Một khối tài sản hàng triệu tỷ đồng đang nằm trong những “hộp đen” cần phải được công khai, minh bạch, chịu sự soi rọi của xã hội, sự giám sát của thị trường, công chúng, báo chí.

Theo chương trình, thứ 2 ngày 28/5, Quốc hội thảo luận báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016. Xung quanh vấn đề này, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Đức Lam.

Một doanh nghiệp tư nhân mua DNNN nằm trên mảnh đất vàng, có giá trị vô hình, với giá bị “dìm” xuống ở mức rẻ mạt. Đây chỉ là một trường hợp điển hình cho những lùm xùm, bất cập trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cho thấy những vấn đề mấu chốt của lĩnh vực này, từ những chuyện kỹ thuật như định giá doanh nghiệp, giá trị thương hiệu, giá trị vô hình, chọn nhà đầu tư chiến lược; chuyện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, cho đến những vấn đề về quan niệm, tư duy…

Những cái mất đi

Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã trở nên “nổi tiếng” với nhiều vấn đề ở tất cả các khâu: Mục đích của cổ phần hóa dường như chỉ bán cổ phần thu tiền; chọn một đối tượng chiến lược không phù hợp; định giá doanh nghiệp quá thấp, trong đó có vấn đề về giá trị quyền sử dụng đất; giá trị thương hiệu bằng 0 chỉ vì nhiều năm trước đó không chi cho quảng bá hình ảnh; lợi ích của người lao động, các nghệ sỹ không được quan tâm, không được hỏi ý kiến; tiến trình CPH không minh bạch, không đúng quy định v.v… Nhưng tại sao người ta vẫn làm được, điều gì đã bị bỏ qua, và tại sao hiện giờ lại khó xử lý?


Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam gây nhiều ầm ĩ. Ảnh: VietNamNet

Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam gây nhiều ầm ĩ. Ảnh: VietNamNet

Trong nhiều trường hợp tương tự như vậy, vốn, tài sản nhà nước (thực ra là tài sản quốc gia) đã bị thất thoát, chảy vào túi của một nhóm người, mà không phải vào ngân khố quốc gia. Không chỉ là tiền, đó còn là giá trị từ đất đai ngày càng khan hiếm; giá trị thương hiệu; sở hữu trí tuệ; tiềm năng phát triển, và những yếu tố vô hình khác. Không những thế, đó còn là chi phí cơ hội – phí tổn mất đi do không làm được thứ tốt nhất; đối chiếu, so sánh với những thứ tốt nhất có thể mang lại.

Chẳng hạn như Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn trong đợt IPO đầu năm 2018 đã bán được số lượng cổ phần lớn, với giá gấp rưỡi giá khởi điểm, được nhiều người cho là thành công. Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia đặt câu hỏi, liệu có thể thành công hơn không, khi tính cả giá trị do hàng km bờ biển nằm dọc theo chiều dài của công ty; tính cả giá trị thực tế và tiềm năng nhờ vị thế độc tôn cả đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp trên thị trường.

Đó là nhìn vào từng DNNN, còn nếu nhìn tổng thể một cách sâu hơn, có thể có những phát hiện thú vị đằng sau các con số. Ví dụ, theo thống kê chính thức, đến năm 2017, đã cổ phần hóa được 96,5% số DNNN, thế nhưng tổng số vốn CPH chỉ được 8%. Còn lại, 7 tập đoàn kinh tế chiếm 63% số vốn, 76 tổng công ty nhà nước chiếm 28%.

Có nghĩa CPH thời gian qua mới chỉ về hình thức, còn thực chất vẫn chưa thu hút được nhiều vốn, nhân lực, công nghệ mới. Để không bỏ sót tài sản quốc gia, cần lưu ý soi xét, giám sát việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại những doanh nghiệp không nằm trong diện định nghĩa chính thức là “doanh nghiệp nhà nước”, các doanh nghiệp sau khi CPH không còn là DNNN nhưng vốn và tài sản nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Hai hiện tượng “ba trong một” và những “hộp đen”

Trong vận hành DNNN ở Việt Nam hiện nay đang có hai hiện tượng “ba trong một”: cơ quan nhà nước vừa quản l‎ý Nhà nước, vừa đại diện chủ sở hữu, đồng thời quản lý kinh doanh; có chức năng vừa hoạch định chính sách, vừa điều tiết, vừa chủ quản.

