Báo New York Times thể hiện sự bàng hoàng qua các con số: “Đây là một tổn thất choáng váng: Gần 200.000 người thiệt mạng vì virus corona ở Mỹ, và gấp 5 lần con số đó – gần 1 triệu người – đã chết trên toàn thế giới”.

Mùa đông COVID kinh hoàng sắp xảy đến? - Ảnh 1.

Khu chôn cất dành cho người bệnh qua đời vì COVID-19 ở nghĩa trang Pondok Ranggon tại thủ đô Jakarta, Indonesia

Điều đáng sợ là cơn ác mộng vẫn chưa dừng lại, thậm chí còn xấu hơn theo mỗi ngày trôi qua. Không phải tự nhiên mà ông David Nabarro, đặc sứ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mô tả đại dịch COVID-19 là “kinh khủng” và “kỳ quái”.

“Nó tệ hơn nhiều so với bất cứ cuốn tiểu thuyết giả tưởng nào viết về bệnh dịch. Tình hình rất nghiêm trọng – chúng ta thậm chí còn chưa đi được nửa đoạn đường, chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu”, ông Nabarro nói trước Quốc hội Anh hồi tuần trước.

Tương lai bất định

“Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Không ai biết được. Con virus khiến chúng ta kinh ngạc về mọi mặt, và chúng ta có thể còn tiếp tục kinh ngạc”, bà Catherine Troisi – chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Texas, tỏ ra băn khoăn về khoảng thời gian sắp tới.

Ở Mỹ, những ổ dịch chết chóc đầu tiên ở vùng Đông bắc, phía Nam và bờ Tây vừa hạ nhiệt vào cuối tháng 7, nhưng đến tháng 9 số ca nhiễm bắt đầu tăng vọt trở lại trên toàn quốc.

Các nhà dịch tễ học rất lo lắng vì đây là thời điểm học sinh, sinh viên tựu trường, chưa kể cái lạnh cuối năm dồn mọi người vào trong nhà nhiều hơn so với mùa hè. Họ dự báo “một mùa đông COVID kinh hoàng” sắp đến.

Số người chết ở Mỹ hiện đã tương đương với dân số một thành phố nhỏ ở bang Ohio, hoặc gấp 2,5 lần số quân nhân Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên cộng lại. Cứ mỗi ngày trôi qua lại có thêm khoảng 800 người chết.

Đó là xu hướng chung. Trên thế giới, ít nhất 73 quốc gia đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt. Ví dụ ở Ấn Độ – quốc gia hơn tỉ dân – hơn 90.000 ca nhiễm mới được phát hiện mỗi ngày, bổ sung thêm 1 triệu ca chỉ trong vòng 3 tuần đầu tháng 9.

Mùa đông COVID kinh hoàng sắp xảy đến? - Ảnh 2.

Những ngôi mộ tập thể ở Brazil chôn người chết vì corona 

Ở châu Âu, lệnh phong toả giúp châu lục này vượt qua những tháng khủng hoảng mùa xuân, nhưng giờ thì tình hình chuyển biến còn xấu hơn trước, khi người dân bắt đầu phớt lờ dịch bệnh để quay lại nhịp sống bình thường.

“Chúng ta đang đối diện với một tình thế nghiêm trọng. Số ca nhiễm mỗi tuần hiện nay đã vượt quá quy mô khi đại dịch mới lên đỉnh lần đầu ở châu Âu hồi tháng 3”, ông Hans Kluge, giám đốc châu Âu của WHO, nhận định.

Trong khi đó, Israel – quốc gia với gần 1.200 người chết – đã quyết định phong toả toàn quốc lần hai hồi tuần trước. Họ nằm trong số những nước hiếm hoi dám làm điều này, vào lúc này – khi mà mọi nền kinh tế gần như đã kiệt quệ vì đợt phong toả đầu tiên.

Trên khắp Mỹ Latin, số người chết hiện đã vượt quá 310.000, 2/3 số này đến từ 2 quốc gia là Brazil và Mexico. Bác sĩ Carissa F. Etienne, giám đốc Tổ chức Y tế Pan American, cảnh báo mối đe doạ vẫn còn nguyên đó, không hề giảm chút nào.

“Mỹ Latin đã khôi phục gần như toàn bộ đời sống xã hội và cộng đồng, đúng vào lúc đại dịch COVID-19 cần phải can thiệp mạnh. Chúng ta cần hiểu là mở cửa trở lại quá sớm sẽ khiến con virus lây lan dễ dàng hơn, đặt tất cả dân số vào vòng nguy hiểm. Cứ nhìn châu Âu đi”, bà Etienne cảnh báo.

Mùa đông COVID kinh hoàng sắp xảy đến? - Ảnh 3.

Một lớp học trống vắng ở bang North Carolina, Mỹ 

Lịch sử đen đối có thể lặp lại

Bác sĩ Yvonne Maldonado, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Đại học Stanford, cảnh báo COVID-19 có thể diễn biến như dịch cúm Tây Ban Nha cách đây một thế kỷ.

Dịch cúm thời đó đánh vào nước Mỹ theo 3 đợt: Lần đầu vào mùa xuân năm 1918, lần hai vào mùa thu, và lần chót vào mùa đông – xuân năm 1919. Tổng cộng 675.000 người Mỹ thiệt mạng.

Trong những ngày cuối tháng 9-2020, các chuyên gia nhận xét nhiều yếu tố mới xuất hiện cộng dồn vào tính bất định của dịch bệnh. Thời tiết lạnh sẽ thử thách nguy cơ lây nhiễm trong các không gian kín, trong khi bệnh cúm mùa đe doạ kéo căng hệ thống chăm sóc y tế…

Ngoài ra, khả năng ngăn virus lây lan trong môi trường học đường, khi hàng triệu học sinh, sinh viên quay lại lớp vẫn còn là dấu hỏi.

Tiến sĩ William Haseltine, chủ tịch tổ chức ACCESS Health International, nhận định thế giới không thể trông chờ vào chiến lược miễn dịch cộng đồng vì nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là miễn dịch cộng đồng tự nhiên có thể không bao giờ đạt được do khả năng tái nhiễm NCoV đã được khoa học xác nhận.

“Virus corona ở người thường không tạo ra miễn dịch cộng đồng. Chúng đã gây bệnh cho chúng ta trong hàng chục năm qua – mỗi người ít nhất một lần trong đời. Trước đó khoa học chưa rõ SARS-CoV-2 có giống vậy không, nhưng câu trả lời đã có sau 2 ca tái nhiễm ở Hong Kong và Mỹ. Thắc mắc còn lại chỉ là tái nhiễm diễn ra thường xuyên đến cỡ nào?”, ông Haseltine nêu quan sát.

Cũng theo vị chuyên gia, nếu SARS-CoV-2 hoạt động theo mùa như các loại virus corona khác, ví dụ HCoV-NL63, con người sẽ không ngăn được nguy cơ đối với nhóm dân số dễ tổn thương – chỉ trừ khi chúng ta tìm ra được một loại vắcxin có thể bảo vệ tốt hơn hệ miễn dịch tự nhiên.

“Vì lợi ích tốt nhất, chúng ta cần thừa nhận nguy cơ tái nhiễm NCoV, thay vì níu kéo hi vọng về miễn dịch cộng đồng. Chỉ có vậy chúng ta mới có được những giải pháp y tế, khoa học cần thiết cho những tháng, những năm sắp tới”, tiến sĩ Haseltine chốt lại.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19đại dịchMỹvirus Corona

Các tin liên quan đến bài viết