Sáng 15-3, tại TPHCM, Hội Báo toàn quốc năm 2024 chính thức khai mạc. Hội báo do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp UBND TPHCM cùng sự phối hợp chỉ đạo của Bộ TT-TT, Bộ VHTT-DL tổ chức.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Cùng dự còn có các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TPHCM và một số địa phương; lãnh đạo các cơ quan báo chí…
Nhiều điểm mới, sáng tạo, hấp dẫn
Phát biểu khai mạc hội báo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, đây là ngày hội lớn của báo giới và công chúng cả nước, là hoạt động chào mừng thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước và TPHCM.
Hội Báo toàn quốc 2024 có phương thức tổ chức mới, với nhiều hoạt động phong phú hấp dẫn, đã thu hút 120 gian trưng bày các ấn phẩm báo chí đặc sắc, tiêu biểu của hàng trăm cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cấp hội nhà báo tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG
Song song hệ thống các gian trưng bày cho thấy bức tranh tổng quan về báo chí Việt Nam đương đại theo hướng chuyên nghiệp – nhân văn – hiện đại, là gian trưng bày chuyên đề “Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-2024: 99 chuyện nghề”. Đây là câu chuyện lịch sử 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, với những câu chuyện cống hiến và hy sinh, lao động và sáng tạo của các thế hệ người làm báo – chiến sĩ.
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024 sẽ mang đến cho công chúng và các nhà báo, hội viên nhiều hoạt động nghiệp vụ chất lượng, quy mô lớn, tính chuyên sâu và tính thực tiễn cao; các hoạt động triển lãm, trưng bày, các chương trình văn hóa văn nghệ đặc sắc, phong phú.
Diễn đàn Báo chí toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức với 10 phiên thảo luận về các chủ đề trọng yếu, có tính cấp bách của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số. Diễn đàn có sự tham dự của hơn 60 diễn giả là các nhà báo dày dạn kinh nghiệm trong nước, cùng các chuyên gia truyền thông quốc tế uy tín; sẽ có tầm ảnh hưởng mạnh và tác động đa chiều đến các cơ quan báo chí, các nhà báo, hội viên trong cả nước.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày Báo SGGP. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Hội Báo toàn quốc là dịp tôn vinh những thành tựu to lớn và sự phát triển mạnh mẽ, tinh thần đổi mới sáng tạo, nghị lực vươn lên mạnh mẽ, tinh thần cống hiến và tính trách nhiệm cao của báo chí Việt Nam; giáo dục truyền thống, khích lệ niềm tự tôn, lòng tự hào về truyền thống 99 năm lịch sử báo chí cách mạng và khơi dậy khát vọng sáng tạo, đổi mới, cống hiến của đội ngũ nhà báo – hội viên”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Đây cũng là dịp biểu dương, động viên những cống hiến lớn lao của các đơn vị, cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng tích cực vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Đảm bảo tính định hướng, hấp dẫn trong tác phẩm báo chí
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, hội báo là sự kiện rất quan trọng, giàu ý nghĩa, thực sự là ngày hội đối với các cấp hội nhà báo, người làm báo cả nước. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng hướng tới Kỷ niệm 100 năm báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2025).
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đồng chí, 99 năm là truyền thống vẻ vang, là dấu ấn tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam. Để xứng đáng với vai trò, sứ mệnh vẻ vang của mình, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, triển khai có hiệu quả các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; các quyết định của Thủ tướng về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, về Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Cùng với đó là thực hiện nghiêm các Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Theo đồng chí, sự phát triển không ngừng của báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu với các công cụ số như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối… đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo. Trí tuệ nhân tạo và công nghệ có thể trở thành trợ lý ảo cho báo chí. Song, báo chí cũng phải đối mặt với nguy cơ tin giả, tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo và các công cụ số khác tạo ra, thách thức bị sử dụng trái phép “vốn dữ liệu”, bản quyền báo chí trên môi trường số.
Trước thực trạng trên, đồng chí yêu cầu giới báo chí cần chủ động, đoàn kết tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ bản quyền, đấu tranh chống tin giả, đẩy lùi thông tin xấu độc, thông tin sai lệch, xuyên tạc, để thông tin báo chí chính thống trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong không gian số, góp phần xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, phục vụ cho từng độc giả, khán thính giả, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong giới thiệu với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về gian trưng bày của Báo SGGP. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Báo chí đang phải đối diện với những vấn đề có tính chất bước ngoặt để bảo đảm thế chủ động trong định hướng, dẫn dắt thông tin trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu đổi mới hoạt động báo chí. Cần đổi mới từ phương thức chỉ đạo, lãnh đạo, tư duy quản lý đến thực tiễn hoạt động báo chí”, đồng chí chỉ ra và khẳng định, Hội báo toàn quốc 2024, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí từ Trung ương, địa phương, của giới báo chí cả nước, sẽ có những luận giải và kiến nghị phù hợp cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đối với những đòi hỏi này.
Phát huy truyền thống 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, tiếp tục những thành công của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, đồng chí mong muốn, báo chí cần chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường đào tạo nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm nghiên cứu công chúng và xu hướng báo chí truyền thông hiện đại. Các tác phẩm báo chí cần đảm bảo tính định hướng, tính chuyên biệt, tính hấp dẫn và tính cá nhân hóa.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng mong muốn, mỗi người làm báo phải luôn tự ý thức học tập, nghiên cứu, tự rèn mình để có bản lĩnh chính trị, nền tảng văn hóa, kỹ năng công nghệ và tinh thần tận hiến, nhân văn vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân. Mỗi đảng viên làm báo trước hết phải gương mẫu về phẩm chất đạo đức, cống hiến trí tuệ và tài năng, để xây dựng Đảng, bằng tác phẩm báo chí của mình tác động sâu rộng, mạnh mẽ đến các tiến trình phát triển xã hội.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG
Một nhiệm vụ quan trọng khác là báo chí vừa phải nghiên cứu lý luận, vừa phải tổng kết thực tiễn, truyền thông chính sách, vừa tiếp tục giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Theo Báo SGGP