Giáo viên bị phạt nếu nhận quà giá trị từ phụ huynh

10:02 24/11/2023  Giáo Dục

HÀN QUỐC- Truyền thống lâu đời tặng quà cho giáo viên vào Ngày Nhà giáo 15/5 hiện là vi phạm pháp luật ở Hàn Quốc nếu giá trị món quà 50.000 won (khoảng 1 triệu đồng), theo Korea JoongAng Daily.

Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc từ lâu đã phải “vật lộn” với sự phức tạp của việc tặng quà – một truyền thống đã “ăn sâu” vào văn hóa quốc gia.

Một số phụ huynh coi Ngày Nhà giáo là dịp thích hợp để tặng quà giáo viên. Mặc dù ý định đằng sau những cử chỉ này có thể bắt nguồn từ sự biết ơn, nhưng hành động tặng những món quà đắt tiền được nhìn nhận là hành vi có tác động tiêu cực tiềm tàng đối với tính công bằng, bình đẳng và chuyên nghiệp của giáo viên.

hinh 1.pngGiáo viên các cấp tại Hàn Quốc bị áp đặt những giới hạn nghiêm ngặt hơn so với các ngành nghề khác trong quy định nhận quà.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã thiết lập các quy định nhằm hạn chế việc tặng quà và tiền giữa giáo viên và gia đình học sinh.

Cụ thể, ngày 26/3/2015, tổng thống Hàn Quốc đã ban hành Luật Chống Tham nhũng (Đạo luật số 13278) và đã giành được sự chấp thuận của lưỡng đảng trong Quốc hội, theo The Diplomat.

Luật Chống Tham nhũng Hàn Quốc hướng vào đối tượng là các quan chức nhà nước, tức là tất cả cán bộ và nhân viên của các tổ chức dịch vụ công theo Đạo luật Đạo đức Dịch vụ Công, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính phủ và các tổ chức công khác cũng như giáo viên, nhà báo và phóng viên.

Đạo luật đã mang lại những thay đổi sâu sắc trong văn hóa tặng quà, đặc biệt là ở các trường học, nơi có truyền thống rằng học sinh phải chuẩn bị hoa cẩm chướng vào Ngày Nhà giáo như một biểu hiện của lòng biết ơn.

Theo đó, giáo viên từ mẫu giáo đến các cấp trung học và giáo sư đại học bị áp đặt những giới hạn nghiêm ngặt hơn so với các ngành nghề khác, theo Korea Herald. Họ bị cấm nhận tất cả những món quà dù là nhỏ nhất – kể cả hoa cẩm chướng thật và hoa cẩm chướng nhân tạo – bất kể giá cả.

Đạo luật cũng quy định cụ thể về giới hạn giá bữa ăn (‎30.000 won/655 nghìn đồng), quà tặng (50.000 won/1 triệu đồng) và quà tặng hiếu hỉ bằng tiền mặt (‎100.000 won/2,1 triệu đồng) mà giáo viên và vợ/chồng của họ có thể nhận từ gia đình học sinh.

Nếu giá trị món quà vượt quá 1 triệu won, giáo viên sẽ bị xem xét xử lý hành chính. Luật áp dụng cho giáo viên ở tất cả các cấp, ngoại trừ các lớp nhà trẻ. Tuy nhiên, các nhà trẻ ở Hàn trước ngày này thường gửi thông báo không nhận quà đến các phụ huynh để gia đình và các cô trông trẻ không bị khó xử.

Theo các nhà lập pháp, thực chất đạo luật ra đời nhằm đảm bảo sự công bằng cho những học sinh, phụ huynh không có khả năng tặng quà hay mời giáo viên đi ăn trong ngày này. Những người này sẽ không phải lo lắng về quyền lợi của con mình khi học, tránh sự thiên vị và thiếu minh bạch trong môi trường giáo dục.

Tuy nhiên, đạo luật cho phép một số trường hợp ngoại lệ, bao gồm món quà là hoa cẩm chướng bằng giấy từ một đại diện học sinh và em này công khai thay mặt cho cả lớp tặng giáo viên, hoặc từ những học sinh đã lên lớp hoặc đã tốt nghiệp.

Xã hội Hàn Quốc có nhiều phản ứng trái chiều với đạo luật chống tham nhũng. Một số người ca ngợi sáng kiến lập pháp này là một bước quan trọng nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống giáo dục. Họ tin rằng bằng cách đặt ra những giới hạn về giá trị quà tặng và thúc đẩy tính minh bạch, luật pháp có thể giúp xây dựng lại niềm tin và đảm bảo một môi trường học tập công bằng và vô tư.

 Tuy nhiên, những người khác bày tỏ sự dè dặt, đặt câu hỏi về tính khả thi của việc thực thi các quy định đó một cách hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh những hậu quả tiềm ẩn ngoài ý muốn, chẳng hạn như mối quan hệ căng thẳng giữa các nhà giáo dục và gia đình.

Sự phát triển của đạo luật này cũng đặt ra những câu hỏi rộng hơn về vai trò của các tiêu chuẩn đạo đức trong giáo dục. Ngoài các can thiệp pháp lý, việc thúc đẩy văn hóa liêm chính và minh bạch là điều cần thiết.

Nhiều ý kiến cho rằng các nhà giáo dục, phụ huynh và các nhà hoạch định chính sách phải cùng hợp tác để thiết lập các nguyên tắc đạo đức học đường rõ ràng nhằm ưu tiên lợi ích tốt nhất của học sinh. Đây là cơ hội để xác định lại các chuẩn mực xung quanh việc tặng quà, khuyến khích các hoạt động nâng cao trải nghiệm giáo dục mà không ảnh hưởng đến các nguyên tắc công bằng và bình đẳng.

Lịch sử Ngày Nhà giáo ở Hàn Quốc bắt nguồn từ đầu những năm 1960 khi đất nước này chính thức chọn ngày 15/5 hàng năm để tôn vinh giáo viên. Đây là ngày sinh của Sejong Đại đế, vị vua được kính trọng ở thế kỷ 15 của Triều đại Joseon, người đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của bảng chữ cái Hàn Quốc, Hangul.

Bắt nguồn từ sự tôn trọng sâu sắc đối với giáo viên đã ăn sâu vào văn hóa Hàn Quốc, Ngày Nhà giáo đã phát triển thành một lễ kỷ niệm trên toàn quốc. Sự kiện này nhằm ghi nhận sự đóng góp của các nhà giáo dục trong môi trường học đường và định hình sự phát triển đạo đức và trí tuệ của thế hệ trẻ. Học sinh bày tỏ lòng biết ơn của mình thông qua nhiều cách khác nhau, bao gồm những tấm thiệp chân thành, hoa và những món quà nhỏ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : giáo viênHàn quốc

Các tin liên quan đến bài viết

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP 24H BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Khắc Hoàn
Hoạt động theo giấy phép: Số 05/GP-TTĐT ngày 04/11/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước
Địa chỉ Ban biên tập: Khu phố 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Điện thoại: 0916.921.160 Email: 24hbinhphuoc@gmail.com

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
CỬA HÀNG DỊCH VỤ - TRẦN QUÂN
Địa chỉ: Kp 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Liên hệ quảng cáo: 0986.594.211 - 0916.921.160