“Nhiện điện than trong nhiều năm tới đây vẫn phải là nguồn năng lượng quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện mới đảm bảo được việc cung cấp điện với giá hợp lý cho người dân”.
Đó là nhận định của ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương tại hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than” được tổ chức trong sáng nay (13/12).
Theo tính toán quy hoạch được duyệt tới 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% điện năng cung cấp cho hệ thống.
Theo đó, ông Lực cho biết hiện nay, nhiệt điện than cấp 37-38% điện năng cho nhu cầu điện năng của đất nước. Trong điện thương phẩm năm 2017, nhiệt điện than chiếm khoảng 176 tỷ kWh, và năm 2018 chiếm 215 – 216 tỷ kWh. Theo tính toán quy hoạch được duyệt tới 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% điện năng cung cấp cho hệ thống.
“Thuỷ điện đã tới hạn, điện khí thì rất hạn chế vì nhập khẩu giá cao và phụ thuộc thị trường thế giới, điện mặt trời thì công suất kém, không đáp ứng đủ. Cho nên từ nay tới năm 2030 và nhiều năm sau nhiệt điện than vẫn chiếm cơ cấu chủ yếu trong thị trường điện”, ông Lực nhấn mạnh.
Do đó, ông Lực cho rằng, bất kỳ nguồn điện nào đều có tính chất hai mặt. Ngay cả trào lưu phát triển điện gió, điện mặt trời nếu không cẩn trọng cũng có tác động đáng kể tới môi trường nên phải nghiên cứu kỹ càng, căn cơ hơn.
Cụ thể, để phát triển điện mặt trời thì đi kèm theo đó phải nghiên cứu, tối ưu hóa tấm pin, ắc quy nhưng dù công nghệ phát triển thế nào thì pin, ắc quy đó cũng là nguồn gây phát thải, ô nhiễm môi trường. Việc xử lý được các tấm pin mặt trời cũng là vấn đề tới đây các cơ quan hoạch định chính sách, nhà khoa học cần nghiên cứu đánh giá căn cơ hơn.
“Phải thấy vai trò quan trọng trong sản xuất điện, cung cấp điện cho sản xuất trong nước của nhiệt điện than. Phát thải gây ô nhiễm môi trường của nhiệt điện than tất nhiên là có nhưng có thể khắc phục được và nằm trong phạm vi cho phép”, ông Lực nói thêm.
Ông Lực đánh giá rằng, tuy nhiệt điện than có phát thải nhưng chúng ta có biện pháp khắc phục. (Ảnh: Hồng Vân)
Về vấn đề này, PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cũng cho rằng, nhiệt điện than đốt hàng chục triệu tấn than và thải ra tro xỉ, điều này là đúng nhưng phải xem họ xử lý phát thải như thế nào.
“Gần đây nhất, có thông tin của một trung tâm sức khỏe cộng đồng cho rằng có nhiều người bị ung thư ở khu vực xung quanh những nhà máy nhiệt điện than. Những thông tin như vậy khiến nhiều người hiểu sai, rất có hại”, ông Nghĩa nói.
Cụ thể, theo ông Nghĩa, trung tâm này cho rằng nhiệt điện than có thải nhiều yếu tố kim loại nặng ra môi trường, gây ung thư cho cộng đồng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam phân tích: “Xả thải của nhiệt điện than đúng là có rất nhiều kim loại nặng nhưng đều có hàm lượng rất bé, thậm chí bé hơn nồng độ quy định tới 3.000 lần. Chúng ta bốc nắm đất lên cũng không thiếu nguyên tố kim loại nặng, thậm chí trong cơ thể của chúng ta cũng có các nguyên tố kim loại nặng như sắt, kẽm,…”.
Ngoài ra, tại hội thảo, ông Bae Youngjin, Trưởng ban phát triển dự án, Khối dự án nước ngoài thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc cũng cho biết, nhiệt điện than đóng góp nhiều cho sự phát triển của Hàn Quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Đáng nói, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc là tập đoàn quốc doanh lớn nhất nước này với 6 tổng công ty phát điện, giữ 70% công suất phát điện tại Hàn Quốc. Trong đó, nhiệt điện than và điện hạt nhân là nền tảng, là xương sống của ngành công nghiệp điện của Hàn Quốc.
Ông Yoshikazu Ikai, Phó Tổng thư ký JCOAL – cũng cho biết, Nhật Bản là nước rất ít tài nguyên, nên phải kết hợp nhiều loại năng lượng khác nhau. Trong đó, ông Yoshikazu nhấn mạnh, nhiệt điện than và than đá đối với Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng.
Theo Dân Trí