Sau một học kỳ triển khai chương trình phổ thông mới, nhiều giáo viên đánh giá học sinh đọc trơn và tính toán nhanh hơn. Còn giáo viên thì “ít ngồi ở ghế hơn”, thay vào đó là sự tương tác liên tục với học trò.
Học sinh đọc trơn và nhanh hơn, tính toán tốt hơn
Những ngày cuối học kỳ 1 năm học 2020-2021, năm học đầu tiên áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, chính các giáo viên Trường Tiểu học Cự Đồng (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cũng bất ngờ về khả năng đọc trơn và viết nhanh của các học sinh.
Bất ngờ bởi đây là ngôi trường ở một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, có đến 80% học sinh người dân tộc, trong đó 60% dân tộc Mường.
Học sinh lớp 1 được đánh giá đọc trơn và nhanh hơn sau một học kỳ áp dụng chương trình phổ thông mới. |
Cô Đinh Thị Hồng Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A cho hay: “Những giờ Tự nhiên xã hội, Hoạt động trải nghiệm hay Đạo đức,… các em được xem video, thậm chí có khi còn hát theo các bài hát nên rất thích và hứng thú. Ở những tiết kể chuyện, vừa được đọc vừa được nghe, xem hình ảnh minh họa nên các em nhớ nhanh hơn”.
Cô Loan cho rằng nguồn học liệu điện tử, video,… đa dạng hỗ trợ giáo viên trong việc giúp học sinh tiếp cận kiến thức và học tập tốt hơn.
“So với chương trình phổ thông trước đây mà tôi được dạy, giờ đây đa phần các em đều đọc trơn và nhanh hơn”.
Còn cô Bùi Thị Phương Anh (giáo viên chủ nhiệm lớp 1B Trường Tiểu học Cự Đồng) cho hay, đến thời điểm này, lớp mình chủ nhiệm có 31 học sinh thì chỉ còn 4 cháu còn phải đánh vần, còn lại đọc trơn được toàn bài. “Trước đây một phút các em đọc chưa được 30 từ, nhưng với chương trình phổ thông mới, giờ đây có thể đọc được 40 từ một cách thoải mái”, cô dẫn chứng.
Ngoài ngoài đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, các học sinh lớp 1 còn cho thấy sự tự tin hơn nhiều so với trước đây. Trong ảnh, các học sinh lớp 1B Trường Tiểu học Cự Đồng do cô Bùi Thị Phương Anh chủ nhiệm, tự tin trình bày trước lớp. |
Cô Phương Anh cho rằng chương trình phổ thông mới được thiết kế ưu tiên thời lượng cho môn Tiếng Việt ở lớp 1; phần tập đọc cũng nhiều thời lượng hơn so với viết nên học sinh cũng viết tốt, đều nét.
Ngoài ra, theo cô thì học sinh làm Toán cũng nhanh hơn: “Thời gian này mọi năm, vẫn còn một số cháu làm Toán chậm. Tâm lý học sinh nhỏ lớp 1 rất thích xem tranh ảnh và qua tranh ảnh, các em cũng đếm, tính toán nhanh hơn. Sách trước đây, thường đơn thuần chỉ là bảng các phép tính cộng, trừ và giáo viên chỉ liên tục các câu hỏi, chứ không có hình ảnh trực quan như giờ”.
Ông Đinh Mạnh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Đồng cho biết, về năng lực, học kỳ 1 năm nay, chỉ khoảng 3% học sinh lớp 1 chưa hoàn thành. Trong khi đó, nếu so cùng kỳ năm học 2019-2020, có đến khoảng 8% học sinh toàn trường ở mức này.
“Giáo viên ít ngồi ghế hơn”
Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thọ Sơn (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho rằng, bất cứ một sự đổi mới nào, thời gian đầu đều có những khó khăn.
Song, điều bà Nguyệt yên tâm là các giáo viên giờ đây thực sự có cảm hứng khi dạy học sinh lớp 1, cô trò tương tác nhiều hơn. “Giờ đây các giáo viên lớp 1 của chúng tôi hầu như ít ngồi vào ghế. Tôi biết điều này bởi nhiều lần chú ý những chiếc ghế vẫn còn nguyên những vết bụi”.
Cô trò Trường Tiểu học Thọ Sơn (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) trong một giờ học. |
Cô Đinh Thị Hồng Loan (giáo viên Trường Tiểu học Cự Đồng) cho hay dù đã nhiều tuổi nhưng nhìn học sinh hứng thú, cô quyết tâm tự tìm hỏi, học hỏi thêm các kỹ năng công nghệ thông tin để thiết kế, trình bày bài dạy được hấp dẫn hơn.
Cô Bùi Thị Phương Anh cũng nhận định, các học sinh mạnh dạn và tự tin hơn. Những giờ học không còn đơn điệu như trước đây bởi dạy đến đâu thì sác đều có các hình ảnh minh họa. Ngoài ra, giáo viên còn tự chuẩn bị thêm các video để hướng dẫn cho học trò.
Giáo viên ít ngồi ghế, học sinh đọc thông viết thạo sau một học kỳ. |
Ngoài ra, cô Phương Anh cho rằng bản thân được tự chủ trong soạn kế hoạch bài dạy. “Những từ ngữ nào không phù hợp với địa phương, chúng tôi được chủ động sửa để học sinh dễ hiểu”, cô Phương Anh nói.