Mức phạt thấp là một trong nhiều nguyên nhân lớn khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan ở khu vực Đông Nam Á ngày càng lên mức báo động.

Hàng giả bung lụa vì xử lý quá nhẹ tay - Ảnh 1.

Hàng triệu đĩa CD lậu sắp tiêu hủy ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia 

Ông Piotr Stryszowski, nhà kinh tế học cao cấp của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), mới đây đánh giá tình trạng làm giả hàng hóa ở Đông Nam Á hiện lên mức báo động, gây thiệt hại lớn về các khoản thu cho chính phủ các nước trong khu vực.

Nhận định trên được đưa ra bên lề hội nghị Thương mại bất hợp pháp toàn cầu (GIT) được tổ chức bởi diễn đàn Economist Events mới đây, theo báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 2-4.

Doanh thu gấp 2 lần Apple

Ông Stryszowsk, người nghiên cứu vấn đề này trong 10 năm qua, cho biết không chỉ quy mô mà phạm vi làm giả, làm nhái hàng hóa ở Đông Nam Á cũng ngày càng báo động. Các nhãn hiệu nổi tiếng từng thu hút những người làm giả, nhưng giờ bất kỳ sản phẩm nào có logo cũng có khả năng trở thành mục tiêu.

“Ngày nay, các hàng giả, hàng nhái có thể xuất hiện rộng khắp từ các sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng, đồ phụ tùng, pin sạc dự phòng cho tới những mặt hàng tiêu dùng thông thường như kem đánh răng, mỹ phẩm và thực phẩm” – ông Stryszowsk bình luận.

Nhà kinh tế học cho biết nếu tung ra thị trường một sản phẩm nào đó mà người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để mua vì nhãn hiệu của nó hay các lý do khác như độ an toàn và chất lượng, những người làm giả hàng hóa sẽ nhắm vào sản phẩm này ngay.

Trong một báo cáo hồi năm 2013, OECD ước tính các hàng giả, hàng nhái được bán ra với tổng trị giá 461 tỉ USD, chiếm tới 2,5% trong tổng giá trị thương mại toàn cầu.

“Nó có nghĩa nhiều gấp hai lần doanh thu thường niên của tập đoàn Apple và con số này đang tăng lên. Điều đáng lo là phạm vi làm giả cũng mở rộng” – ông Stryszowsk so sánh. Được biết, doanh thu năm 2017 của Apple đạt 229,2 tỉ USD.

Báo cáo của OECD thời điểm đó cũng cảnh báo rằng tình trạng làm giả, làm nhái hàng hóa là một mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng, kìm hãm sự phát triển kinh tế.

“Làm giả hàng hóa là một hoạt động trái phép, đồng nghĩa thu nhập thuế của chính phủ sẽ bị mất mát. Thay vào đó, số tiền này đã được chuyển vào túi của các nhóm tội phạm có tổ chức” – nhà kinh tế học Stryszowsk nhận định.

Hàng giả bung lụa vì xử lý quá nhẹ tay - Ảnh 2.

Ở Thái Lan, nhiều chiếc đồng hồ mang tiếng là hàng hiệu nhưng lại có mức giá rẻ bèo 

Giải pháp nằm ở đâu?

Việc buôn bán tràn lan hàng giả, hàng nhái không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế, mà còn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của người tiêu dùng vì các hàng hóa thế này được sản xuất mà không dựa trên các chỉ tiêu đánh giá chất lượng.

Ông Stryszowski cũng nhấn mạnh rằng châu Á luôn được xem là địa điểm hàng đầu nơi hàng giả được sản xuất và buôn bán. “Điều này đơn giản là vì mức độ sản xuất cao của khu vực. Thêm vào đó, có rất nhiều cảng lớn ở châu Á. Một số cảng đã bị lạm dụng làm nơi trung chuyển hàng giả” – ông Stryszowski chỉ rõ.

Đối với những người làm giả, vấn đề họ quan tâm nhất là tiền. Họ không quan tâm liệu đó là châu Á, châu Phi hay châu Mỹ. Những người làm giả không biết biên giới”

Ông Piotr Stryszowski, nhà kinh tế học cao cấp của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)

Tình trạng này cũng là một “thảm họa” đối với các nước đang phát triển tìm cách trở thành trung tâm công nghiệp nơi óc sáng tạo luôn cần thiết.

“Làm giả là một quá trình ăn cắp công nghệ. Bạn bỏ nhiều nỗ lực để suy nghĩ, sáng tạo và sản xuất cái gì đó. Sau đó, những nỗ lực này của bạn lại bị người khác ăn cắp” – ông Stryszowski lên án.

Theo nhà kinh tế học, nguyên nhân chính khiến việc sản xuất tràn lan hàng giả, hàng nhái là do các quốc gia chưa mạnh tay trong việc xử phạt.

“Không như việc sản xuất và buôn bán ma túy, mức phạt đối với việc làm giả hàng hóa khá thấp. Đôi khi chuyện làm giả hàng hóa thậm chí không được xem là một tội lớn vì nó dường như là một chuyện vô hại” – ông Stryszowski lý giải.

Vị chuyên gia nói rằng dĩ nhiên các quy định đóng vai trò quan trọng, nhưng chỉ khi chúng được thực thi. “Luật pháp khắt the mà không đảm bảo thực hiện thì về cơ bản cũng chỉ vô ích” – ông Stryszowski chốt lại.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : báo độngđông nam áhàng giảhàng nháiOECD

Các tin liên quan đến bài viết