Chính quyền Hàn Quốc đang cho thấy cách tiếp cận vừa cương vừa nhu trong việc đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên. Seoul vừa tuyên bố sẽ có đối thoại nhưng vẫn tăng cường kho vũ khí của mình.

Hàn Quốc tiếp tục dò đá qua sông với Triều Tiên - Ảnh 1.

Các cán bộ đảng Lao động Triều Tiên (WPK) bật khóc khi lãnh đạo Kim Jong Un phát biểu bế mạc hội nghị bí thư chi bộ lần thứ 5 tại Bình Nhưỡng hôm 23-12 

Khi nào căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ chấm dứt và liệu nó sẽ thổi bùng thành xung đột quân sự hay không cho đến nay vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ khi mà Mỹ và Triều Tiên vẫn cứ dè chừng nhau, chưa chịu xuống nước.

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày hôm nay (26-12), Bộ Thống nhất Hàn Quốc tin rằng Bình Nhưỡng sẽ mở cửa đối thoại với Mỹ trong năm mới cũng như sẽ có vài lần tiếp cận với Seoul.

Tuy nhiên, việc tiếp tục đợi Triều Tiên xuống nước nhanh là lựa chọn không mấy khả quan về trung hạn. Đứng trước thế cờ này, Hàn Quốc buộc phải kiên cố hóa “lớp áo giáp” bảo vệ cho mình đi song song với việc tìm cách buộc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán.

Tự lực cánh sinh

Thật vậy, ngày 6-12 vừa qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo cơ quan này sẽ nhận ngân sách 42,25 ngàn tỉ won (gần 40 tỉ USD) cho năm 2018. Mức ngân sách được Quốc hội Hàn Quốc thông qua này đã tăng 7% so với ngân sách quốc phòng hồi năm 2016 và đây cũng là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2009, theo trang tin IHS Jane’s.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố việc tăng đáng kể ngân sách quốc phòng trong năm tới có liên quan trực tiếp tới mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày một tăng từ Triều Tiên. Tuyên bố này cho thấy Seoul ngày càng nhìn nhận tầm quan trọng của việc tự xây dựng năng lực quân sự để đối phó Bình Nhưỡng.

Ngân sách trên được thông qua chỉ 7 ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới có tên gọi Hwasong-15.

Hơn 1/4 ngân sách quốc phòng 2018 sẽ được đầu tư cho năng lực phòng thủ đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên, theo báo JoongAng Ilbo của Hàn Quốc.

Đáng chú ý, khoảng 4 tỉ USD sẽ được bơm vào hệ thống phòng thủ 3 trụ cột. Hệ thống này nhằm vô hiệu hóa các động thái khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Triều gồm ba trụ cột là chương trình tấn công phủ đầu “Chuỗi tiêu diệt”, hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD), và kế hoạch trừng phạt và trả đũa trên diện rộng (KMPR).

Hàn Quốc tiếp tục dò đá qua sông với Triều Tiên - Ảnh 2.

Hàn Quốc và Mỹ thường tổ chức tập trận thường niên Đại bàng non (Foal Eagle) và Giải pháp chủ chốt (Key Resolve) vào mùa xuân. Hiện Mỹ chưa phản ứng với đề xuất tạm dừng tập trận của ông Moon Jae In 

Với “Chuỗi tiêu diệt” trong hệ thống phòng thủ 3 trụ cột, Hàn Quốc sẽ tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên ngay khi Seoul phát hiện một cuộc tấn công tên lửa sắp diễn ra. Nếu các cuộc tấn công phủ đầu thất bại, KAMD sẽ theo dõi và bắn hạ các tên lửa đạn đạo Triều Tiên đang bay về phía Hàn Quốc. Trong khi đó, KMPR sẽ được dùng để trừng phạt và trả đũa nhằm vào các cơ quan chủ chốt cùng dàn lãnh đạo của Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tấn công Hàn Quốc.

Trong khi đó, 310.000 USD sẽ được cấp cho Đơn vị xử trảm (DU) vừa được Hàn Quốc lập ra ngày 1-12. Đơn vị DU tương đương một lữ đoàn gồm 1.000 binh sĩ có nhiệm vụ tiêu diệt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng các nhân vật chóp bu trong chính quyền Bình Nhưỡng.