Bên cạnh đó, trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DNNN, đang tồn tại một chuỗi ủy quyền dài dằng dặc: người dân > cơ quan dân cử > cơ quan hành pháp, hành chính > HĐQT của DNNN > giám đốc DNNN. Trong chuỗi ủy quyền này, toàn dân Việt Nam – chủ sở hữu đích thực lại là người ít có thông tin nhất, cách xa “diệu vợi” với khối tài sản khổng lồ nằm trong DNNN.

Trong khi đó, những nhân vật quyền lực như giám đốc DNNN nắm nhiều quyền, nhiều thông tin như hồ sơ CPH, định giá DNNN, lựa chọn nhà đầu tư “cánh hẩu”, thao túng giá để sau đó nếu không bán được hết thì tự mình mua lại.

Những điều trên đây tạo ra hiện tượng “hộp đen” trong quản lý, sử dụng khối tài sản quốc gia nằm trong DNNN, khi mà người chủ sở hữu hầu như không biết được tài sản, tiền đi đâu, về đâu. Nó cũng làm suy giảm động lực của DNNN phục vụ lợi ích tốt nhất của doanh nghiệp và người dân, thay vào đó là trục lợi cá nhân. Lãnh đạo DNNN không phải là chủ sở hữu thực sự, không sợ bị trừng phạt bởi khả năng bị thâu tóm hay phá sản – tức là không phải chịu kỷ luật của thị trường. Việc ra quyết định dựa trên các tiêu chí không phải là lợi ích tốt nhất của doanh nghiệp và người dân – người sở hữu tối thượng của doanh nghiệp.

Để giảm thiểu rủi ro thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, sự công khai, minh bạch có vai trò mấu chốt. Công khai, minh bạch phải chi tiết, ví dụ như phải công bố phụ lục danh mục các khoản chi tiêu kèm theo; thời hạn cụ thể. DNNN phải công bố thông tin cần thiết (báo cáo tài chính có kiểm toán, báo cáo hợp nhất, báo cáo riêng lẻ, báo cáo quản trị….) để thị trường và toàn xã hội giám sát thường xuyên.

Khi đó, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ có thông tin đầy đủ, cập nhật để định giá DNNN một cách chính xác, hiệu quả nhất với chi phí tốt nhất, thay vì tình trạng thiếu minh bạch tạo kẽ hở cho việc bán doanh nghiệp dưới giá trị thật hoặc không cổ phần hóa thành công vì không thu hút được nhà đầu tư tiềm năng; giảm thiểu tình trạng dàn xếp chỉ định thầu tư vấn, tình trạng đấu giá dàn xếp thiếu cạnh tranh.

Việc xây dựng một cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tập trung có vị thế độc lập, có năng lực kỹ trị, chuyên môn sâu, tách bạch chức năng quản lý điều tiết hành chính và chức năng quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh doanh sẽ giúp cho việc giám sát, quản lý việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả hơn, trách nhiệm giải trình tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay quan điểm, ý kiến về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang rất khác nhau. Cơ quan này cần theo mô hình nào: Công ty quản lý vốn, hay cơ quan quản lý hành chính?

Nếu theo mô hình cơ quan quản lý hành chính sẽ thêm một tầng nấc quản lý, chồng chéo với các cơ quan hiện nay gồm có các bộ, UBND các tỉnh, không rõ phân định trách nhiệm, quyền hạn như thế nào. Đồng thời, quyền lực của Ủy ban rất lớn, nắm giữ khối tài sản khổng lồ 5 triệu tỷ VND, khoảng 230 tỷ USD, tức là bằng GDP hàng năm của Việt Nam. Trong khi đó, năng lực nhân sự, chuẩn mực quản trị hiện nay không đáp ứng yêu cầu, và đặc biệt không rõ cơ chế kiểm soát, giám sát cơ quan này như thế nào. Tất cả những điều này gây ra sự lo ngại về khả năng vận hành hiệu quả của Ủy ban trong thời gian tới.


