để tổ chức lễ hội, cưới hỏi cũng như những sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây.
Khoảng sân chung nối liền các căn nhà nhỏ. Ảnh: Weibo
Để có được một căn nhà dưới lòng đất như thế này, mỗi hộ gia đình phải mất 2-3 năm đào đất lấy chỗ trống rồi mới tiến hành xây dựng. Mọi sinh hoạt của các hộ gia đình ở những ngôi làng dưới lòng đất đều gói gọn trong căn nhà nhỏ kín đáo của mình. Lối thiết kế và xây dựng đơn giản, tiết kiệm chi phí nhưng không kém phần độc đáo này cực kỳ phù hợp với những người dân nghèo.
Một sân chung nhìn từ trên cao. Ảnh: GETTY IMAGES
Những ngôi làng dưới lòng đất có lịch sử hơn 4.000 năm này là tàn dư của các hang động được người Cổ đại sử dụng làm nơi sinh sống. Đây là một tập hợp những căn nhà được xây dựng sâu dưới lòng đất và được coi là “tứ hợp viện dưới lòng đất” không ở đâu có của người phương Bắc Trung Quốc.
Hiện tại, ở Trung Quốc vẫn còn hơn 100 ngôi làng với gần 10.000 căn nhà dưới lòng đất còn tồn tại. Căn nhà dưới lòng đất cổ nhất còn tồn tại là căn nhà Yaodongs. Căn nhà này được xây dựng cách đây 200 năm và là nơi sinh sống của tám thế hệ trong một gia đình.
Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn
Hiện những căn nhà thuộc ngôi làng cổ này đang được bảo tồn và từng được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc vào năm 2011. Chính quyền địa phương cũng tuyên bố tiếp tục bảo tồn khu di tích đồng thời biến nó thành một điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Một lễ cưới diễn ra tại làng. Ảnh: Weibo
Hiện tại có rất nhiều công ty đã tổ chức những tour du lịch đến các ngôi làng “không đụng hàng” trên và thu hút rất nhiều du khách tới tham quan, tìm hiểu.