Vấn đề phong độ của Công Phượng tiếp tục là vấn đề khiến HA Gia Lai đau đầu. Đội bóng phố núi vẫn chờ cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam toả sáng, nhưng Công Phượng vẫn mờ nhạt ở sân chơi đỉnh cao.

Sau 1 mùa giải ngồi dự bị (thậm chí nhiều lần không được đăng ký trong danh sách thi đấu) tại CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản), cảm giác bóng và tâm lý của Công Phượng chắc chắn bị ảnh hưởng.

Đấy cũng chính là lý do mà Công Phượng thi đấu không tốt tại AFF Cup 2016 và giải U21 quốc tế cách nay không lâu – giải đấu xem như là cơ hội để Công Phượng khởi động trước thêm V-League.

Tiền đạo nổi tiếng nhất nước luôn khát khao chứng tỏ mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Công Phượng càng cố chứng tỏ thì anh càng lâm vào bế tắc, do tâm lý đang có dấu hiệu bị căng cứng. Thành ra, nhiều người hy vọng rằng khi tâm lý tốt hơn, Công Phượng sẽ khởi sắc.

Công Phượng cần những đồng đội giàu bản lĩnh để chia sẻ bớt gánh nặng (ảnh: Trọng Vũ)
Công Phượng cần những đồng đội giàu bản lĩnh để chia sẻ bớt gánh nặng (ảnh: Trọng Vũ)

Dù vậy, vấn đề của Công Phượng có lẽ không đơn thuần chỉ có riêng tâm lý, mà đấy có thể còn là vấn đề liên quan đến chuyên môn ở đội bóng mà anh đang khoác áo. Đấy có thể là những điểm khiếm khuyết của HA Gia Lai khiến cho Công Phượng thiếu người hỗ trợ cần thiết.

HA Gia Lai là một trong những CLB có độ tuổi trung bình trẻ nhất V-League. Ưu thế của tuổi trẻ về sức bật và về khát khao thể hiện là điều không thể bàn cãi. Nhưng ngặt nỗi đội bóng này hầu hết chỉ toàn cầu thủ trẻ, thiếu hẳn những cầu thủ có kinh nghiệm, có bản lĩnh và có chất lượng chuyên môn cao để làm bệ phóng cho các tài năng trẻ.

Chẳng ai dám nói yếu tố kinh nghiệm, bản lĩnh là những yếu tố không cần thiết trong bóng đá đỉnh cao. Thậm chí, nếu được chơi bên cạnh những cựu binh vừa giỏi, vừa bản lĩnh, các cầu thủ trẻ còn học được nhiều hơn, tiến bộ nhanh hơn.

Đấy là điều mà HA Gia Lai đang thiếu. Trong danh sách đăng ký tham dự mùa giải 2017 của đội bóng phố núi, chỉ có thủ môn Tô Vĩnh Lợi và trung vệ Dương Văn Pho là bước qua tuổi “băm” (Tô Vĩnh Lợi 32 tuổi, Văn Pho 33). 2 người khác, tạm gọi là có chút kinh nghiệm gồm Tạ Thái Học và tiền vệ ngoại Ideguchi (Nhật Bản – cùng 29 tuổi).

Còn lại phần đông là các cầu thủ sinh từ năm 1994 – 1997, tức là mới 20 – 23 tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm thi đấu ở môi trường đỉnh cao, chưa quen với áp lực thành tích, lại không có đủ cầu thủ có bản lĩnh đứng bên cạnh để chống chịu sức ép giúp họ, khiến cho HA Gia Lai 2 – 3 năm qua trở thành tập thể khá mong manh, dễ bị cuốn theo lối chơi của đối phương, ít tỉnh táo để có thể chiến thắng trong các trận cầu cân não.

Riêng xung quanh vị trí của Công Phượng, đội bóng phố núi càng có những khiếm khuyết lớn. HA Gia Lai là đội bóng duy nhất tại V-League không dùng trung phong ngoại, trong khi cả 2 tiền đạo sáng giá nhất của họ là Công Phượng và Văn Toàn đều bất lợi về mặt thể hình.

Thành ra, đòi hỏi các tiền đạo này đá gần với khu vực 16m50 của đối thủ, gây áp lực trực tiếp lên các hậu vệ đối phương, theo kiểu phá sức các hậu vệ bằng khả năng tì đè và va chạm (như trung phong Chatthong của Thái Lan đã thực hiện trước hàng thủ Indonesia trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2016) là điều gần như không thể.

Thành ra, Công Phượng hầu như không có người “chia lửa” nơi tuyến đầu, không có ai giúp anh thu hút bớt các hậu vệ, không có ai khiến các trung vệ lực lưỡng của đối phương phân tán sức lực để Công Phượng “nhẹ gánh”.

Và còn một vấn đề nữa mà cho đến giờ cả làng cầu nội vẫn chưa có câu trả lời chính xác nhất đối với trường hợp của Công Phượng, khi cầu thủ này rời các giải trẻ, lên thi đấu ở môi trường đỉnh cao: Rằng 2 – 3 năm qua, Công Phượng chưa kịp hoà nhập với bóng đá chuyên nghiệp, hay năng lực thực của Công Phượng chỉ có thế, tức là chỉ ở tầm các giải trẻ?

Theo: Kim Điền( dantri.com.vn)

Từ khóa : Công PhượngHAGLviệt nam

Các tin liên quan đến bài viết