Các cuộc thi cấp quốc gia dính tai tiếng, người Việt liên tiếp đăng quang ở những cuộc thi quốc tế… không ai hay biết là những điều không đẹp của năm 2017.
Một điều rất là trăn trở là tại sao Việt Nam cứ mãi loay hoay vào Top 15, Top 10 nhưng ít khi nào được vào tới Top 5 để thi ứng xử ở các cuộc thi hoa hậu Grand Slam. Đơn giản là vì các cô trả lời bằng tiếng Việt còn không xong thì làm sao trả lời bằng tiếng Anh, và càng không đủ tự tin, can đảm để nói lên chính kiến của mình, vì sợ dư luận bàn tán.
Người viết
Lùm xùm hoa hậu trong nước
Năm 2017, chỉ có 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia được cấp phép là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Hoa hậu Đại dương, và cả 2 đều nhận được búa rìu dư luận.
Chạy theo thị hiếu, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm nay được làm theo dạng truyền hình thực tế, thay vì chú trọng để việc thay đổi những cô gái bình thường trở thành một nữ hoàng sắc đẹp như Hoa khôi Áo dài Việt Nam đã làm được thì dùng những chiêu trò đấu đá, vạch áo cho người xem lưng.
Chương trình có những nội dung lố lăng như: “đánh ghen” thanh lịch, bới móc đời tư hoặc quá khứ không hay của một vài thí sinh, thí sinh hoa hậu phải đi kêu gọi gửi tiền vào ngân hàng…
Nhiều trục trặc đã khiến cuộc thi dời ngày chung kết đến hai lần (từ tháng 8-2017 sang tháng 12-2017, và chốt lại là tháng 1-2018), nhưng đêm bán kết 4-11 diễn ra đúng ngày bão số 12 đổ vào Nha Trang và một loạt tỉnh miền Trung.
Tuy nhiên, những điều xui xẻo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng chưa phải là “tâm bão dư luận” nếu đem so với Hoa hậu Đại dương, khi chọn ra người đăng quang bị xem là không xứng đáng.
Chất lượng về hình thể lẫn nhan sắc của thí sinh bị đánh giá chưa cao, nếu không muốn nói là còn kém xinh hơn cả những cuộc thi cấp địa phương, khu vực.
Công tác tổ chức bị nhiều thí sinh tố là không chuyên nghiệp khi ban tổ chức không thể lo chu toàn những yêu cầu thiết yếu về nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại như đã cam kết từ trước.
Khán giả ngao ngán với những câu trả lời ngô nghê, bộc lộ rõ sự yếu kém về trình độ, nhận thức, kém bản lĩnh, thiếu tự tin của vài thí sinh lọt vào vòng trả lời ứng xử, trong đó có cô gái đăng quang ngôi vị cao nhất.
Khán giả có cái lý khi nghi ngờ kết quả được cơ cấu và dàn xếp lố lăng, khi nhan sắc của tân hoa hậu bị đem ra mổ xẻ và làm đề tài bàn tán xôn xao dư luận.
Người ta không khỏi bị sốc khi cô thừa nhận mình đã trải qua vài cuộc giải phẫu thẩm mỹ, vi phạm quy chế thi hoa hậu trong nước.
Thi như trò cười vẫn có người mua giải
Cách đây 10 năm, người ta nói đến việc loạn hoa hậu, loạn danh hiệu cũng chỉ là sự bộc phát, tràn lan của những cuộc thi hoa hậu kém chất lượng cấp tỉnh thành, hay khu vực nào đó trong nước.
Đến năm 2017, tình trạng “loạn hoa hậu” được nâng lên tầm… quốc tế, khi các đại diện nhan sắc Việt giành được khá nhiều danh hiệu ở nước ngoài, từ chính thống cho tới “ao làng”, từ quý cô cho đến quý bà, phụ nữ cũng như nam giới.
Trong 10 ngày, người Việt đã “gặt hái” 9 danh hiệu, từ hoa hậu, á hậu, nam vương, hoa khôi, người đẹp.
Ngoài những cuộc thi mang tính chất hữu nghị, du lịch, hay văn hóa thì cũng có những cuộc thi hoa hậu dù được gắn mác “quốc tế” và nhìn vào cách thức tổ chức thì biết ngay đó là những cuộc thi “ao tù nước đọng”.
