Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu định canh, định cư (ĐCĐC) xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã thay đổi kể từ khi được cấp nhà, cấp đất sản xuất.

Có nhà, có đất, “no cái bụng”

Về thôn 5, khu ĐCĐC xã Đồng Nai, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là hình ảnh trẻ em chơi đùa theo từng nhóm, tiếng cười nói rôm rả. Đường đất trước đây nay đã được thay bằng nhựa phong quang, sạch sẽ. Phía xa xa, nhiều người đang cặm cụi làm việc trên mảnh đất trồng mì, cao su hoặc những luống rau, giàn bí…

dn

Con đường nhựa dẫn vào khu định canh, đ xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Tuy không náo nhiệt, nhưng bất cứ ai đến đây cũng cảm nhận được hơi thở cuộc sống mới. “Trước đây, khi chưa sáp nhập 2 thôn 7 và 8 thành thôn 5. Tôi ở thôn 7, thuộc diện hộ nghèo nên được Nhà nước cấp nhà ở và đất sản xuất, tôi vui lắm. Khi chuyển về đây, thấy người dân có nhu cầu nên tôi đã mở tiệm tạp hóa bán những đồ dùng thiết yếu. Tuy không có lãi nhiều, nhưng cũng phụ được phần nào trong sinh hoạt hằng ngày” – chị Thị Mai cho biết.

Gia đình nhà anh Điểu Ngoi (dân tộc S’tiêng), trước đây ở thôn 4, cả nhà có 6 người phải ở nhờ trên đất nhà người quen và đi làm thuê khắp nơi. Khi được cấp nhà ở và gần 7 sào đất canh tác, cây giống, gia đình anh dần ổn định cuộc sống. Đứa con gái 6 tuổi của anh Điểu Ngoi cũng đã được đến trường theo đúng độ tuổi. “Trước kia sống ngày nào biết ngày đó, bây giờ có nhà, có đất là tài sản của riêng mình, gia đình tôi đã thoát khỏi cảnh ăn nhờ ở đậu, trồng mì, rau, màu cuộc sống bớt cực” –  anh Điểu Ngoi chia sẻ. Hiện ngoài canh tác trên phần đất được cấp, vợ chồng anh Điểu Ngoi đi cạo mủ cao su thuê với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng, có thêm tiền nuôi 4 đứa con.

Cạnh nhà anh Điểu Ngoi là gia đình bà Thị Lui. Gia đình bà Lui cùng với vợ chồng của 2 người con trai cũng được cấp đất về khu ĐCĐC sinh sống. Bà Thị Lui cười hớn hở kể: “Giờ no cái bụng rồi! 3 năm trước tôi ở trong ngôi nhà lụp xụp, cực lắm. Nay được cấp đất dựng nhà, có đất trồng cấy nên cuộc sống bớt cực hơn”. Vừa nói chuyện với chúng tôi, bà vừa chỉ lên đám điều trước mặt, những cây điều đã cao hơn chiều cao của người lớn và cho biết đó là vườn điều của gia đình.

Xây trường, kéo điện nước về cho thôn

Cách nhà bà Lui khoảng 300m là Trường Mẫu giáo Hoa Sen. Trường được xây dựng từ nhiều năm trước, nhưng đóng cửa vì không đủ số lượng học sinh để mở lớp. Năm học 2016 – 2017, khu ĐCĐC đông người đến ở và trường đã được khai giảng lớp đầu tiên.

Anh Điểu Thâm – Trưởng thôn 5, xã Đồng Nai cho biết, đời sống của bà con ở khu ĐCĐC đã ổn định rất nhiều. Hiện chỉ còn 5 hộ chưa chuyển vào vì có đất ở nơi khác và điều kiện kinh tế khá hơn nên thỉnh thoảng họ mới vào để làm rẫy. Việc khó khăn nhất hiện nay là  các gia đình đã chuyển về đây sinh sống nhưng đa phần họ vẫn chưa nhập hộ khẩu về nên quá trình quản lý có gặp trở ngại.

Theo anh Điểu Thâm,  trước đây điện, nước ở khu  ĐCĐC là thứ xa xỉ đối với  nhiều hộ dân. Cuối năm 2015, từ một phần kinh phí của dự án, huyện Bù Đăng đã hỗ trợ thêm kéo điện, nước vào nhà cho các hộ. Đến nay, 43/43 hộ dân ở khu ĐCĐC đã có điện, nước sử dụng.

Ông Phan Minh Lâm – Chủ tịch UBND xã Đồng Nai cho biết, khu ĐCĐC xã Đồng Nai được thực hiện theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 33). Hiện có 43 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cấp nhà ở, đất sản xuất và cây giống đang dần ổn định cuộc sống.

 

Đến nay dự án ĐCĐC đối với người đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản đã cán đích đúng tiến độ. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ quan tâm nhiều hơn nữa, có  nhiều chính sách hỗ trợ người dân, để họ an cư lạc nghiệp”.

Ông Phan Minh Lâm
Chủ tịch UBND xã Đồng Nai

Hoàng Khanh

Từ khóa : dân tộc miền núiđồng naingười S'tiêng

Các tin liên quan đến bài viết