Những cuộc rượt đuổi kinh hoàng trên biển với tiếng nổ chát chúa, khói lửa khạc ra từ các họng súng đen ngòm, đạn bay chiu chíu; những tên cướp biển lực lưỡng ma quái từ đâu bất ngờ xông lên tàu khống chế các thuyền viên và cướp đi tất cả những gì họ có rồi ném họ xuống biển… Đó là những gì tôi đọc được, xem được về những tên cướp biển qua phim ảnh, báo chí. Thế nên việc được gặp một sĩ quan cảnh sát biển (CSB) trực tiếp tham gia bắt cướp biển trong chuyến đi thực tế tại Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 những ngày cuối tháng 5 này khiến tôi vô cùng háo hức.
Vụ việc CSB vùng 3 tổ chức bắt gọn 11 tên cướp biển người Indonesia ngày 22-11-2012, ghi dấu ấn đậm nét của CSB Việt Nam hơn 5 năm trước, tôi đã được xem phóng sự truyền hình và đọc trên báo giấy. Điều không ngờ là hôm nay tôi được gặp người đã trực tiếp tham gia bắt những tên cướp biển ranh ma, xảo quyệt năm ấy. Khi Đại tá Đinh Quốc Ruân, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 đưa tôi đến gặp Đại úy Lê Tiến Kim, nguyên Phó thuyền trưởng quân sự tàu CSB 4034 – một trong 2 con tàu của Vùng CSB 3 tham gia bắt cướp biển thì đã gần hết giờ làm việc buổi chiều. Hiện anh Kim là Hải đội phó quân sự Hải đội 301 – đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; duy trì thực thi pháp luật; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển; chống cướp biển; bảo vệ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển Việt Nam; đặc biệt là trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo trên vùng biển Hoàng Sa.
NHÀ NÒI LÍNH BIỂN
Trong lúc ngồi chờ anh Kim, tôi hình dung một sĩ quan CSB rắn rỏi, gân guốc, dạn dày và ăn to nói lớn. Thế nhưng Đại úy Lê Tiến Kim đã khiến tôi bất ngờ. Anh cao, gầy, đen nhẻm và có vẻ già hơn cái tuổi 33. Và dù hiện là Hải đội phó quân sự Hải đội 301, Kim vẫn có phần rụt rè, ngại nói về bản thân, gia đình. Nhờ sự dẫn chuyện của người đồng nghiệp tại Bộ tư lệnh Vùng 3 – anh Nguyễn Đức Định thì câu chuyện giữa chúng tôi mới dần cởi mở.
Đại úy Lê Tiến Kim rất dè dặt khi kể về chuyện tham gia bắt cướp biển – Ảnh: Đức Định
Đại úy Lê Tiến Kim sinh ra trong một gia đình có thể được gọi là “nhà nòi lính biển”. Cha là giảng viên Học viện Hải quân đã nghỉ hưu; chú ruột là Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, hiện là Tư lệnh Vùng CSB 3; anh trai Lê Hải Trường là Thuyền trưởng tàu CSB 8020 – con tàu CSB lớn nhất Việt Nam hiện nay. Có lẽ hình ảnh cha, chú lênh đênh trên những con tàu giữa trùng khơi để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã ghi dấu trong tâm trí của hai anh em Trường, Kim. Chính vì thế cả hai đều mong ước, cùng thi đậu Học viện Hải quân và hiện phục vụ trong lực lượng CSB. Sau vụ bắt cướp biển, cả hai anh em Trường, Kim đều được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được Bộ Quốc phòng biểu dương là hai trong 12 gương mặt tiêu biểu toàn quân năm 2012. Năm 2014, Kim được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”. Tất cả những thông tin này tôi có được là nhờ người đồng nghiệp ở Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 cung cấp chứ Kim chỉ nói rất vắn tắt về những việc đã xảy ra.
Năm 2008, Kim ra trường với quân hàm Trung úy, đảm nhận cương vị Phó thuyền trưởng quân sự tàu 4034. Sau chiến công bắt cướp biển, tháng 8-2013, anh được giao nhiệm vụ Thuyền trưởng tàu CSB 4034.
3 CHÚ CHÁU CÙNG THAM GIA BẮT CƯỚP BIỂN
Đó là câu chuyện rất thú vị của “gia đình lính biển” này và phải qua sự gợi mở của anh Nguyễn Đức Định, Kim mới dè dặt kể.
