Đến ấp Cây Điệp, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú hỏi vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga (1970) – anh Lê Văn Hai (1965), hầu như ai cũng biết. Bởi vợ chồng chị đều là cây văn nghệ của xã, cùng niềm đam mê đờn ca tài tử, góp thêm món ăn tinh thần phục vụ người dân.

Chúng tôi đến gặp vợ chồng chị Nga mà không hẹn trước. Anh Hai nói, trễ chút là vợ chồng anh vào vườn điều xịt thuốc rồi. Nghe nhắc đến đờn ca tài tử, anh hào hứng chia sẻ niềm đam mê của mình. Mấy chục năm nay, “ngọn lửa” đối với đờn ca tài tử và hạnh phúc gia đình luôn được anh chị nuôi dưỡng và thắp lên bằng tình yêu.

Vợ chồng anh Lê Văn Hai – chị Nguyễn Thị Nga

Anh Hai nhớ lại: Ngày đó ở Cà Mau, 16 tuổi tôi đã biết chơi guitar phím lõm do người thân dạy và sinh hoạt nhóm hát tài tử. Rồi nghe danh có một người thầy đàn hay, hát giỏi, mọi người gọi là thầy Hai Tá nên tôi tìm đến học. Đây chính là người giúp tôi vun đắp tình yêu đối với loại hình nghệ thuật này. Học miễn phí, lại được thầy nhiệt tình chỉ dẫn nên anh nắm rất vững cách đàn, hát. Còn chị Nga chính là con gái thầy Hai Tá. Chị Nga nhớ lại: “Cũng nhờ đờn ca tài tử mà tôi gặp anh Hai bởi anh hát hay, giọng ngọt làm tôi rung động. Lúc đó, cha tôi cũng có ý kết duyên và chúng tôi đã đến với nhau”.

Sau khi kết hôn được 5 năm, năm 2000, vợ chồng chị Nga cùng con gái từ Cà Mau lên Đồng Phú lập nghiệp, ngày đầu cuộc sống gặp nhiều khó khăn. 2 đứa con trai lần lượt chào đời, lúc ấy chị Nga ở nhà chăm con, anh Hai vừa làm rẫy của gia đình vừa kiếm việc làm thêm. Giờ con cái đã trưởng thành và có việc làm ổn định. Vợ chồng anh có điều kiện thỏa đam mê với đờn ca tài tử. Chính tình yêu, sự sẻ chia, chung niềm đam mê đã giúp họ vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. “Đi hát từ đám tiệc đến hội nghị, vợ chồng tôi đều đi cùng nhau, chứ một người đi, một người ở nhà là giận nhau liền” – anh Hai nói.

Chị Nga chia sẻ: “Hồi vợ chồng mới cưới, lúc còn ở Cà Mau thường tham gia các câu lạc bộ, rồi đi hát ở các đám tiệc, tiền công không được bao nhiêu nhưng thỏa đam mê. Ngày mới lên Bình Phước, mấy năm đầu cuộc sống khó khăn, phần vì các con còn nhỏ nên đành gác lại ca hát. Năm 2005, khi Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tân Phước được thành lập, vợ chồng tôi đều tham gia và duy trì gắn bó”. Câu lạc bộ có 16 thành viên chủ yếu là nông dân, thường xuyên giao lưu với các câu lạc bộ trong tỉnh và biểu diễn ở nhiều nơi. Giờ cuộc sống đã ổn định, họ càng khát khao được hát, được tham gia sinh hoạt tài tử. Năm 2014, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tân Phước vinh dự đại diện tỉnh Bình Phước tham dự liên hoan đờn ca tài tử khu vực Đông Nam bộ.

Anh Hai hồ hởi: “Bây giờ lớn tuổi, giọng hát không được ngọt như trước nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ phai nhạt niềm đam mê. Công việc cũng nhiều nhưng hễ ở đâu rủ sinh hoạt tài tử là tranh thủ đi liền. Chúng tôi mong có nhiều người trẻ đến với đờn ca tài tử để phát huy và gìn giữ nghệ thuật truyền thống”.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : anh Lê Văn Haichị Nguyễn Thị NgaĐờn Ca Tài Tửgiữ lữavợ chồng mê đờn ca

Các tin liên quan đến bài viết