Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước những thách thức chia rẽ nội khối chưa từng có kể từ khi thành lập. Virus corona đã gây ra mức độ tàn phá, chia rẽ nhiều hơn cả cuộc chia tay ồn ào của Anh hay cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Sự thiếu đoàn kết giữa các nước EU vào lúc này là mối nguy hiểm chết người.
Jacques Delors (cựu chủ tịch EC, một trong những kiến trúc sư trưởng của EU hiện đại) lên tiếng cảnh báo vào tuần trước.
Brexit vừa tạm lắng, EU đã phải đối mặt với “kẻ thù mới”: đại dịch COVID-19. Sự chia rẽ và những tranh cãi không ngớt giữa các quốc gia về các gói cứu trợ kinh tế đang khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt.
“Trái phiếu corona” gây chia rẽ
Hôm 26-3, Đức và các nước Bắc Âu khác thuộc EU đã bác bỏ một đề xuất chung của 9 nước EU khác gồm cả Ý, Tây Ban Nha và Pháp về kế hoạch phát hành “trái phiếu corona”, ám chỉ một khoản vay chung của 19 thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để đối phó với các ảnh hưởng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
Đề xuất này ngay lập tức gây chia rẽ. Một bên muốn EU phát hành “trái phiếu corona” lấy tiền bù đắp những tổn thất dịch bệnh gây ra, bên còn lại không muốn gánh thêm những khoản nợ mà họ cho rằng không phải do sự yếu kém của mình tạo ra.
Hà Lan, một trong những nước phản đối “trái phiếu corona”, cho rằng thể hiện sự đoàn kết trong lúc này là cần thiết, nhưng nhấn mạnh phát hành “nợ chung” là bước đi quá xa và sẽ mất nhiều năm nữa để giải quyết hậu quả.
Quan điểm này nhận được sự ủng hộ ở Đức và Áo, nhưng khiến các quốc gia Nam Âu tức giận. Họ cho rằng kêu gọi đoàn kết chỉ là lời nói suông nếu EU không có các động thái táo bạo hơn để hỗ trợ tất cả các nền kinh tế EU bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, người thuộc nhóm “Nam Âu”, đã lên án một bộ trưởng của Hà Lan về những bình luận “vô cảm” và “xúc phạm” sau khi quan chức này cho rằng các nước đã lên tiếng cầu cứu, gồm cả Ý và Tây Ban Nha, nên bị điều tra vì sao lại không có đủ tiền để đối phó với dịch bệnh.
Đại dịch, nói như nhà nghiên cứu Heather Grabbe, một lần nữa khoét sâu thêm vết thương vẫn chưa lành hẳn từ sau cuộc khủng hoảng Eurozone, và làm sống lại định kiến về “những người hoang phí” ở miền nam châu Âu và “những kẻ vô cảm” ở phía bắc.
“Niềm tin giữa các quốc gia EU đã bị xói mòn sau mỗi cuộc khủng hoảng” – bà Grabbe nhận xét và chỉ ra các cuộc khủng hoảng liên tiếp mà khối này đã đối mặt trong suốt 10 năm qua khiến cái gọi là “chủ nghĩa châu Âu” ngày càng suy yếu.
Đừng giết nền dân chủ
Chưa xong tài chính, EU lại phải tìm cách kiềm chế nhà lãnh đạo cứng rắn của Hungary Viktor Orban.
Một sắc lệnh khẩn cấp được thông qua ở nước này đã trao quyền lực chưa từng có cho ông Orban, trong đó cho phép tống giam tới 5 năm các nhà báo chỉ trích các biện pháp chống dịch của chính phủ hoặc bất kỳ cá nhân nào lan truyền “thông tin sai lệch”.
Động thái của chính quyền Orban vấp phải sự chỉ trích của cả khối. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh trong khi các nước EU có thể tiến hành các biện pháp “phi thường” để đối phó dịch bệnh, những gì vừa diễn ra ở Hungary đã “đi quá xa” và khiến bà “đặc biệt lo ngại”.
Phó chủ tịch EC Vera Jourova nhấn mạnh “đây là lúc để giết virus, không phải kết liễu nền dân chủ” và cho rằng khi Chính phủ Hungary có thêm nhiều quyền lực, Quốc hội và truyền thông phải là người kiềm chế và ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực.
“Chúng ta có những nguyên tắc rất rõ ràng về luật pháp ở EU và những điều này phải được tuân thủ bởi tất cả các quốc gia thành viên” – người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel, bà Ulrike Demmer đặt vấn đề.
“Các giá trị mà liên minh được xây dựng là tôn trọng phẩm giá con người, tự do, bình đẳng, pháp trị và tôn trọng nhân quyền. EU sẽ chỉ hoạt động như một cộng đồng của các giá trị nếu những giá trị này được tôn trọng và bảo vệ bởi tất cả mọi người” – bà Demmer lập luận.
Như chưa đủ gây sức ép, chỉ một ngày sau khi các chính trị gia EU đồng loạt lên án Hungary, Tòa công lý châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết vào ngày 2-4, tuyên bố Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech đã phá vỡ luật của EU khi từ chối tiếp nhận người tị nạn được phân bổ từ Hi Lạp và Ý cách đây 5 năm. Phán quyết của ECJ có thể sẽ mở đường cho các biện pháp trừng phạt của EU nhắm vào 3 nước này.
Lá rách ít đùm lá rách nhiều
Trong một động thái mang tính xoa dịu những chỉ trích về việc Hà Lan phản đối “trái phiếu corona”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 2-4 đã đề xuất thành lập “quỹ corona” hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch.
Các quốc gia sẽ góp tiền vào quỹ này theo tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. “Đây không phải là một quỹ để cho vay hay bảo lãnh, đây là quỹ để giúp những người thực sự cần đến nó”, ông Rutte lập luận.
Nguồn: tuoitre.vn