Trước diễn biến Covid-19 phức tạp khắp toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận đại dịch “đặc biệt khó ngăn chặn”.
Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 11/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 20,2 triệu người đã nhiễm Covid-19 với ít nhất 737.135 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, hơn 13 triệu ca bệnh khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng số ca mắc hơn 5,2 triệu người và tử vong hơn 166.000 người. Các ổ dịch lớn thứ hai, thứ ba thế giới lần lượt là Brazil với hơn 3 triệu ca nhiễm, gần 102.000 người tử vong và Ấn Độ với xấp xỉ 2,3 triệu ca nhiễm, 45.353 trường hợp thiệt mạng.
Truy tìm ca bệnh số 0
Tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sỹ hôm 10/8, tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều phối Chương trình các vấn đề khẩn cấp y tế của WHO nhấn mạnh, dịch Covid-19 đang chứng minh “đặc biệt khó ngăn chặn” và virus corona chủng mới không phải là mầm bệnh dễ phát hiện.
Ông Ryan giải thích, hiện rất khó để phát hiện và phân biệt giữa Covid-19 với các triệu chứng bệnh khác nếu không có xét nghiệm đầy đủ và ngay lập tức. Đây là điều đang được ghi nhận ở nhiều quốc gia, nơi Covid-19 và bệnh cúm lan truyền cùng lúc.
CNN dẫn lời ông Ryan lưu ý, một cuộc điều tra dịch tễ học sẽ bắt đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vì đó là nơi phát hiện ra những cụm lây nhiễm đầu tiên. Song, điều này không nhất thiết đồng nghĩa đó là nơi có ca bệnh số 0 (trường hợp đầu tiên mắc bệnh).
Theo quan chức WHO, việc truy tìm ca bệnh số 0 rất quan trọng, sẽ giúp nhận diện “đâu là điểm tường rào ngăn cách giữa động vật – con người bị xuyên thủng”, khiến mầm bệnh nguy hiểm lây nhiễm sang người. Quá trình có thể tốn nhiều thời gian, do thế giới từng mất nhiều năm để xác định điều đó ở Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và vẫn chưa tìm ra câu trả lời đầy đủ đối với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
EU gia tăng ca nhiễm
Cơ quan y tế của EU kêu gọi các nước thành viên đang chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm mới Covid-19 tái triển khai các biện pháp khống chế dịch.
Trong báo cáo đánh giá nhanh nguy cơ công bố hôm 10/8, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo nguy cơ “leo thang lây nhiễm” virus khắp châu lục, khi các chính phủ cho nới lỏng việc hạn chế đi lại cũng như các biện pháp ngăn chặn dịch khác.
ECDC khuyến nghị các nước đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới nên cân nhắc tái áp đặt các biện pháp được lựa chọn kỹ lưỡng, bền vững và theo từng giai đoạn. Cơ quan cũng mong muốn các chính phủ nên có cách tuyên truyền thích hợp để nhắc người dân về việc virus vẫn tiếp tục lây lan trong cộng đồng, nên tuân thủ nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giãn cách xã hội…
Các tin tức đáng chú ý khác:
– Theo một báo cáo mới, chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 7 đã có tới hơn 97.000 trẻ em Mỹ được chẩn đoán nhiễm Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Tổng thống Donald Trump đã ký 4 sắc lệnh nhằm giúp vực dậy nền kinh tế sau khi các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế giữa chính phủ với quốc hội đổ vỡ.
– Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke ngày 10/8 thừa nhận virus đang quay trở lại, đồng thời công bố các biện pháp phù hợp với từng địa phương để dập dịch, trong khi tránh áp phong tỏa toàn quốc.
– Thủ đô Seoul, Hàn Quốc đang lo ngại nguy cơ bùng phát ổ dịch mới sau khi 8 tiểu thương tại chợ Namdaemun dương tính với Covid-19. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã phát hiện 3 biến thể mới của protein gai ở các ca bệnh nhập khẩu (gồm 2 ca từ Pakistan và một ca từ Uzbekistan). KCDC sẽ phân tích thêm và báo cáo WHO.
– Chính phủ Hy Lạp tuyên bố sẽ áp lệnh giới nghiêm trong khoảng từ 0h – 7h hàng ngày đối với mọi quán bar, nhà hàng tại các hòn đảo nghỉ dưỡng Mykonos, Santorini, Corfu, Rhodes và Crete. Biện pháp có hiệu lực từ ngày 11 – 23/8 nhằm làm chậm lại sự lây lan của virus.
– Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 30 ngày do Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu ở nước này. Đây là lần gia hạn thứ 5 kể từ khi lệnh được ban bố lần đầu hôm 13/3. Tính đến sáng sớm 11/8, quốc gia Nam Mỹ ghi nhận tổng cộng 25.805 ca nhiễm, với 233 trường hợp tử vong.
Nguồn: vietnamnet