Canh tác theo tiêu chuẩn VietGap nhưng hiện nay một số hộ trồng rau trên địa bàn thị xã Bình Long vẫn phải cạnh tranh với rau trôi nổi trên thị trường, thậm chí còn phải bán giá thấp hơn. Điều mong mỏi nhất của người nông dân hiện nay là đưa sản phẩm rau sạch ra thị trường rộng rãi, phục vụ nhu cầu của người dân với giá bán hợp lý.
Với kinh nghiệm trồng rau 25 năm, hơn 5 năm nay gia đình ông Lê Xuân Thăng, ngụ ấp Phú Long, xã Thanh Phú chuyển sang trồng rau theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGap. Vườn rau nhà ông có đủ loại như bồ ngót, rau cải, mồng tơi và các loại rau thơm… Theo ông Thăng, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap đòi hỏi nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt và ghi chép lại từng quy trình về thời gian xuống giống, sinh trưởng, phân bón, thuốc nên rất tốn thời gian…
Ông Thăng cho biết: “Khi mình làm sản phẩm rau sạch theo chuẩn VietGap thì đòi hỏi rau phải đẹp, không già quá hay non quá. Tuân thủ quy trình nghiêm ngặt nhưng giá đầu ra thấp và không ổn định. Nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cần có chính sách hỗ trợ để bán được sản phẩm giá cao hơn các loại rau trôi nổi thì mới đáp ứng được ngày công”.
Ông Nguyễn Văn Duyệt chăm sóc vườn rau của gia đình theo tiêu chuẩn VietGAP
Cũng canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGap, hộ ông Nguyễn Văn Duyệt, tổ 3, ấp Phú Long, xã Thanh Phú vẫn bán rau cho thương lái với giá bằng các loại rau trên thị trường. Theo ông, mỗi ngày gia đình bỏ mối cho thương lái từ 80-100kg. Nếu bán cho các siêu thị hay cửa hàng tiện ích thì giá từ 18.000-20.000 đồng/kg nhưng bán cho thương lái giá chỉ dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg. Như vậy rất thiệt thòi cho người nông dân đang theo hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn.
“Chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành tạo điều kiện giúp những người nông dân sản xuất rau sạch theo chuẩn VietGap có chỗ tiêu thụ sản phẩm nhằm quảng bá rộng rãi hơn về loại sản phẩm này. Từ đó, người dân có sự so sánh, lựa chọn các sản phẩm sạch để đảm bảo cuộc sống và nâng giá trị các loại rau sạch trên địa bàn thị xã” – ông Duyệt kiến nghị.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Bình Long có 8 hộ trồng rau đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap với diện tích khoảng 3 ha, chủ yếu tập trung tại xã Thanh Phú, với sản lượng khoảng 4,5 tấn/năm. Sản phẩm của các hộ trồng rau hiện nay chủ yếu bán cho thương lái, với giá phụ thuộc vào thị trường nên đầu ra không ổn định. Do vậy, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm này đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Bình Long Nguyễn Đăng Hoàn cho biết: Thời gian tới, để tìm đầu ra ổn định cho các hộ, các tổ hợp tác trồng rau, hướng đến là hợp tác xã trồng rau sạch, hội sẽ liên hệ với những nơi tiêu thụ số lượng lớn và ổn định như các siêu thị, bách hóa xanh. Từ đó, giúp các hộ yên tâm canh tác.
“UBND thị xã sẽ tập trung chỉ đạo các ngành tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp. Khuyến khích sản xuất các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương. Từ đó hình thành các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao”. |
Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Thị Hồng Vân |
Để giải bài toán đầu ra cho rau sạch nói riêng và các loại sản phẩm nông nghiệp sạch nói chung, bà Hoàng Thị Hồng Vân, Chủ tịch UBND thị xã Bình Long cho biết: Trong thời gian tới, UBND thị xã sẽ đề ra những chính sách để thu hút các doanh nghiệp về phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa bàn thị xã. Đồng thời, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, giúp sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn có chỗ đứng vững trên thị trường.
Với những khó khăn hiện nay, để sản phẩm nông nghiệp sạch có đầu ra ổn định thì cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và cơ quan chuyên môn các cấp làm cầu nối. Như vậy, nông sản sạch mới đến được các cửa hàng tiện ích, siêu thị… với mức giá tương xứng công đầu tư, chăm sóc. Từ đó, giúp người nông dân yên tâm canh tác, nhân rộng các mô hình nông nghiệp sạch, chất lượng, mang tính đặc trưng của địa phương.
Theo Báo Bình Phước