Nhiều giải pháp kích cầu du lịch, trong đó có giảm giá, nhưng nhiều ý kiến lưu ý không vì giảm giá mà chất lượng giảm đến mức không thể chấp nhận được.
Tại hội nghị “Việt Nam – điểm đến sáng tươi” do UBND TP Cần Thơ phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức ngày 22-6, ông Vũ Thế Bình – phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam – đề nghị xử lý nghiêm khắc những đơn vị vi phạm cam kết trong kích cầu du lịch.
Theo ông Bình, hiện các dịch vụ du lịch, giá vé máy bay đều giảm nên ông khuyến khích người dân “ai có cơ hội thì cứ đi du lịch”.
Tuy nhiên, ông Bình cũng lưu ý hiện nay các chương trình kích cầu đều có giảm giá sâu nhưng giảm giá phải giữ chất lượng dịch vụ, chứ giảm nhưng dịch vụ “đến cục xà bông cũng không có là không được”.
Ông Nguyễn Khánh Tùng – giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP Cần Thơ – cũng cho biết đã có 4 giải pháp phục hồi du lịch Cần Thơ sau dịch COVID-19, trong đó có chương trình kích cầu giảm giá.
Đến thời điểm hiện tại, TP Cần Thơ có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký kích cầu du lịch, giảm giá 10 – 60%. “Chúng tôi sẽ kiểm tra việc đăng ký này, làm sao giảm giá không giảm dịch vụ”, ông Tùng nói.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị phải có những gói sản phẩm hấp dẫn, riêng biệt mới thu hút được du khách tới Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng muốn thành công trong phục hồi nền kinh tế mà phục hồi du lịch cũng là một phần trong đó thì “không thể đi lẻ loi được, mà phải đi cùng nhau”.
Theo ông Cung, việc Vietnam Airlines mở thêm nhiều đường bay mới trong ngày 22-6 (từ Cần Thơ đến Nghệ An, Hải Phòng và Đắk Lắk) chỉ mới là mang người khác đến đây (vùng Đồng bằng sông Cửu Long), còn họ đến rồi tiêu dùng gì, đáp ứng yêu cầu gì cho họ thì đòi hỏi nỗ lực không chỉ của cộng đồng doanh nghiệp mà còn của lãnh đạo các tỉnh trong vùng.
Chỉ hình ảnh một địa điểm nổi bật của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng nó mới chỉ ở mức “tài nguyên du lịch”, chưa thể là sản phẩm dịch vụ du lịch và các tỉnh trong vùng phải biến nó thành sản phẩm du lịch.
“Việc đó cần đến sự đầu tư, sáng kiến, nỗ lực của không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà cả lãnh đạo các tỉnh trong vùng. Tôi cho rằng trong thời điểm hiện nay thì sáng kiến của lãnh đạo chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm, đa dạng sản phẩm, thu hút nhiều hơn du khách tới đây”, ông nói.
Tương tự, ông Hà Văn Siêu, phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng đề nghị các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tạo ra nhiều chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong giai đoạn kích cầu này phải được quảng bá rộng rãi, thu hút nhiều khách đến TP Cần Thơ, đến Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Bà H’Ylm Kđoh – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk – cũng đề xuất các địa phương cần liên kết, hợp tác theo hướng phát huy, tiềm năng lợi thế du lịch của mình nhưng tránh trùng lặp nhau.
“Đề nghị Vietnam Airlines và UBND các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phối hợp xây dựng nhiều chương trình kích cầu, phát triển du lịch, đảm bảo chất lượng thu hút khách cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành kịp thời tiếp cận các chương trình kích cầu du lịch”, bà H’Ylm Kđoh đề xuất.
Nguồn: tuoitre.vn