Tình hình Iran dự kiến căng thẳng trong vài tuần tới và có thể là bài kiểm tra đầu tiên cho lời hứa tranh cử của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden về chính sách đối ngoại.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được kỳ vọng chứng kiến bước ngoặt mới, sau khi ủy ban phụ trách thỏa thuận này tổ chức họp trực tuyến ngày 16-12 với sự tham gia của đại diện Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU). Cuộc họp được triệu tập tại Vienna (Áo), sau khi Iran thông báo tiếp tục đình chỉ cam kết của họ trong thỏa thuận vốn đã bên bờ sụp đổ hoàn toàn này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran có tên chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký năm 2015 giữa Iran, EU và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, cộng với Đức).
Việc Mỹ rút khỏi JCPOA năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran đã ảnh hưởng nặng nề lên mối quan hệ Mỹ – Iran cũng như giữa Mỹ và các nước còn lại tham gia thỏa thuận. Gần đây, Iran đã trả đũa bằng cách từ bỏ dần các cam kết về giới hạn trong hoạt động hạt nhân của mình, đặc biệt thể hiện qua kế hoạch lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến tại cơ sở làm giàu urani lớn nhất nước này ở thành phố Natanz, tỉnh Isfahan. Tuần trước, ba nước “E3” gồm Anh, Pháp và Đức đã gọi kế hoạch của Iran là hành động “cực kỳ đáng lo ngại”.
AFP dự đoán vài tuần tới sẽ rất sóng gió với các diễn biến mới từ châu Âu và Iran.
Vì vậy, sau thời gian chỉ trích Tổng thống Trump kịch liệt, các nước châu Âu giờ đây hi vọng ông Biden khi tiếp quản Nhà Trắng sẽ mở ra hi vọng cứu thỏa thuận này.
Trên website chiến dịch tranh cử, ông Biden đặt ra điều kiện để tái gia nhập JCPOA như sau: “Nếu Iran quay lại với cam kết trong thỏa thuận, Tổng thống Biden sẽ quay lại thỏa thuận, sử dụng chính sách dứt khoát và thực tế và sự ủng hộ từ các đồng minh của chúng ta nhằm củng cố và mở rộng nó, đồng thời đẩy lùi một cách hiệu quả hơn những hành động gây bất ổn khác của Iran”.
Nhưng ra điều kiện Iran phải quay lại cam kết trước, mọi thứ lại có nguy cơ bế tắc.
Thứ nhất, các lãnh đạo Iran hiện nay – đặc biệt nhóm bảo thủ – đã có lý do không tin tưởng Mỹ. Hôm 16-12, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo người Iran đừng “tin tưởng kẻ thù”, và lập luận rằng: “Sự thù địch không giới hạn ở nước Mỹ của Trump và không chấm dứt chỉ vì ông ta đã rời nhiệm sở”.
Thứ hai, cả EU không chấp nhận sự điều chỉnh nào theo hướng của Biden. Bà Federica Mogherini, từng là quan chức cấp cao của EU đàm phán thỏa thuận này, khuyến cáo Mỹ đừng cố gắng đàm phán một JCPOA bổ sung nào quá sớm lúc này. Quan điểm của bà Mogherini đã rõ. JCPOA phải được giữ nguyên cam kết, và khi đó Iran phải đáp ứng yêu cầu giảm làm giàu urani như thỏa thuận, còn Mỹ cũng phải tháo gỡ trừng phạt Iran.
Nguồn: tuoitre.vn