Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đứng đầu nhóm ASEAN-5, trong khi đó hạ mạnh tăng trưởng GDP khu vực châu Á.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia trước đó với điểm nổi bật là: hạ dự mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của cả khu vực châu Á.
Theo đó, IMF dự báo tăng trưởng GDP thực của châu Á sẽ đạt 4% trong năm 2022, thấp hơn mức 6,5% của năm 2021.
Như vậy, đây là lần thứ 4 IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này, trong bối cảnh thế giới bất ổn và nhiều nền kinh tế lớn đang chìm trong lạm phát cao hoặc/và suy giảm tăng trưởng như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Khu vực châu Á năng động bị ảnh hưởng không nhỏ bởi giá cả hàng hóa leo thang, sự sụt giảm sức cầu từ các nền kinh tế lớn cũng như hậu quả của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo IMF, các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% vào năm 2023, giảm lần lượt 20 điểm phần trăm và 10 điểm phần trăm so với dự báo được tổ chức này đưa ra hồi tháng 7.
Sự sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc, với dự báo GDP tăng chỉ tăng 3,2% trong năm 2022 (so với mức tăng 8,1% trong năm 2021) sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế các nước trong khu vực châu Á.
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức cao trong năm 2022 và năm 2023.
Tuy nhiên, Việt Nam là một điểm sáng. Theo đó, IMF tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7% trong năm 2022, tăng so với dự báo 6% trong dự báo đưa ra hồi đầu năm.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhất trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN-5), gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Nhóm ASEAN-5 được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm nay, so với mức 3,4% vào năm 2021 nhưng sẽ tụt xuống 4,9% trong 2023.
Việt Nam cũng được dự báo suy giảm tăng trưởng trong 2023, xuống mức 6,2%.
Tại châu Á, một số nền kinh tế phát triển suy giảm tăng trưởng. Nhật được IMF dự báo tăng trưởng 1,7%; Singapore tăng 3%…
Trước đó, nhiều tổ chức nâng hoặc giữ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức rất cao.
Đầu tháng 10, Ngân hàng UOB đã nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 7% được đưa ra trước đó nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất và dịch vụ kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại.
Trong quý III/2022, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 13,67% so với cùng kỳ. Tăng trưởng 3 quý đầu năm đạt 8,83%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 6,2% đạt được trong 2 quý đầu năm.
Ngân hàng HSBC trong khi đó nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 6,9% và đánh giá Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh.
Tích cực nhưng còn nhiều rủi ro
Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây thận trọng, hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 7,5% xuống còn 7,2% trong 2022. Tuy nhiên, đây là mức cao. Theo WB, Việt Nam tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn vững chắc.
Tăng trưởng GDP Việt Nam qua các năm.
ADB đưa ra dự báo ở mức 6,7%, trong khi SSI ước tính 7%. Moody’s thậm chí dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,5% trong năm 2022. VNDirect hồi giữa tháng 9/202, nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 từ 7,1% lên 7,7%. Vinacapital nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,5% lên 7,5%.
Các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế gần đây cũng nâng đánh giá tích cực về Việt Nam. Hồi tháng 9, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2.
Một số tờ báo tại châu Âu và Mỹ gần đây đưa ra nhiều mỹ từ đánh giá về nền kinh tế Việt Nam, trong đó có tờ gọi ‘Việt Nam là con hổ mới của châu Á. Theo đó, Việt Nam được cho là ngày nay đã trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi và có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Á.
Không ít các đánh giá cho rằng, Việt Nam trở thành điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Việt Nam đang đạt được mức tăng trưởng GDP cao, lạm phát thấp (2,89% trong tháng 9 so với cùng kỳ) và tỷ giá khá ổn định, đồng VND suy giảm khoảng 4% so với USD, so với mức 10-25% ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đối mặt với một số rủi ro.
Dự bao tăng trưởng GDP Việt Nam của một số tổ chức.
Theo WB, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, với tổng sản lượng hiện tại vẫn thấp hơn mức trước đại dịch Covid. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hòa giữa nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi trong bối cảnh môi trường toàn cầu suy yếu với nhu cầu kiềm chế lạm phát và các rủi ro tài chính đang nổi lên.
Về trung và dài hạn, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu thập trung bình cao của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và đổi mới bằng cách sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn sản xuất, vốn tự nhiên và con người.
Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi năng lực thể chế cần phải được tăng cường để phê duyệt và thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm xây dựng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và phục hồi cao hơn.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại đang dần làm giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu và các sản phẩm chế tạo chế biến xuất khẩu của khu vực. Lạm phát tăng đồng loạt khiến cho lãi suất cũng tăng lên, qua đó làm cho dòng vốn chạy ra ngoài và đồng tiền mất giá tại một số quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương. Những diễn biến đó làm tăng gánh nặng trả nợ và thu hẹp dư địa tài khóa, ảnh hưởng xấu đến các quốc gia rơi vào đại dịch với gánh nặng nợ cao.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, Aaditya Mattoo cho rằng, các nhà hoạch định chính sách các nước đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa xử lý lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Nguồn: vietnamnet