Hơn 1,27 triệu khách du lịch Trung Quốc thăm Campuchia trong 8 tháng đầu năm 2018, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sao dân kinh doanh ở Campuchia không phải ai cũng vui? Báo Hong Kong đưa ra lý giải.
Tại thành phố Siem Reap – địa danh nổi tiếng với khu phức hợp Đền Angkor Wat, dân kinh doanh địa phương bất lực trước những thay đổi trong bối cảnh thị trường chuyển sang phục vụ chính cho khách Trung Quốc.
Bà Channy Murphy, chủ quán bar Mad Murphy’s Irish Pub ở Siem Reap, than thở rằng khách phương Tây của quán đang mất dần, và dù khách Trung Quốc đi đầy đường trong thành phố, họ lại ít khi ghé vào quán vui chơi.
Bà Murphy nhận thấy khách Trung Quốc thường chỉ quanh quẩn theo đoàn và ít khi đi đâu quá xa một mình. “Họ đặt trước tất cả mọi thứ, từ khách sạn đến ăn uống, nên đi đâu họ cũng chỉ theo đoàn” – bà chủ quán nhận xét.
Đây thực sự là hệ quả của dạng tour 0 đồng của du khách Trung Quốc mà nhiều nước đang khốn khổ.
Trong những năm đầu thập niên 2000, thị trường du dịch lớn của Campuchia chủ yếu từ các nước phương Tây, với khách Mỹ, Pháp và Anh thuộc top đầu. Hiện nay phần lớn nhóm này đã bị thay thế bởi du khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
Học giả Bill Laurance – một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học James Cook (Úc), cũng chia sẻ nhận định về việc khách Trung Quốc thường tránh ghé vào các cửa hàng, dịch vụ địa phương.
“Theo kinh nghiệm của tôi, khách Trung Quốc thường chọn các cơ sở do người Trung Quốc điều hành hoặc làm chủ, từ nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ lưu niệm cho đến công ty tổ chức tour. Khi hoạt động ở nước ngoài, công ty Trung Quốc cũng ưu tiên thuê người Trung Quốc thay vì dân địa phương” – ông Laurance chỉ ra hiện trạng.
Theo cách đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh du lịch chạy đến với người Campuchia còn rất ít, trong khi phần lớn miếng bánh nằm trong tay các doanh nghiệp Trung Quốc, học giả Laurance kết luận.
Bà Chhay Sivlin, chủ tịch Hiệp hội Các hãng lữ hành Campuchia, lý giải thói quen của người Trung Quốc một phần do rào cản ngôn ngữ, phần khác do chính sách kinh doanh của Campuchia.
“Thực trạng trên là có thật. Do người nước ngoài có quyền sở hữu doanh nghiệp ở Campuchia, người Trung Quốc đã đổ đến đây đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, do rào cản ngôn ngữ, khách Trung Quốc thường chọn các dịch vụ của người Trung Quốc cho dễ giao dịch” – bà Chhay giải thích.
Nếu bỏ qua yếu tố trên, bà Chhay cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc nhìn chung vẫn mang lại lợi ích cho Campuchia bằng cách tạo ra công ăn việc làm cho người dân.
Nhưng khách du lịch Trung Quốc không thể là nguồn thu nhập chính cho Campuchia mãi, đây là thực tế chính quyền nước này cũng nhìn nhận.
Bà Chhay Sarath, phó giám đốc Cơ quan Đầu tư du lịch thuộc Bộ Du lịch Campuchia, cho biết chính phủ đang tìm cách đa dạng hóa thị trường, thu hút thêm khách ở các nước như Thái Lan và Nhật Bản.
Năm ngoái, Campuchia tiếp đón hơn 5 triệu lượt du khách, và ngành công nghiệp xanh đóng góp đến 32,4% GDP của xứ chùa tháp. Phnom Penh đặt mục tiêu nâng tổng lượt khách lên 12 triệu đến năm 2025.
Nguồn: tuoitre.vn