Bộ Y tế đã có hướng dẫn chuyên môn thực hiện theo nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’. Căn cứ vào đó, nhiều nơi đang xem xét mở cửa, phục hồi sản xuất, đi lại.
Riêng tại TP.HCM, để trở lại trạng thái bình thường mới phải cần thêm thời gian.
Tháng 11 cũng chưa thể bình thường mới
Đề cập vấn đề TP.HCM trở lại bình thường mới, bên lề Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XI ngày 14-10, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhận định: “Có thể đến tháng 11, TP.HCM cũng chưa thể bình thường mới”.
Người đứng đầu chính quyền TP cho rằng để triển khai nghị quyết 128 của Chính phủ, TP phải đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ hướng dẫn này, TP sẽ cập nhật và cần thiết thì điều chỉnh một số điểm trong các bộ tiêu chí hoạt động trong các ngành cho phù hợp.
Tuy vậy, người đứng đầu TP cũng thẳng thắn nhìn nhận không ai có thể nói trước được điều gì khi dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp và khó lường. Đến thời điểm này, dù tình hình dịch tại TP đã cải thiện và đạt được thành quả nhất định, chưa thể khẳng định là đã bền vững hay chưa.
“Không thể nói khoảng thời gian nhất định nào TP bình thường mới. Điều này phụ thuộc vào công tác kiểm soát dịch bệnh của TP. Ngay cả khi hiện nay diễn tiến dịch đang theo chiều hướng thuận lợi thì tháng 11, TP vẫn chưa thể trở lại bình thường mới hoàn toàn” – ông Mãi nói.
Rõ ràng nếu căn cứ vào các tiêu chí được Bộ Y tế hướng dẫn (về tỉ lệ mắc/100.000 dân/tuần), TP.HCM đang nằm ở vùng vàng (cấp 2 – nguy trung bình). Nhưng nếu “phân loại cấp độ dịch đến quy mô xã, phường hoặc nhỏ hơn”, có thể nhiều địa bàn ở cấp quận – huyện; phường – xã có thể đạt cấp 1 – vùng xanh.
Điều này cho thấy dù nhiều địa phương cấp quận, phường có thể kiểm soát được dịch nhưng bình diện chung, TP vẫn thuộc diện có nguy cơ.
Chủ lẫn khách còn dè dặt
Chưa kể sau 2 tuần nới lỏng giãn cách (từ 1-10) tâm lý người dân vẫn còn khá e dè. Tình trạng thiếu hụt lao động, chuỗi cung ứng chưa ổn định, khách hàng thưa thớt… không ít cơ sở kinh doanh tại TP.HCM gặp nhiều trở ngại trong việc mở cửa hoạt động, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại.
Chị Thanh Lam – chủ một cơ sở thẩm mỹ tại quận Phú Nhuận – cho biết dù TP đã cho phép các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trở lại nhưng từ đầu tháng 10 đến nay cửa hàng của chị vẫn chưa mở vì còn e ngại vấn đề dịch bệnh.
“Cửa hàng của mình có diện tích nhỏ, nên việc mở lại trong thời điểm này mình chưa an tâm, với lại nhà mình còn có con nhỏ, đều chưa được tiêm vắc xin, mình không lo bản thân thì cũng phải lo đến các con. Khi nào con được tiêm vắc xin và TP ổn định hơn mình mới quyết định mở cửa” – chị Lam cho hay.
Dù đã mở cửa hoạt động lại nhưng anh Quốc Khánh – chủ một phòng tập gym tại quận Bình Thạnh – cho biết mỗi ngày chỉ đón 7-12 khách đến tập để đảm bảo an toàn phòng dịch, vì vậy doanh thu chỉ đủ trả tiền mặt bằng.
“Tiền mặt bằng hơn 20 triệu đồng, dù dịch đã được giảm 50% nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Dù lo ngại dịch bệnh nhưng vẫn phải mở cửa để duy trì được kinh tế và giữ khách hàng cũ trước đó” – anh Khánh bộc bạch.