Vậy mà nhiều người vẫn cố gắng tranh suất để đi thi như Hoa hậu Thế giới Tỏa sáng Quốc tế Thế giới (Miss Lumiere International World), Hoa hậu Nữ hoàng Quý tộc Quốc tế (Miss Noble Queen International), Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ Toàn cầu (Miss Perfect Global Beauty)…
Chưa kể những cuộc thi do ông bầu MC – một Việt kiều ở Mỹ – tổ chức có kèm theo không chỉ ca nhạc mà còn có cả tấu hài và ảo thuật, như một chương trình tạp kỹ, mà ai đăng quang ở đó ra đều trở thành tâm điểm ném đá hay trò cười cho thiên hạ nhưng vẫn có người hỏi mua giải hàng năm.
Cũng không chịu thua kém các chị em, đấng mày râu bây giờ cũng tự đứng ra tổ chức các cuộc thi nam vương, thu hút không chỉ những nam người mẫu, nhân vật hoạt động nghệ thuật, mà còn cả những doanh nhân, bác sĩ, giáo viên cũng tranh đua tài sắc.
Người đăng quang ở những cuộc thi này cũng gây sốc cho dư luận với những gương mặt rất nữ tính, thậm chí các quý ông trung niên đội vương miện không khác gì các quý bà, quý cô.
Đừng hỏi tại sao khán giả đặt nghi vấn: Thi hoa hậu để làm gì? Hoa hậu làm gì có ích cho xã hội? Tại sao có lắm cuộc thi và ý nghĩa là gì?
Ở những cuộc thi chính quy thuộc hệ thống Grand Slam (Miss World, Miss Universe, Miss Grand, Miss Supranational, và Miss International), nơi mà việc mua bán giải không phải là chuyện dễ dàng, thành tích nước ta vẫn cứ đi lên đều đều, chầm chậm.
Theo như đánh giá của chuyên trang sắc đẹp Global Beauties, thành tích của Việt Nam tại các 5 cuộc thi hoa hậu lớn nhất hành tinh năm 2017 là 4,4 điểm, do hoa hậu Đỗ Mỹ Linh (1,3 điểm, tham gia Hoa hậu Thế giới); á hậu Huyền My (2 điểm, tham gia Hoa hậu Hòa bình thế giới), và á hậu Biển – Khánh Phương (1,1 điểm, tham gia Hoa hậu Siêu quốc gia) đem lại.
Thành tích hiện tại của Việt Nam là hạng 27, thứ hạng cao nhất từ khi nước ta bắt đầu có thí sinh dự thi quốc tế liên tục từ năm 2002 đến nay, tăng 4 bậc so với năm 2016 (từ 31 lên 27).
Mặc dù trong những năm gần đây, việc lựa chọn đại diện Việt Nam để tham gia thi đấu quốc tế đã có nhiều cải thiện, dần dần đi theo quy luật chung của thế giới, những mặt hạn chế vẫn còn đó.
Sắc vóc, kỹ năng trình diễn, giao tiếp tiếng Anh của thí sinh đều đã có sự thay đổi tích cực trong vài năm trở lại đây.
Vậy tại sao thành tích của Việt Nam ngày càng bị các nước láng giềng Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Indonesia bỏ xa và chính họ đang dần nổi lên như những cường quốc hoa hậu mới của thế giới?
Nguyên nhân là từ chính cách lựa đại diện không nhất quán, không rõ ràng đâu là cuộc thi chính thức tuyển lựa thí sinh Việt Nam đi thi các cuộc thi lớn; và công tác chuẩn bị cập rập, thí sinh luôn trong tình trạng nước đến chân mới nhảy.
Điều quan trọng nhất chính là yếu tố con người và giáo dục. Chưa qua trường lớp đào tạo bài bản các kỹ năng nên từ trình độ nhận thức, cũng như tác phong thi đấu của các đại diện Việt Nam còn rất kém, thậm chí so với các thí sinh cùng chung khu vực.
Một phần là do văn hóa truyền thống làm cho người phụ nữ Việt Nam kém cởi mở, thụ động, thiếu tính tự lập, và chưa thể hòa nhập tốt được với các thí sinh khác, bị bỏ lại phía sau.
Ở những cuộc thi trong nước, các cô đã quen được hầu hạ và phục dịch đến tận răng (trang điểm, làm tóc, trang phục). Ra nước ngoài, không có những điều đó, đại diện Việt Nam cảm thấy bị lạc lõng.
Những kỹ năng “chiến đấu” đó là điều mà các cô hoa hậu Venezuela được đào tạo chuyên nghiệp có thể làm được chỉ trong 10-15 phút, thì các cô gái Việt Nam chỉ biết trông chờ người đến cứu mà thôi.
Nguồn: tuoitre.vn