Nhanh nhẹn, rắn rỏi nên ít ai nghĩ lão nông Trịnh Đình Cây ở khu phố 2, phường Long Thủy (Phước Long) đã gần 70 tuổi. Là thương binh 4/4, bệnh binh 2/3 và là nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhưng hằng ngày, ông Cây vẫn một mình chạy xe máy hơn 20km vào rẫy tại thôn 10, xã Long Bình (Phú Riềng) để chăm vườn. Giữa trưa nắng nóng, ông Cây vẫn ân cần chỉ dẫn một người nông dân vừa tìm đến để học hỏi mô hình tưới tiết kiệm.

ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU

Ông Cây kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thanh Hóa, từng chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ nên năm 1982 sau khi phục viên tôi quyết định về Phước Long sinh sống. Lúc đó, với trợ cấp 40.000 đồng/tháng, không đủ nuôi 6 người con nên tôi phải làm nhiều việc. Khó khăn đều đã trải qua, nhưng tôi công nhận Phước Long là “đất lành”. Nếu cần cù lao động, sáng tạo và có ý chí, ai cũng có thể làm giàu”.

Ông Trịnh Đình Cây (trái) chia sẻ cách chăm sóc tiêu với cán bộ hội nông dân thị xã Phước Long

Ban đầu ông Cây vay mượn mua được 2 ha đất trồng điều, tiêu; vay vốn ngân hàng kinh doanh xăng, buôn bán nông sản. Tích cóp được ít vốn, năm 1989, ông liên hệ nông trường nhận khai hoang 165 ha đất. Sau khai hoang, phục hóa gia đình ông chia lại cho người thân, bạn bè 100 ha, diện tích còn lại ông trồng cao su xen hoa màu để lấy ngắn nuôi dài. Đầu năm 2001, vườn cao su nhà ông đưa vào khai thác và thành phẩm đạt yêu cầu với lợi nhuận từ 1,5-2 tỷ đồng/năm; từ năm 2002-2010, lợi nhuận thu được từ 3-4 tỷ đồng/năm. Năm 2011, gia đình ông đầu tư một trại chăn nuôi bò sinh sản và một xưởng sản xuất – kinh doanh, chế biến hạt điều. Từ năm 2012-2015, thu nhập từ cao su, điều, tiêu, chế biến xuất khẩu điều và nuôi bò sinh sản mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm cho gia đình ông. Từ lâu, gia đình ông Cây đã xem Phước Long là quê hương thứ 2 của mình. Các con ông hiện ai cũng có cơ ngơi khang trang, trong đó 2 người kinh doanh xuất nhập khẩu hạt điều và phát triển kinh tế trang trại.

HƯỚNG VỀ CỘNG ĐỒNG

Ông Cây hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân thị xã Phước Long. Ông còn dạy nghề, tạo việc làm cho đồng đội, con em cựu chiến binh, lao động thường xuyên tại địa phương với khoảng 52 người/năm, lao động thời vụ 25 người/năm, thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/tháng.

Gia đình ông còn tiên phong, liên tục đóng góp cho các tổ chức, hoạt động xã hội từ thiện ở thị xã Phước Long có năm lên đến 180 triệu đồng; hỗ trợ hộ khó khăn, gia đình thương binh, liệt sĩ, cho vay không tính lãi 50 hộ với hàng tỷ đồng, ủng hộ làm đường giao thông nông thôn 50 triệu đồng, ủng hộ người nghèo từ năm 2008-2015 là 210 triệu đồng. Từ năm 2012-2016, ông đã xây dựng nhà ở cho 25 công nhân lao động làm việc tại địa phương, 6 căn nhà tình thương, nghĩa tình đồng đội. Mỗi năm nhận giúp đỡ 15 hộ nghèo, hộ khó khăn phát triển kinh tế ổn định cuộc sống…

Từ năm 2010 đến nay, ông Cây được Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích sản xuất – kinh doanh giỏi, giàu lòng nhân ái; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng bằng khen “Thương binh tàn nhưng không phế”. Ngày 21-9-2016, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Và cũng rất tự hào khi năm 2013, vợ ông là bà Lê Thị Hồng Tiến cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen với thành tích giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Dù đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng ông Cây và bà Tiến vẫn cống hiến nhiều cho xã hội. Bà Tiến hiện là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thị xã Phước Long. Ở họ dường như ý chí, nghị lực phấn đấu vẫn chưa bị thời gian và tuổi tác làm ảnh hưởng. Không chỉ nỗ lực phát triển sản xuất để đem lại lợi ích cho gia đình mà vợ chồng ông còn có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội. Đó cũng chính là động lực để vợ chồng ông hoạt động tích cực và sáng tạo trong công việc hằng ngày, trong lao động sản xuất vật chất và sẻ chia, giúp đỡ những người còn khó khăn.

P. Dung

Từ khóa : chiến binhdạy nghềlao độngnghĩa tình đồng độinhà tình thươngtạo việc làm cho đồng đội

Các tin liên quan đến bài viết