Ngày xảy ra vụ cướp tàu trên vùng biển do Vùng CSB 3 quản lý, tàu CSB 4034 do Kim làm Phó thuyền trưởng quân sự đang trên hành trình đi Trường Sa và Nhà giàn DK1 thì được lệnh quay ra tọa độ được chỉ thị để nhập vào cùng biên đội với tàu CSB 4031 để tham gia bắt cướp biển. Khi ấy, Kim không biết anh trai mình là Lê Hải Trường cũng có mặt trên tàu 4031. Sau khi phát hiện tàu nghi vấn, Thuyền trưởng Lê Hải Trường đã thông báo cho tàu 4034 mà không biết em trai mình có mặt trên đó quay về sát vị trí phát hiện và cùng lập đội hình bao vây, giữ cho tàu nghi vấn phải dừng tại chỗ. Suốt một đêm bao vây và tìm cách giữ tàu nghi vấn dừng tại chỗ rất căng thẳng, cả Kim và Trường đều không hề biết chú ruột của mình – Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Vùng CSB 3, khi ấy là Đại tá, Chỉ huy trưởng Vùng CSB 3 cũng đã xuất phát ra thực địa lúc 11 giờ đêm. Do ở khoảng cách gần, xuồng của tàu 4034 tiếp cận con tàu bị cướp sớm nhất và Lê Tiến Kim chính là người bước xuống xuồng đầu tiên. Vậy là trong đêm lịch sử ấy, 3 chú cháu cùng tham gia bắt cướp biển. Ông Thanh với vai trò chỉ huy, Trường và Kim là những thuyền trưởng, thuyền phó có nhiệm vụ chấp hành mệnh lệnh và linh động trong tác chiến để tiếp cận, khống chế bọn cướp biển mà vẫn bảo đảm an toàn cho bản thân, đồng đội.
Tôi đã hỏi Kim về những tình huống gay cấn khi tham gia bắt cướp biển đêm hôm đó. Kim cho biết, nhận lệnh khi tàu đang ở bãi cạn Đông Sơn, cách Vũng Tàu 70 hải lý. Việc cơ động trong đêm, trên tuyến hành trình ven bờ mà tàu chạy với vận tốc 23-25 hải lý là rất khó bảo đảm an toàn. Quá trình lùng sục con tàu mà bọn cướp biển đang sử dụng, tàu 4034 phải chạy với tốc độ cao, trong khi vùng cửa biển Vũng Tàu có mật độ lưu thông hàng hải rất đông đúc. Trong đêm, việc nhận dạng con tàu có dấu hiệu khả nghi rất khó khăn và chúng lại tắt thiết bị nhận dạng nên càng khó hơn. Nhưng bằng chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, sự phán đoán chính xác, tàu của anh đã xác định đúng đối tượng khả nghi, dù chúng cơ động rất lắt léo. Một tình huống khá nguy hiểm là sau khi bọn cướp biển ra đầu hàng, chấp nhận cởi bỏ áo quần và nhảy xuống biển thì Kim và đồng đội vẫn không thể biết đích xác bọn cướp có 11 hay 12, 13 tên, có thể chúng vẫn còn ẩn nấp trên tàu với vũ khí nóng. Trong tình huống nguy hiểm ấy, anh Kim vẫn chấp hành mệnh lệnh chỉ huy, hạ xuồng khống chế những tên cướp đã nhảy xuống biển để áp giải chúng lên tàu của CSB.
Ngoài kỷ niệm về cuộc rượt đuổi những tên cướp biển trong đêm, một trong những kỷ niệm sâu sắc của Kim là lần cứu hộ thành công tàu cá KH 92116 TS cùng 11 ngư dân gặp nạn trên biển ngày 20-12-2013 và đưa về đảo Phú Quý an toàn, khi anh là Thuyền trưởng tàu 4034. Những ngư dân từ cõi chết trở về trong những ngày chuẩn bị đón tết Nguyên đán năm ấy đã vô cùng cảm kích trước sự gan dạ, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân của những người lính biển. Bây giờ ở cương vị mới – Hải đội phó Hải đội 301, Đại úy Lê Tiến Kim vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Vài tháng anh mới về Nha Trang thăm vợ con một lần. Trong tâm trí Kim và những người lính biển, vùng biển quê hương ở đâu cũng tuyệt đẹp. Khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc phấp phới trên những tàu, thuyền của ngư dân bám biển, những cái vẫy tay của bà con khi tàu CSB đi qua, các anh như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục hành trình giữ yên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Báo Bình Phước