Cuộc chiến với Covid-19 vẫn còn tiếp tục nhưng tiếp tục trong điều kiện có niềm tin dẫn tới chiến thắng. TP.HCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Dịch bệnh vẫn đang phức tạp, nhiều diễn biến không dễ lường trước và mọi chuyện mở hay chỉ hé cửa để “Sống chung với Covid” đang còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố được cân nhắc, xem xét. Nhưng mấy ngày qua, bắt đầu có những tín hiệu để hy vọng về những ngày sáng sủa hơn.
Những ngày này, TP.HCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại trạng thái “bình thường mới”. |
Sáng 8/9, tin chợ Bình Điền mở cửa trở lại từ đêm 7/9 sau thời gian dài đóng cửa ít nhiều đem lại niềm vui cho người dân TP.HCM. Cùng với 2 chợ đầu mối lớn khác thì chợ Bình Điền được xem như, dù chỉ là điểm tập kết trung chuyển hàng hóa nhưng quả thật cũng hé lên chút hy vọng.
Rồi đến chiều, TP cho mở lại dịch vụ ăn uống với điều kiện chỉ bán mang đi thông qua đặt hàng trực tuyến.
Còn tại Lâm Đồng, tỉnh này cũng cho mở lại quán cà phê, nhà hàng, khách sạn và tiệm hớt tóc, cho phép hoạt động du lịch nội tỉnh. Các TP như Nha Trang (Khánh Hòa) hay Thủ Dầu Một (Bình Dương), người dân cũng bắt đầu được ra đường, dù kèm theo những điều kiện phòng dịch nhưng sau những ngày dài “Ai ở đâu ở yên đó” thì đây đã là môt sự kiện.
Tại TP.HCM, nhiều hệ thống siêu thị đang tất bật chuẩn bị để đón khách và lãnh đạo, ban ngành TP ráo riết lên phương án xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau 15/9 cùng thông tin sẽ “hé cửa” tùy mức độ trong thời gian tới cũng dần rộ lên ít nhiều đem lại những hứng khởi cần thiết lúc này. Ngày 8/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên từng chia sẻ “”Mũi tiến công rất quan trọng là vắc xin, thuốc và ý thức. Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng tiếp tục trong điều kiện có niềm tin dẫn tới chiến thắng. TP.HCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại “bình thường mới”.
Có lẽ chưa đợt dịch nào mà cả người dân lẫn lãnh đạo TP.HCM lại mong chờ ngày “mở cửa” đến như vậy! Mở ra sao, mở thế nào, đi kèm với điều kiện gì…sẽ được cụ thể hóa trong ít ngày nữa nhưng đấy là tín hiệu mà trong lúc khó khăn thế này ai cũng mong mỏi. Với hơn 100 ngày đầy những mất mát đau thương cùng quá nhiều thiệt hại cả kinh tế lẫn tinh thần của hàng chục triệu người thì những tín hiệu như thế phần nào cũng làm dịu bớt những âu lo, sợ hãi.
100 ngày qua, hơn 13.000 người đã qua đời trên cả nước và riêng TP.HCM gần 11.000 đồng bào bị Covid cướp mất mạng sống. Hàng triệu gia đình bị xáo trộn, điêu đứng và biết bao mái ấm đã bị dịch bệnh xé nát. Cũng từng đó ngày, nhất là 1 tháng gần đây vất vả, cơ cực và vô vàn khó khăn đè nặng lên cả dân lẫn chính quyền ở TP sôi động nhất nước giờ đang nằm im chịu trận Covid tàn phá! Ai sinh sống và trụ lại TP.HCM trong những ngày ‘lịch sử này’, ngay tâm dịch kinh hoàng nhất này đã cảm nhận được những điều khủng khiếp mà có lẽ dư chấn sẽ khó phai ngày một ngày hai. Sống trong những ngày như vậy nên tôi rất mừng khi nhìn thấy những dấu hiệu cuộc sống bình thường đang dần trở lại.
Chắc chắn còn phải cân nhắc mọi bề, chuẩn bị nhiều thứ và đề ra nhiều kịch bản cho việc “mở cửa”. Sẽ cần thời gian, sẽ lại có những trở ngại và có thể không tránh khỏi lúng túng lẫn khó khăn bộn bề nhưng ít nhất thứ chúng ta chờ mong và cần có đang trở về. Những ngày qua vẫn còn đó con số chưa vui với 7000-8000 ca mắc mới mỗi ngày, số tử vong cũng giảm nhưng chưa đạt như mong muốn nhưng nếu vẫn sợ hãi, vẫn “đóng cửa” để rồi ngày càng chồng chất khó khăn thiếu thốn thì những ngày dài nhiều u ám khó có thể xua tan.
Chúng ta không lạc quan hão hay ảo tưởng vào những tuyên bố, hứa hẹn nhưng cũng đừng đến nỗi quá bi quan để chẳng thấy ra những tia sáng trước mặt. Thế giới đã nhận ra rằng với những biến chủng mới đầy nguy hiểm, khó lường thì việc vét sạch F0 là không thể. Giờ đây hàng loạt nước phát triển và những quốc gia ở Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore cũng đã bắt đầu hay có phương án rõ ràng để “Sống chung với Covid”. Việt Nam không thể là ngoại lệ, có lúc đi còn chuệch choạc nhưng rồi sẽ cùng chung con đường tất yếu. Mở cửa không chỉ giúp kinh tế phục hồi mà còn khiến cuộc sống người dân “dễ thở”, tinh thần thoải mái và sinh hoạt tiện lợi hơn.
Sống chung không có nghĩa là chịu thua hay đầu hàng mà tìm cách thích ứng với dịch bệnh môt cách ít thiệt hại nhất cho sức khỏe người dân và kinh tế nước nhà. Thời gian đầu, khi vắc xin chưa có, thuốc chưa xuất hiện, kinh nghiệm còn thiếu và trang thiết bị, hạ tầng y tế chưa thể đáp ứng chữa trị cho hàng ngàn ca nặng một lúc thì giãn cách để bớt lây lan, cầm cự để chờ vắc xin có thể không sai.
Nhưng giờ này, khi những điều kiện trên gần hội đủ, hàng triệu người dân đã và đang có “Thẻ xanh vắc xin” cùng ý thức 5K đã thành thói quen thì việc sống chung với Covid để vực dậy nền kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho số đông dân chúng là điều nên làm sớm. Lúc này đây, cùng với việc giữ gìn, cẩn trọng đừng để “thân bệnh” thì nghĩ về những ngày sáng sủa hơn giúp cho “tâm bệnh” đừng đến… luôn là thứ cần thiết với nhiều người.
Nguồn: vietnamnet