Người ta không thể trao cho bạn bất cứ cái gì, bất cứ công cụ hay phương pháp nào nếu bạn không có khát khao giàu có. Và thực tế, khi một người không có khát khao giàu có, thì dù cơ hội ở ngay trước mắt họ, họ cũng không thể nhận ra.
Vậy như thế nào có thể gọi là khát khao giàu có?
Từng có nhiều người nói với tôi rằng họ muốn giàu có, rồi họ cũng đi tìm một số phương pháp và công thức làm giàu. Tuy nhiên, khi biết được phương pháp rồi, họ cũng chẳng buồn áp dụng hoặc nếu có thì cũng chỉ thực hiện một vài bước chẳng đâu vào đâu. Rồi khi mới đi một chặng đường ngắn, gặp vài vấp ngã họ liền bỏ cuộc, chấp nhận thất bại và cho rằng mình không thể làm giàu. Một số khác cố gắng hơn, kiên trì hơn, cũng vượt qua vài vấp ngã, song cuối cùng họ vẫn bỏ cuộc. Vì sao họ thất bại? Lý do không phải vì họ thiếu năng lực, thiếu thông minh mà đơn giản là vì họ đã từ bỏ quá sớm. Và xét cho cùng, lý do quan trọng và sâu xa hơn: Khát khao và Quyết tâm làm giàu của họ không đủ lớn.
Hãy cùng tôi xem lại lịch sử ra đời và phát triển của nhãn hiệu 7UP. Một anh chàng rất yêu soda đến mức đã nhảy vào kinh doanh sản phẩm gọi là 1UP. Thất bại. Anh bắt đầu lại với sản phẩm 2UP. Lại thất bại. Anh tiếp tục cho ra sản phẩm 3UP, 4UP, 5UP và dốc toàn lực cho sản phẩm này. Rồi anh lại thất bại. Không nản chí, anh tiếp tục với dòng sản phẩm 6UP. Vẫn thất bại. Vài năm sau, anh bắt đầu lại với sản phẩm soda và cho ra đời sản phẩm 7UP. Và lần này, sản phẩm của anh đã thành công vang dội và trở thành thương hiệu lớn trên toàn cầu.
Khát khao và quyết tâm của bạn có đủ lớn để vượt qua 6 lần thất bại như thế không?
Phong trào khởi nghiệp đang bùng nổ khắp nơi những năm gần đây. Chính phủ nói chúng ta phải khởi nghiệp. Quốc gia khởi nghiệp. Mở ti vi lên lúc nào tôi cũng thấy chương trình khởi nghiệp. Đài truyền hình VTV1 đến làm phóng sự về tôi cũng về chủ đề star-up. Khởi nghiệp, một từ ngữ hấp dẫn và mê hoặc đối với nhiều người. Nhiều người sau khi nghe những thông tin bên ngoài như vậy, rồi cũng vấp ngã lần 1, lần 2, lần 3 thì bắt đầu chán nản, mất hy vọng và bỏ cuộc. Họ chạy theo phong trào mà không hiểu rằng nếu chỉ làm vì hứng khởi nhất thời, không có động lực bên trong, không biết khát khao của mình là gì thì thành công sẽ không đến được với họ. Thành công trong kinh doanh cần hai yếu tố cơ bản: sự nhiệt tình và bền bỉ trong một thời gian dài. Và để duy trì sự nhiệt tình và bền bỉ lâu dài để thành công trong kinh doanh đòi hỏi phải có sự khao khát và ý chí từ bên trong.
Một lần, trong một cuộc trò chuyện với một người bạn trẻ đang rất khát khao làm giàu, tôi hỏi câu: “Em thử nghĩ nếu để giàu có, em dám làm một việc tệ đến mức nào?”. Cậu trả lời “Dù có phải liếm giày cho người khác để trở nên giàu, em cũng sẵn sàng”. Tôi ngạc nhiên khi nghe được câu trả lời rất khác thường đó, tôi cười hỏi “Ý em là sao?”. Cậu trả lời “Em có thể làm bất cứ việc gì, miễn là không phạm pháp, để trở nên giàu có”. Tôi không mong bạn hành động giống như cậu bạn trẻ này để thực hiện khát khao trở nên giàu có của mình. Tôi chỉ muốn bạn hiểu được thông điệp ở đây, tôi muốn bạn tự hỏi chính mình: “Tôi có sẵn sàng làm bất cứ việc gì, miễn là không phạm pháp, để trở nên giàu có không?”. Nếu câu trả lời là có, tôi mời bạn tiếp tục cùng tôi đi tiếp trên con đường chinh phục sự giàu có.
Để hiểu khát khao và động lực của bạn, đầu tiên phải xác định lý do tại sao bạn khát khao giàu có. Bạn đam mê gì, yêu gì và ghét gì trong cuộc sống?
Nelson Mandele vì căm ghét sự phân biệt chủng tộc mà dù bị nhốt 27 năm trong tù, ông vẫn kiên trì đấu tranh không mệt mỏi để loại bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc giữa người da trắng thiểu số và người da đen đa số tại Nam Phi. Anh Nguyên Vũ chủ chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên lúc trước, vì ghét sự nghèo khó mà cố gắng phấn đấu để làm giàu. Donal Trump yêu thích bất động sản và sự giàu có xa hoa, ông đã xây dựng một đế chế Trump hùng mạnh với nhiều khách sạn, sân golf và các công trình khác, rất nhiều trong số đó mang tên ông. Bill Gates vì tình yêu không thể tách rời với công nghệ và chiếc máy tính, đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.