Việc đầu tư cho năng lực của mình cũng là điều dễ hiểu khi chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện cho rằng hà cớ gì Mỹ phải chi quá nhiều tiền để bảo vệ cho các đồng minh của mình. Trong chuyến công du đến Nhật Bản và Hàn Quốc vừa qua, nhà lãnh đạo Mỹ cũng yêu cầu hai đồng minh của mình cần bỏ tiền mua thêm… vũ khí Mỹ.

Cương hay nhu?

Mặc dù đầu tư xây dựng “lớp giáp” dày hơn, Hàn Quốc rõ ràng cũng không muốn chiến tranh với Triều Tiên. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc – nơi sinh sống của 25 triệu dân, chỉ cách biên giới liên Triều khoảng 50km – hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của các vũ khí Triều Tiên. Do đó, dù năng lực quân sự Hàn Quốc cải thiện đáng kể thì bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào với Bình Nhưỡng cũng đều gây ra thiệt hại nặng nề cho Hàn Quốc.

Có thể thấy chính quyền ông Moon Jae In cũng tích cực “đẩy nhiệt” ra khỏi bán đảo Triều Tiên kể từ khi ông lên thay thế bà Park Geun Hye hồi tháng 5.

Hôm 19-12, trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC News của Mỹ, Tổng thống Moon Jae In cho biết “có khả năng” Hàn Quốc sẽ tạm dừng các cuộc tập trận với Mỹ để giảm căng thẳng trước thềm Thế vận hội mùa đông 2018.

Tôi đã đưa ra một đề xuất như vậy với phía Mỹ và Mỹ hiện đang xem xét… Tôi hy vọng rằng Olympic lần này sẽ có thể thúc đẩy hòa bình giữa Hàn Quốc và Triều Tiên”

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In

Hàn Quốc tiếp tục dò đá qua sông với Triều Tiên - Ảnh 5.

Mối lo của chính quyền Seoul chính là tính mạng người dân nằm trong tầm ngắm của vũ khí miền Bắc. Trong ảnh người dân Seoul theo dõi thông tin vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng

Nga ngay sau đó đã hoan nghênh động thái này. “Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm giúp làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên” – Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov trả lời báo giới ngày 20-12.

Việc Nga hoan nghênh động thái này cũng là lẽ đương nhiên bởi lẽ nó khớp với kế hoạch “đóng băng kép” mà Nga và Trung Quốc đã đưa ra. Matxcơva và Bắc Kinh từng đề xuất rằng để giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên thì Bình Nhưỡng phải đóng băng chương trình này và đổi lại Mỹ-Hàn cũng phải đóng băng tập trận chung thường niên.

Tuy nhiên, liên quan đến đề xuất tạm dừng tập trận, ông Moon có nói rõ: “Điều này còn tùy thuộc vào cách Triều Tiên hành xử”. Nó rõ ràng cho thấy các động thái của Triều Tiên sẽ quyết định liệu Hàn Quốc sẽ “cương” hay “nhu” sắp tới.

Đối với phương án tấn công quân sự Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Hàn Quốc từng khẳng định bất kỳ cuộc tấn nào của Mỹ nhằm vào Triều Tiên đều phải nhận được sự đồng ý của Hàn Quốc thì mới tiến hành.

Bên cạnh đó, Tổng thống Hàn Quốc cũng tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ của các quốc gia bên ngoài. Gần nhất, trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, ông Moon và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí nguyên tắc gồm 4 bước cơ bản để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Việc chính quyền ông Moon kêu gọi tăng áp lực, trừng phạt kinh tế thời gian nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân là một hình thức “tấn công” nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, hình thức này chỉ mang tính “gián tiếp” và nó cho thấy Hàn Quốc dành nhiều ưu tiên cho các phương án không “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Hồi tháng 9, ông Moon còn thông qua gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 8 triệu USD cho người dân Triều Tiên.

Do đó, có thể thấy nếu chính quyền ông Kim Jong Un tiếp tục có hành động bắn tên lửa, thử hạt nhân thì Hàn Quốc sẽ sẵn sàng mạnh tay gây áp lực từ quân sự tới kinh tế. Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng xuống nước, muốn đi đến một giải pháp hòa bình thì khả năng Seoul sẵn sàng cho Bình Nhưỡng cơ hội “quay đầu” là rất cao.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bình NhưỡngHàn quốcSeoulTriều Tiên

Các tin liên quan đến bài viết