Chị T., chủ sạp đồ ăn ở chợ Bến Thành: “Doanh thu rất thấp, hôm nào may lãi 300.000 đồng”. Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành: “500 sạp hoạt động, bằng gần 1/3 quy mô chợ”. Bà Thơm – chợ An Đông: “Hiện sức mua bằng 1/10 trước đây”…

Hàng loạt tiểu thương chợ sỉ lẫn chợ lẻ ở TP.HCM đóng sạp, vì sao? - Ảnh 1.

Hàng loạt tiểu thương tại các chợ sỉ đến chợ lẻ ở TP.HCM đóng cửa, sang sạp… báo hiệu sự suy giảm của mô hình chợ truyền thống.

Dù các hoạt động kinh tế – xã hội đã trở lại nhưng tình trạng buôn bán tại nhiều chợ như Bà Chiểu, Bến Thành, An Đông… vẫn ế ẩm. Nhiều tiểu thương vẫn tiếp tục treo biển sang nhượng, cho thuê sạp.

Bỏ sạp hàng loạt vì thua lỗ

Bà Nguyễn Thị Thơm – tiểu thương tại chợ An Đông (Q.5) – sau hơn một năm nghỉ vì dịch bệnh và vắng khách, gần đây mới mở bán trở lại nhưng với tình hình bán buôn ế ẩm, có khả năng bà phải nghỉ tiếp.

Theo bà Thơm, mặt hàng quần áo chủ yếu bán sỉ cho khách ở tỉnh nhưng hiện tại sức mua chỉ bằng 1/10 lúc ổn định trước dịch, nhiều tiểu thương chỉ bán nửa ngày là đóng sạp. Trong khi đó, các chi phí vẫn giữ nguyên nên nhiều người không gồng gánh nổi.

“Tiền phí gần 1 triệu đồng, tiền thuế khoảng 4 triệu, tiền thuê nhân công 7 triệu, tổng cộng mỗi tháng tiêu tốn cố định 12 triệu đồng, và đây khả năng cũng là số tiền tôi thua lỗ mỗi tháng”, bà Thơm nhẩm tính.

Cũng như bà Thơm, bà Hạnh – tiểu thương tại đây – cho biết số lượng sạp hoạt động lại đã bằng 60% trong tổng số 2.300 sạp. Tuy nhiên, buôn bán không khởi sắc vì chỉ từ lỗ đến huề vốn, coi như bỏ công.

“Do lớn tuổi và dịch cũng ổn rồi nên nhiều tiểu thương không ra bán thì không biết làm gì, đành “cố đấm ăn xôi”. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ thuế, phí, được phần nào hay phần đó để tiểu thương vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Hạnh nói.

Trong khi đó, theo bà Ngô Thị Hoa – tiểu thương kinh doanh vải tại chợ Bến Thành (Q.1), cho biết phần lớn khách mua vải với số lượng lớn là du khách châu Á. Do lượng khách quá ít nên sức mua giảm đến 70% so với lúc ổn định.

“Doanh thu mỗi ngày chỉ đủ để trả thuế, phí và tiền nhân công, thậm chí có lúc lỗ. Chúng tôi được hỗ trợ 3 triệu đồng hồi giữa năm ngoái và từ đó đến nay không có thêm hỗ trợ nào”, bà Hoa cho biết.

Chị T., một chủ sạp đồ ăn tại chợ Bến Thành, tâm sự hiện doanh thu rất thấp, ngày nào biết ngày đó, hôm nào may mắn thì lãi được 300.000 đồng. Một sạp tại chợ Bến Thành như chị T. trung bình chịu 4 triệu đồng tiền thuế phí mặt bằng, phí giữ sạp, vệ sinh, điện, máy lạnh, bảo vệ… Với các quầy có vị trí đẹp phía mặt tiền, cửa chợ thì rơi vào 6 triệu đồng. Trường hợp thuê lại sạp của người khác để kinh doanh có thể hơn 10 triệu, chưa kể tiền thuê nhân viên.

Chỉ sang quầy bên cạnh đang treo biển “sang sạp”, chị T. cho hay trước là của cô chị nhưng vì không bán được hàng nên đã sang sạp đổi việc. “Dịch giã làm ăn khó nên nhiều tiểu thương đành phải tìm cách khác kiếm kế sinh nhai”, chị T. cho biết.

Khó khăn chung

Ông Ngô Văn Hà – trưởng ban quản lý chợ Bến Thành – cho biết dù số lượng người bán đang tăng dần nhưng số sạp hoạt động chỉ khoảng 500 sạp, mới đạt gần 1/3 quy mô chợ.

Do hơn 80% khách đến chợ là khách du lịch, trong đó người nước ngoài chi tiêu mạnh nên kinh doanh của tiểu thương gặp khó vì dịch bệnh. Ngoài ra, việc lô cốt dựng nhiều ở các con đường xung quanh chợ kéo dài do xây dựng tuyến metro cũng góp phần khiến khách ngại vào chợ.