Bản thân tôi yêu sự tự do, được tự do làm những gì mình muốn là hạnh phúc của cuộc đời tôi. Tôi yêu sự tự chủ và độc lập. Tôi cần được làm mọi thứ mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ ai. Tôi yêu gia đình tôi, mẹ tôi, vợ và các con tôi. Tôi thích ở nhà rộng và những chiếc xe đẹp. Tôi thích giúp đỡ mọi người.
Tôi ghét bị quản lý, bị buộc làm điều mình không muốn. Tôi ghét sự tủn mủn, hà tiện. Tôi ghét phải dấm dúi phong bì để chỉ nhận những dịch vụ tồi tệ. Tôi ghét việc không lo nổi cho mẹ tôi một cuộc sống đàng hoàng, tôi ghét việc không có tiền chữa bệnh cho mẹ tôi.
Vợ tôi yêu gia đình, yêu công việc kinh doanh và thích những thử thách. Cô thích đi du lịch vòng quanh thế giới, thích đồ hiệu, thích sử dụng những dịch vụ cao cấp, thích sự an toàn về tài chính, được đi mua sắm mà không bao giờ phải lo về tiền. Cô thích sở hữu và cho thuê lại bất động sản. Cô ghét cảnh gia đình vợ chồng cãi nhau vì tiền. Cô ghét cảnh đi tới đi lui trong siêu thị và cứ phải suy nghĩ mua gì, không mua gì. Cô ghét cái cảnh đến nhà họ hàng mà không được tôn trọng chỉ vì mình không có tiền.
Vậy bạn yêu gì và ghét gì? Dựa trên những yêu ghét đó, bạn sẽ tìm được lý do vì sao mình phải trở nên giàu có và hạnh phúc. Chính những cảm xúc yêu-ghét đó sẽ tạo động lực và khát khao cho bạn.
Động lực đó có thể vì chính bản thân hoặc vì những người bạn thương yêu, vì mong muốn mang đến cho họ cuộc sống đầy đủ, sung túc nhất. Khi bạn có người thân đang hấp hối trên giường bệnh mà bạn lại không có tiền để chữa trị, bạn sẽ thấy mình có thể làm bất cứ điều gì trên đời để có tiền. Một động lực như thế đã khiến tôi phải cố gắng, mỗi lần thất bại lại càng phải cố gắng hơn nữa. Đôi lúc tôi cũng nản chí, nhưng hình ảnh mẹ tôi đau đớn trên giường bệnh đã luôn là động lực đưa tôi quay lại để chiến đấu tiếp. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy động lực và khát khao lâu dài nhất đến từ chính niềm đam mê của bạn, cho chính bản thân bạn. Giống như tôi, về sau khi mẹ tôi đã khỏe lên nhiều, tôi đã tiếp tục hành trình bằng chính niềm khát khao và những đam mê của riêng tôi.
Và hãy tìm ra khát khao và động lực “trở nên giàu có” của mình thật sớm, càng sớm càng tốt. Vì khi càng lớn tuổi, bạn càng bị vòng quay cơm áo gạo tiền hằng ngày vây chặt, rồi bạn sẽ dần quên đi rằng mình cũng từng có những đam mê và khát khao to lớn.
Nhiều người bạn của tôi, lúc còn đi học luôn đứng đầu lớp, nhưng hiện tại tài chính lại không được như ý. Không phải họ kém cỏi, mà vì giây phút khi họ mới bước ra cuộc đời, họ đã hài lòng và thỏa hiệp. Họ đánh mất đam mê và cả những cảm xúc yêu-ghét một cái gì đó. Theo thời gian, mọi thứ bị bào mòn, họ không còn động lực mạnh mẽ để phát triển. Họ không học thêm những điều mới, không tạo ra được sự khác biệt với những người khác. Và rồi họ dừng lại, không còn phấn đấu nữa, mà chỉ còn cố gắng làm sao kiếm tiền chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Ước mơ thành thứ xa xôi hão huyền trong cuộc sống của họ. Cho đến khi cuộc sống ập xuống họ những rủi ro, như mất sức lao động, thất nghiệp, bệnh tật, gia đình đỗ vỡ vì thiếu thốn tiền bạc… họ mới thức tỉnh, nhưng lúc đó đã quá muộn màng. Tuổi trẻ của họ đã qua đi và năng lực ngày càng thui chột, họ không còn làm được nhiều thứ nữa. Họ đành cố gắng kéo lê sự tồn tại cho qua ngày, vì ngay cả cuộc sống hàng ngày còn không lo nổi, nói gì đến những ước mơ. Tóm tại, khi họ tràn trề năng lượng, có nhiều nguồn lực thuận lợi nhất thì họ lại không có khát khao. Khi họ bắt đầu có khát khao thay đổi thì họ lại không còn thời gian để vấp ngã, không còn tuổi trẻ, đã mất vị trí và nguồn lực thuận lợi để hỗ trợ hành động.
Vì vậy, tôi muốn nhắc lại, hãy tìm kiếm khát khao và động lực của mình càng sớm càng tốt. Hơn nữa, lý do càng lớn, con đường càng rõ ràng. Lý do nhỏ thì con đường nào cũng khó cả. Bán hàng khó, làm kinh doanh khó, làm công nghệ khó, kinh doanh bất động sản cũng khó.
(Trích từ sách “Dám làm giàu” của tác giả Phạm Tuấn Sơn)/Khoahocthoidai.vn