Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Bình Phước đẩy mạnh đầu tư phát triển mô hình tổ hợp tác trồng rau an toàn. Điển hình có Tổ hợp tác trồng rau an toàn tại xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, mang lại hiệu quả và thu nhập ổn định cho nông dân.
Tham quan mô hình sản xuất rau an toàn của ông Lê Xuân Thăng (trái) |
Ông Lê Xuân Thăng – Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau xã Thanh Phú cho biết, trước đây đa số nông dân đều sản xuất theo phương pháp truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng. Ngoài ra, việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các nông hộ còn hạn chế, chỉ dừng lại ở mức trao đổi gia đình. Xuất phát từ khó khăn đó, năm 2014 Tổ hợp tác trồng rau an toàn được thành lập, đến nay đã có 9 thành viên tham gia với diện tích sản xuất rau gần 6ha.
“Hàng tháng Tổ hợp tác thường họp để thông báo tình hình sản xuất rau trong thời gian qua, hướng trồng rau thời gian tới, cùng bàn bạc, thảo luận tìm các loại giống rau thích hợp với thời tiết, mùa vụ” – ông Thăng nói.
Anh Nguyễn Văn Duyệt – thành viên Tổ hợp tác chia sẻ: “Khi tham gia vào Tổ hợp tác, chúng tôi phải sản xuất tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt về làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới, đặc biệt là thời gian cách ly giữa phun thuốc trừ sâu, bón phân với thời điểm thu hoạch và vệ sinh môi trường xung quanh vùng sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng cao. Chỉ với 0,5ha đất canh tác đã giúp cho gia đình tôi thu về 600.000 đồng/ngày, sau khi trừ chi phí”.
Nhờ tham gia vào Tổ hợp tác nên vườn rau của gia đình anh Nguyễn Văn Duyệt luôn đạt năng suất cao và thu nhập ổn định |
Cũng là thành viên Tổ hợp tác, ông Nguyễn Hữu Thọ nói: “Trước đây gia đình tôi cũng trồng rau nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi vào Tổ hợp tác, gia đình tôi được cung cấp giống dưa lưới chất lượng, nhất là được các anh em trong tổ chia sẻ kinh nghiệm trồng rau an toàn đạt năng suất cao. Nhờ đó, 6 sào dưa lưới được trồng trong nhà màng luôn đạt năng suất cao, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”.
Theo ông Thăng, tuy hiện vẫn còn khó khăn về đầu ra cho sản phẩm cũng như việc xây dựng thương hiệu, song các thành viên trong Tổ hợp tác luôn duy trì hoạt động hiệu quả, hàng ngày cung ứng cho thị trường hơn 500 kg rau các loại, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên.
Bà Trần Thu Lan – Chủ tịch hội Nông dân xã Thanh Phú, thị xã Bình Long cho biết, thời gian qua, tổ chức Hội đã phối hợp với trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật của thị xã thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật cũng như cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách chăm sóc rau an toàn. Từ đó, giúp nhiều hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, trong đó có các thành viên trong Tổ hợp tác trồng rau an toàn.
Mô hình hợp tác trồng rau an toàn xã Thanh Phú, thị xã Bình Long đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho nông dân. Ngoài đem lại nguồn thu nhập ổn định, các sản phẩm làm ra từ tổ hợp tác đã đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Nguồn khoahocthoidai.vn