“Chúng tôi đã và đang kết nối với các đơn vị, cơ quan quản lý và hoạt động du lịch để tăng cường nguồn khách cho chợ. Ngoài ra, đơn vị mong cơ quan chức năng sớm tháo dỡ các lô cốt. Các chính sách hỗ trợ hiện nay nếu có chủ yếu theo chủ trương chung của chính quyền và cần thời gian, còn chợ chỉ quản lý và thực hiện công tác thu hộ chi hộ là chính”, ông Hà thông tin.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-4, bà Đào Thị Ánh Tuyết – phó trưởng Phòng kinh tế quận 5 – cho hay chợ An Đông vắng chủ yếu do khách hàng mua qua kênh online và khách du lịch giảm. Ngoài ra, hiện nay rất nhiều thương nhân tại chợ sang sạp với giá cao nên càng gặp khó khăn.

“Quận đã ghi nhận khó khăn của tiểu thương và đây cũng là khó khăn chung của nhiều chợ trên địa bàn TP. Tuy nhiên, quận không có nguồn riêng để chi mà phải thực hiện theo chủ trương chung của TP”, bà Tuyết thông tin.

Hàng loạt tiểu thương chợ sỉ lẫn chợ lẻ ở TP.HCM đóng sạp, vì sao? - Ảnh 2.

Nhiều sạp tại chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) dán bảng sang sạp hoặc cho thuê 

Chợ truyền thống cần thay đổi

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, giám đốc Công ty SLDT, người có hơn 5 năm làm việc và đào tạo cho trên 3.000 lượt tiểu thương tại TP.HCM, cho biết nguyên nhân khiến tiểu thương bỏ sạp là do dịch bệnh nhưng cũng còn do tiểu thương không bắt kịp xu hướng mua hàng qua mạng. Ngoài ra, tiểu thương còn khó có thể cạnh tranh được với những hàng rong ven đường, ven chợ và các siêu thị lớn bởi thiếu sự tiện lợi và cạnh tranh về giá.

Theo bà Nương, COVID-19 khiến các hộ kinh doanh tại nhà, hàng rong mọc lên như nấm, những hàng rong này có địa điểm thuận tiện cho việc mua bán. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị ngày càng nhiều cùng sự hiện đại hóa, thuận tiện cũng hút khách từ chợ truyền thống.

“Trước kia chỉ có một vài chuỗi siêu thị thì nay có hàng chục chuỗi và cửa hàng bán lẻ. Siêu thị ngày càng mở rộng, hiện đại, đa dạng hàng hóa, thuận tiện, chi phí rõ ràng, cơ sở vật chất tốt, phục vụ tận tình nên hút khách hơn. Trong khi đó, vào chợ rất bất tiện vì phải gửi xe này nọ, nóng nực, phải trả giá mệt mỏi”, bà Nương phân tích.

Theo bà Nương, chợ truyền thống hiện tại chưa có sự đột phá, cùng lắm thỉnh thoảng có vài chương trình “bình ổn giá”, không đủ sức hút, thậm chí còn gắn liền với một số hình ảnh xấu như chặt chém, móc túi.

“Để có thể phục hồi và phát triển lâu dài, để tiểu thương quay trở lại, ngoài những gói hỗ trợ của Nhà nước cần tổ chức những khóa đào tạo về pháp luật, đặc biệt về công nghệ cho tiểu thương. Bởi vì với người trẻ thì điều này rất dễ nhưng tiểu thương trong chợ phần đông là những người đã có tuổi”, bà Nương chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế, cho biết buôn bán trong chợ sẽ phải chịu rất nhiều loại thuế phí như thuế sạp, thuế vệ sinh, điện nước, mặt bằng… Chỉ nên coi COVID-19 như một chất xúc tác thổi bùng một văn hóa mới trong mua sắm. Cần phải hiện đại hóa chợ truyền thống, nếu không sẽ rất khó để phục hồi, phát triển.

“Cần chuyển đổi công năng, phải chuyên nghiệp hóa chợ truyền thống, từ chỗ gửi xe tới chỗ đi vào chợ. Cần cải tiến giống như các siêu thị, làm sao chợ cũng mát mẻ, tiện lợi, bán hàng văn minh…”, ông Dũng đề nghị.

Chưa có thêm kế hoạch hỗ trợ tiểu thương

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-4, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết sau đợt dịch COVID-19 phương thức mua sắm online dần phổ biến, thu nhập của người dân giảm, hàng rong và chợ tự phát hoạt động rầm rộ là những lý do chính khiến chợ truyền thống rơi vào cảnh vắng khách.

Sở Công thương đã có văn bản gửi UBND TP và các địa phương về việc xử lý chợ tự phát. “Đối với chính sách hỗ trợ, sau quyết định hỗ trợ của TP từ năm ngoái thì đến nay chưa có thêm các chính sách hỗ trợ cho tiểu thương. Sở Công thương đã ghi nhận những khó khăn của tiểu thương và sẽ xem xét có thêm kiến nghị tháo gỡ”, vị này cho biết.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chợ Bà Chiểuchợ Bến thànhChợ sỉchợ truyền thốngtiểu thương

Các tin liên quan đến bài viết