Bệnh viện Lộc Ninh (tọa lạc xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) có kiến trúc nhà mái vòm độc đáo, là công trình y tế quy mô lớn của thế kỷ trước còn lại trên vùng đất đỏ bazan. Qua thời gian, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng nên rất cần được tôn tạo, trùng tu bảo tồn đưa vào sử dụng.
Bệnh viện cổ Lộc Ninh đã xuống cấp nghiêm trọng
Năm 1910, người Pháp trồng 100ha cao su tại Lộc Ninh, mở ra kỷ nguyên mới cho cây cao su trên vùng đất Bình Phước. Cùng với đó, Bệnh viện Lộc Tấn (nay là Bệnh viện Lộc Ninh) ra đời vào đầu thập niên 30 của thế kỷ 20 phục vụ khám chữa bệnh cho người làm việc trong các đồn điền cao su.
Bệnh viện xây dựng dựa triền dốc đồi từ cao xuống thấp với những khối bê tông hình vòm, nhấp nhô, phù hợp với cảnh quan đồi núi xung quanh. Thoạt trông bề ngoài, bệnh viện có vẻ thấp nhưng thoáng đãng với 3 dãy nhà, mỗi dãy 2 nhà dài được nối với nhau bằng các hành lang và phía cuối khuôn viên có suối lấy nước sinh hoạt. Bệnh viện Lộc Ninh được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 29-5-2012.
Mặc dù là “của hiếm” trên vùng đất Đông Nam bộ, nhưng do không được trùng tu nên cảnh quan hoang phế. Điểm dễ nhận thấy nhất là tấm biển chỉ dẫn cũ kỹ cùng hàng rào kẽm gai và dây chằng buộc chắp vá. Các mái vòm lở từng mảng, cột trụ hành lang bong tróc, trơ lõi sắt gỉ sét, nhiều cánh cửa không còn…
Theo người dân trong vùng, trước mắt cần phải trùng tu, tôn tạo để Bệnh viện Lộc Ninh kết hợp các di tích khác tạo nên các điểm tham quan du lịch – văn hóa đặc sắc. Ông Giang Văn Năng (ngụ xã Lộc Tấn) cho rằng: “Cần có phương án, kế hoạch tu bổ bệnh viện để phục vụ công tác giáo dục văn hóa – lịch sử cho thế hệ sau trong tổng thể cảnh quan về du lịch địa phương, phát huy tối đa giá trị của di tích”.
Khu di tích gần quốc lộ 13, cách cửa khẩu quốc tế Hoa Lư khoảng 10km và cách thị trấn Lộc Ninh hơn 2km, nằm trong quần thể di tích mang tầm quốc gia như: Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ở Tà Thiết, Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2… Do đó, sau khi được trùng tu, bệnh viện cổ vẫn có thể sử dụng làm trạm xá hay cơ sở giáo dục để di tích có thêm sức sống – phát triển tiếp nối cùng đời sống của cư dân địa phương theo hướng bền vững.