Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Phụ huynh, học sinh hài lòng cao đối với giáo dục công

09:15 24/09/2023  Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công năm 2023.

Để đo lường sự hài lòng của người dân, Sở GD-ĐT TP.HCM phân chia 24 quận/huyện thành ba nhóm và chọn 3 quận/huyện để tiến hành khảo sát. Nhóm phát triển cao chọn quận 3, nhóm phát triển chọn quận Tân Phú, nhóm trung bình chọn huyện Củ Chi.

Mỗi quận/huyện chọn ngẫu nhiên 3 hoặc 4 trường mầm non, 3 hoặc 4 trường tiểu học, 3 hoặc 4 trường THCS và 2 trường THPT. TP.HCM chọn học sinh và phụ huynh tham gia khảo sát theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo từng đơn vị, quy mô khảo sát 7.004 phiếu.

Thực hiện khảo sát bằng cách phát phiếu trực tiếp tại lớp học và trực tiếp trong phiên họp phụ huynh cuối học kỳ II đối với khối THPT là 1.200 phiếu và khảo sát bằng hình thức trực tuyến đối với khối mầm non, tiểu học và THCS là 5.804 phiếu.

Các tiêu chí đo lường là tiếp cận giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; môi trường giáo dục; hoạt động giáo dục; sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân của con.

Căn cứ kết quả khảo sát, Sở GD-ĐT nhận định điểm hài lòng chung của phụ huynh và học sinh đối với dịch vụ giáo dục công theo các tiêu chí năm 2023 đều cao hơn so với năm 2022.

Cụ thể điểm hài lòng chung của phụ huynh năm 2023 đạt 4,51 điểm (năm 2022 đạt 4,48 điểm) và điểm hài lòng chung của học sinh đạt 4,53 điểm (năm 2022 đạt 4,37 điểm). Điều này thể hiện phần nào sự hài lòng của người dân, đối với ngành giáo dục.

Trong thời gian qua các cấp chính quyền đã có những chỉ đạo, chủ trương nhằm thực hiện việc lồng ghép nội dung về bình đẳng giới trong nội dung giáo dục tại nhà trường; triển khai các chính sách dân tộc. Kết quả khảo sát của các tiêu chí không cho thấy sự chênh lệch nhiều khi phân tích, so sánh theo giới tính và dân tộc của người tham gia khảo sát.

Điểm hài lòng chung, tỉ lệ hài lòng chung và tỉ lệ đáp ứng so với mong đợi của phụ huynh và học sinh đối với các tiêu chí tiếp cận dịch vụ giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường giáo dục, hoạt động giáo dục và sự phát triển và tiến bộ của người học đạt ở mức cao. Điều này chứng tỏ việc xây dựng cách tiếp cận giáo dục trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thành phố đang phát triển đúng hướng, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Các chỉ số có một khuynh hướng chung là sự khác biệt ở giữa các cấp học, cao nhất ở bậc học mầm non và giảm dần từ cấp tiểu học, THCS đến THPT, chứng tỏ yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với ngành giáo dục ngày càng cao hơn ở các cấp học lớn.

Tuy nhiên cũng theo Sở GD-ĐT TP.HCM bên cạnh những mặt tích cực, kết quả khảo sát cũng đã thể hiện những điểm còn hạn chế, cần phải khắc phục của các cơ sở giáo dục. Một trong những tồn tại mà là ngành giáo dục thành phố luôn phải đối diện là cơ sở vật chất trường học, ở tiêu chí này cả điểm hài lòng chung và tỉ lệ hài lòng chung của học sinh và phụ huynh đều đạt tỉ lệ thấp, điều này là dễ hiểu bởi tốc độ tăng dân số, đặc biệt là tăng dân số cơ học của thành phố là rất cao. Tốc độ xây dựng trường lớp vẫn còn hạn chế.

Diện tích sân chơi trong trường còn thấp, sĩ số học sinh/lớp cao, tỉ lệ học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Điểm hài lòng chung và tỉ lệ hài lòng chung của tiêu chí cơ sở vật chất trường học cũng ở mức thấp nhất so với các tiêu chí khác phản ánh rõ khó khăn TP.HCM một đô thị trung tâm của cả nước và khu vực, phải đối mặt. Đó cũng là rào cản, là thử thách lớn nhất đối với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục công thành phố.

Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định trên cơ sở phân tích, nhận định qua khảo sát sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, ngành giáo dục thành phố đã có đủ các căn cứ khoa học để đưa ra những mục tiêu cho năm học tiếp theo, từ đó nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục công lập.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : giáo viênhọc sinh

Các tin liên quan đến bài viết