Ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam – đã nói vui như vậy để phản ánh về thực trạng công nghệ lạc hậu của ngành đường sắt Việt Nam hiện nay, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn.

4.200 lối đi tự mở qua đường sắt trái phép

Ông Vũ Anh Minh.

Ông Vũ Anh Minh.

Tại cuộc tòa đàm “An toàn giao thông đường sắt – thực trạng và giải pháp” diễn ra chiều 1/6, tại Hà Nội, ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết: Hiện nay, trên cả nước có 5.700 điểm giao cắt đồng mức với đường sắt, trong đó đường sắt Việt Nam quản lý là 1.519 đường ngang chính thức, còn lại 4.200 lối đi tự mở trái phép. Trong số 1.519 đường ngang chính thức chỉ có 654 đường ngang có rào chắn, như vậy còn 5.065 đường ngang không có rào chắn, phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người dân.

Ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) – cho biết: Phương tiện của đường sắt cũng rất cũ và chắp vá, đường sắt có gần 300 đầu máy nhưng có tới 14 chủng loại; có khoảng 5.000 toa xe hàng, hơn 1.000 toa xe khách nhưng cũng có nguồn gốc ở nhiều nơi như Ấn Độ, Trung Quốc và Rumani, thậm chí có cả của Việt Nam. Chính vì thế, hiệu quả sử dụng cũng như bảo dưỡng, sửa chữa rất khó khăn.

Nói thêm về công nghệ lạc hậu của ngành đường sắt, ông Vũ Anh Minh chia sẻ: “Ở ngành đường sắt chúng tôi có câu nói vui mà thật “3 năm đèn sách để 30 năm xách đèn”, tức là học trong trường 3 năm để ra trường xách đèn đi tuần đường, vẫn công nghệ lạc hậu đó. Đến thế kỷ 21 rồi vẫn chạy chân đất để bắt tàu dừng lại khi có sự cố phía trước. Sáu tháng trở lại đây chúng tôi mới tiến hành lắp hết hệ thống điện thoại, camera hành trình trong cabin để giảm phụ thuộc vào con người khi có nguy cơ tai nạn”.


Hình ảnh quen thuộc của một nhân viên ngành đường sắt. (Ảnh: Báo Quảng Bình)

Hình ảnh quen thuộc của một nhân viên ngành đường sắt. (Ảnh: Báo Quảng Bình)

Ngoài thực trạng về cơ sở hạ tầng ngành đường sắt hiện nay lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm đều thừa nhận ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao.

Ông Lưu Bình Nhưỡng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng – Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội – chia sẻ: Ý thức tham giao thông của người dân và của cả cán bộ còn rất thấp. Chính vì vậy, chúng ta không nên đổ lỗi hoàn toàn cho ngành đường sắt.

“Tôi là người thường xuyên đi qua các điểm giao cắt, kể cả các điểm giao cắt đồng mức, tôi nhớ lại một câu của ông Trần Đăng Tuấn – nguyên TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam – nói: “Ở Việt Nam có một thứ văn hóa rất lạ là văn hóa nhanh chân, ai cũng muốn đi về trước, ai cũng muốn chen lên”, cho nên hết sức nguy hiểm đến an toàn đường sắt cho bản thân và cho những người khác. Chính vì vậy tôi cho rằng, ngoài vấn đề hạ tầng kinh tế, cần phải bàn đến cả hạ tầng ý thức còn kém của người dân” – ông Nhưỡng nói.

Thành lập lực lượng cảnh sát đảm bảo trật tự an toàn đường sắt


Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết: Trách nhiệm của các địa phương trong vấn đề xử lý thực trạng tự mở lối đi, đường ngang dân sinh là rất quan trọng; ngành đường sắt vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương về vấn đề này.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có kiến nghị với Bộ Công an cần thành lập một lực lượng cảnh sát để làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường sắt, nhưng kiến nghị này vẫn chưa thực hiện được vì lý do liên quan đến bộ máy của ngành công an.

“Nhưng thông qua đây, anh Minh, anh Thạch cũng quan tâm đến kiến nghị này của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, vì chúng tôi cho rằng đảm bảo an toàn đường sắt trên hệ thống và lực lượng để phối hợp với ngành đường sắt nhằm bảo vệ các vị trí có đường giao cắt là rất quan trọng” – Thiếu tướng Hưng nói.

Còn theo ông Vũ Anh Minh, thời gian tới, ngành đường sắt sẽ tiếp tục phối hợp với các các đơn vị liên quan xử lý vấn đề đường ngang trái phép, phấn đấu đến 2025 xóa hết hơn 4.200 đường ngang trái phép.

Ông Minh cho biết, để xử lý vấn đề trên, sự phối hợp của các địa phương là rất quan trọng, nếu địa phương nào phối hợp làm tốt, địa phương đó sẽ thành công. Vừa rồi Đà Nẵng đã tự trích nguồn kinh phí để làm đường gom. Chúng ta không thể đóng hết đường ngang được mà bắt buộc phải làm đường gom để phục dân sinh; có đường gom sẽ giảm được đường ngang (thay vì 200m có 1 lối đi, thì 2km mới có một lối).

Theo số liệu thống kê của ông Minh cung cấp tại cuộc tọa đàm, từ đầu năm 2018 đến nay có 116 vụ tai nạn đường sắt, trong đó chỉ có 2 vụ là do nguyên nhân chủ quan của nhân viên đường sắt. Để khắc phục lỗi chủ quan này, ngành đường sắt đã tổ chức cuộc họp an toàn giao thông đường sắt, siết lại toàn bộ kỷ cương, lập lại quy trình và đưa ra rất nhiều các giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh đó, để hạn chế tai nạn xảy ra do lỗi tác nghiệp, ngành đường sắt đang ứng dụng khoa học công nghệ như lắp đặt hệ thống camera, hệ thống cảm biến để hạn chế phụ thuộc vào con người.

“Chúng tôi đã tăng cường giám sát từ trên tổng công ty đến các giám đốc đơn vị. Tuần tới họp tôi yêu cầu, nếu trong vòng 3 tháng nữa mà vẫn để tai nạn xảy ra do chủ quan thì mức kỷ luật chưa đến mức cách chức giám đốc đơn vị nhưng sẽ đề nghị từ chức, chắc chắn không dừng lại ở đó, để chúng ta xiết lại kỷ cương căng hơn” – ông Minh cho biết.

Theo Dân Trí

Từ khóa : công nghệ lạc hậuđường sắt Việt Namgiao thông đường sắtnhân viên đường sắttai nạn đường sắt

Các tin liên quan đến bài viết