Nước lũ làm toàn bộ hoa màu xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế bị ngập úng. Trong ảnh là người dân ở thôn Giáp Kiền (xã Hương Toàn) phải dùng thuyền, ghe để đi lại vào sáng 15-12 |
Cùng thời điểm này, mưa vẫn tiếp tục lớn ở vùng đầu nguồn và ba hồ thủy điện và thủy lợi chính của tỉnh lượng nước xả về hạ du bằng với lượng nước đổ về hồ. Trong đó thủy điện Hương Điền xả khoảng 1.900m3/s, thủy điện Bình Điền xả khoảng 1.100m3/s và hồ thủy lợi Tả Trạch xả khoảng 700m3/s. Nước trên sông Hương tại TP Huế ở mức 2,8m, dưới báo động 3 0,7m, trên sông Bồ ở Hương Trà 4,5m, tương đương báo động 3, và trên sông Ô Lâu tại Phong Điền xấp xỉ 2m…
Người dân ở xã Quảng Thọ (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) cấp tập thu hoạch rau trồng để đem ra chợ bán vì sợ ngập úng vào chiều 14-12 |
Rất nhiều cụm dân cư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế ngập sâu trong nước với số lượng hàng ngàn hộ dân. Tại huyện Phú Lộc, nhiều cụm dân cư bị cô lập nhiều ngày liền do lũ, đến chiều 15-12, nhiều hộ dân cho biết đã sắp hết lương thực dự trữ. Tương tự tại TP Huế, hàng chục tuyến đường khu vực Thành nội có nơi ngập sâu đến gần 1m. Ngay cả các tuyến đường khu trung tâm TP Huế ở phía nam sông Hương như Đống Đa, Hùng Vương, Trần Quang Khải, Nguyễn Tri Phương, Dương Văn An… Nguyễn Huệ, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hải Triều, Bến Nghé… đều ngập rất sâu, nhiều nơi phải đi lại bằng… đò. Còn ở thị xã Hương Trà, ngoài ngập lụt, chia cắt, rất nhiều diện tích hoa màu của nông dân bị ngập úng, hàng trăm lồng cá nuôi trên sông có nguy cơ bị mất trắng do lũ dữ cuốn trôi.
Xe chết máy vì ngập nước trên đường Hùng Vương, trung tâm TP huế trong chiều 15-12 |
Ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên – Huế, cho rằng trận lụt này quá dị thường vì nó diễn ra quá muộn, muộn gần cả tháng so với mọi năm. “Thường năm, cao điểm chống lụt rơi vào ba tháng, 9, 10 và 11 dương lịch, nhưng năm nay tháng 12 trở thành tháng chống lụt chính. Rà soát trong chuỗi quan trắc của ngành khí tượng thủy văn thì chưa gặp tình huống như thế này, cho nên dẫn đến sự đảo lộn về nhiều mặt, từ kế hoạch sản xuất, vụ mùa cho đến sự điều hành của tỉnh. Đây có thể gọi là diễn biến thời tiết dị thường!” – ông Hùng nhận xét.Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng thường trực BCH PCTT và TKCN Thừa Thiên – Huế lượng mưa từ ngày 13 đến 15-12 rất to, phổ biến từ 230-470mm, một số nơi như trạm A Lưới 47mm, Tà Lương 503mm, Bình Thành 497mm. Dự báo đêm nay sẽ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to. Hiện tại thiệt hại có một người chết, 115ha hoa màu bị ngập hoàn toàn, hơn 1.420 nhà bị ngập, một số đoạn quốc lộ, tỉnh lộ cũng bị ngập.