Những nhân vật quyền lực như giám đốc DNNN nắm nhiều quyền, nhiều thông tin. Ảnh minh họa

Những nhân vật quyền lực như giám đốc DNNN nắm nhiều quyền, nhiều thông tin. Ảnh minh họa

Nhà nước nên bỏ vốn vào đâu?

Nhìn vào khối DNNN, nhiều người không khỏi đặt câu hỏi: Nhà nước có cần đầu tư vào những lĩnh vực như bia rượu, thuốc lá, thủy sản, hay dành đất cho tư nhân? Trả lời câu hỏi này, có một nguyên lý kinh tế căn bản mà ngay cả nhiều người ngoại đạo đều biết. ‎Đó là: Nhà nước chỉ nên can thiệp để sửa chữa thất bại thị trường nhằm tăng cường hiệu quả hay phân phối lại để đảm bảo công bằng.

Thất bại thị trường xảy ra khi có độc quyền tự nhiên; ảnh hưởng ngoại lai; khi phải cung cấp dịch vụ và hàng hóa công cộng như an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường; khi có rào cản thông tin, không có đủ thông tin cho các bên; khi có bất ổn định như suy thoái; khi cần lấp khoảng cách giàu nghèo. Điều đó có nghĩa là nếu không chỉ ra được bằng chứng là thị trường thất bại trong một lĩnh vực thì tốt nhất không nên để Nhà nước can thiệp vào lĩnh vực đó.

Khi đã thông về tư duy, đối chiếu với nguyên lý này, có thể loại ra nhiều lĩnh vực Nhà nước không nhất thiết phải bỏ vốn, tài sản đầu tư kinh doanh, cũng có nghĩa giảm gánh nặng chi phí, quản l‎ý, giảm rủi ro thất thoát, tham nhũng, lạm dụng quyền lực. Những DNNN không cần nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn phải được cổ phần hóa và chuyển sở hữu cho khu vực tư nhân, các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài có năng lực quản trị điều hành tốt hơn.

Mặt khác, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư thắc mắc, CPH khác gì tư nhân hóa? Đằng sau từ ngữ này, ẩn giấu một rào cản về tư duy: có sự e ngại rằng, nếu dùng tư nhân hóa thì không thể hiện được vai trò nòng cốt của DNNN và chủ đạo của KTNN. Thế nhưng, vì chỉ nghĩ đến từ cổ phần hóa, cho nên dường như người ta chỉ lo làm sao bán được cổ phần, thu tiền về.

Trong khi đó, như đã nói, đây là quá trình chuyển giao hình thức sở hữu để đạt nhiều mục tiêu: vừa giảm gánh nặng của Nhà nước ở những nơi không cần can thiệp, đồng thời thu hút vốn, nhân lực, mô hình quản trị mới, công nghệ mới. Không những thế, nhiều DNNN bên cạnh việc kinh doanh còn phải gánh vai trò công cụ ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một vướng mắc khác về mặt tư duy trong ứng xử với DNNN, khiến cho bản thân DNNN lúng túng trong hoạt động, cái cớ để trốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn trong việc giám sát từ bên ngoài.

Một khối tài sản hàng triệu tỷ đồng đang nằm trong những “hộp đen” cần phải được công khai, minh bạch, chịu sự soi rọi của xã hội, sự giám sát của thị trường, công chúng, báo chí.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo giám sát chuyên đề về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN. Quốc hội, HĐND với vai trò giám sát, lập pháp có thể làm được nhiều việc để làm sao tài sản khổng lồ của quốc gia được dùng vào đúng việc, đúng cách. Trong đó, bên cạnh những giải pháp mang tính kỹ thuật, chuyên môn, trước hết cần thông suốt về tư duy, quan niệm.

Theo Dân Trí

Từ khóa : cổ phần hóa DNNNDoanh nghiệp tư nhântài sản nhà nước

Các tin liên quan đến bài viết