Dạo quanh các con đường quy tụ nhiều cửa hàng ăn uống như Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) hiện chỉ có ít cửa hàng mở cửa phục vụ mang về, đa số là các quán cà phê.
Chị Thu Hằng – nhân viên một cửa hàng kinh doanh F&B trên đường Phan Xích Long – cho biết đặc thù của chuỗi là bán hàng ăn tại chỗ, hiện nay chỉ mở bán mang đi nên lợi nhuận hầu như không có.
“Do ngừng kinh doanh trong thời gian qua nên khi mở cửa hoạt động, cửa hàng đã cắt giảm tối đa số lượng nhân viên, bán mang về chỉ là liệu pháp cầm cự để có nguồn tiền chi trả mặt bằng đắt đỏ hằng tháng” – chị Hằng chia sẻ.
Dịch bệnh trở lại nếu…
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM – dự đoán trong khoảng 2 tháng, TP.HCM sẽ không gặp vấn đề gì lớn về dịch bệnh, bởi người dân vừa được tiêm chủng vắc xin (tỉ lệ tiêm chủng mũi 1 đạt 98,4% và mũi 2 đạt 74,5%) và người dân vẫn còn có sự dè dặt khi ra đường.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, trong thời gian trên, nếu không được kiểm soát tốt có thể tình hình dịch bệnh quay lại. Nguyên nhân, có thể do độ miễn dịch của một số người giảm hoặc do chủ quan khi thực hiện 5K.
“Kinh nghiệm cho thấy cứ sau một trận dịch lớn, nếu không được kiểm soát tốt, dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng cảnh báo.
“Kiểm soát tốt” ở đây, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phải khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp 5K; ngành y tế phải chuẩn bị thuốc, số giường, oxy, phân tuyến y tế cơ sở… Cũng cần có hệ thống giám sát dịch tễ, phát hiện sớm người có nguy cơ xử lý sớm; nghiên cứu đánh giá trên nhóm nguy cơ cao (bệnh nền, lớn tuổi) có cần phải tiêm vắc xin tăng cường hay không.
Ông Dũng cũng cho rằng trạng thái bình thường mới hiểu ở góc độ dịch tễ học, đôi lúc vẫn phải hạn chế như phong tỏa, giãn cách… vì sự an toàn chung.
Tuy vậy, nếu tiêm chủng đầy đủ, người dân có sự hiểu biết nhất định, việc mắc bệnh phần lớn do chính mỗi người, không còn là sự tác động từ bên ngoài nhiều. Do đó, sự hạn chế trở nên tối thiểu và phụ thuộc vào tình hình thực tế.
“Cuộc sống không thể như cũ là gặp nhau thoải mái, mà phải hạn chế giữ khoảng cách một thời gian. Việc này không quá áp đặt mà do chính bản thân mỗi người ý thức thực hiện” – PGS Đỗ Văn Dũng nói.
Ca tử vong giảm mạnh
Theo Sở Y tế TP, số ca mắc mới và số ca tiếp nhận điều trị mỗi ngày giảm ở tất cả các tầng, ca bệnh nặng và tử vong giảm qua nhiều ngày. Từ ngày 1-10 số ca COVID-19 mới mỗi ngày hơn 3.600 ca nhưng đến ngày 13-10 chỉ còn 1.162 ca.
Tương tự số ca COVID-19 nhập viện mỗi ngày từ 2.046 ca xuống còn 886 ca, số người bệnh cần thở oxy và thở máy tại các bệnh viện tiếp tục giảm từ 5.290 ca xuống còn 3.162 ca.
Đặc biệt, số ca tử vong giảm rõ rệt: từ ngày 26-9 đến 2-10 có 822 ca tử vong, nhưng từ ngày 10-10 đến 12-10 chỉ còn 219 ca tử vong.
Dữ liệu từ cổng thông tin COVID-19 TP.HCM ngày 13-10 cho thấy chỉ có 73 ca tử vong và đây là ngày thứ 8 liên tiếp số ca tử vong chỉ ở mức 2 con số.
Nguồn: tuoitre.vn